Thủ tướng dự Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Tin tức - Ngày đăng : 15:00, 22/12/2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Liên minh hợp tác xã Việt Nam

Với chủ đề "Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; đẩy mạnh xây dựng hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam vững mạnh; thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên," Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khai mạc sáng 22.12 tại Hà Nội.

Hơn 600 đại biểu đại diện cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trên khắp cả nước và hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam tham dự. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Cùng dự có các lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành uỷ trong cả nước.

Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội cho biết, giai đoạn 2016-2020, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, đến cuối năm 2020, có 26.040 hợp tác xã (tăng 5.625 hợp tác xã so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân 3,6%/năm), 100 liên hiệp hợp tác xã và 119.000 tổ hợp tác; thu hút 8,1 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (chiếm 31% tổng số hộ cá thể, cá nhân của cả nước).

Nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, điển hình như: Hợp tác xã Lâm nghiệp công nghệ cao (tỉnh Phú Yên), hợp tác xã nông nghiệp Phước Tín (tỉnh Quảng Ngãi), hợp tác xã bò sữa Tân Thông Hội (TP Hồ Chí Minh), hợp tác xã Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng), hợp tác xã thương mại-dịch vụ Phường 1, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Liên hiệp hợp tác xã vận tải xe buýt TP Hồ Chí Minh... và hàng ngàn hợp tác xã nông nghiệp, thương mại, vận tải, môi trường, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả.

Đó là những minh chứng cho sự thành công của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kiểu mới, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã...

Đại hội cũng đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và chương trình trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025 đó là thu nhập của thành viên hợp tác xã tăng bình quân 6%/năm trở lên; thu hút hộ cá thể, cá nhân, tổ chức khác là thành viên của hợp tác xã, tổ hợp tác tăng bình quân 15%/năm; ít nhất 60% hộ cá thể ở địa bàn nông thôn là thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác; đến cuối năm 2025, thu hút ít nhất 90% tổng số hợp tác xã, 100% liên hiệp hợp tác xã và 30% tổ hợp tác đang hoạt động là thành viên chính thức của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Hằng năm, xây dựng từ 300 đến 500 mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả (theo quy định hiện hành) trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 70%, trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 80%...

Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong những năm tới, chúng ta phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và khu vực về Hiệp định thương mại tự do; trong đó vấn đề về sản phẩm an toàn, chất lượng, an ninh lương thực; cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra rất gay gắt, cả thị trường trong nước và quốc tế, nhất là đối với những hộ kinh doanh cá thể.

Đứng trước tình hình đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về kinh tế tập thể, hợp tác xã, đó là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Xác định rõ phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tuân theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm "Thành tựu kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2016-2020." 

Thủ tướng đề nghị, hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, các tổ chức trong hệ thống chính trị để khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình hợp tác xã, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, dịch vụ công và một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, bộ, ngành, địa phương giao, uỷ thác; kịp thời tháo gỡ những khó khăn của hợp tác xã, phù hợp với cơ chế thị trường; hỗ trợ, nhân rộng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và pháp luật có liên quan (đất đai, thuế, tín dụng...), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững. Cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện cụ thể của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên; cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là phát triển hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương độc lập hạng Hai cho Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Trước đó, ngày 21.12, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Liên minh hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bầu ra 27 ủy viên Ban Thường vụ Liên minh hợp tác xã Việt Nam khóa VI, tại đại hội bầu 22, thiếu 5 ủy viên sẽ kiện toàn trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Thường trực Liên minh hợp tác xã Việt Nam gồm 4 người. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn được bầu tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025. Hội nghị Ủy ban Kiểm tra lần thứ nhất cũng đã bầu ông Lê Văn Nghị - Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên minh hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo TTXVN