Hải Phòng miễn học phí cho học sinh các cấp

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 18:30, 22/12/2020

Năm học 2020-2021 đánh dấu việc học sinh mầm non và THCS ở TP Hải Phòng chính thức được miễn 100% học phí. Học sinh THPT sẽ được miễn học phí từ năm học 2021-2022.

Trường mầm non Quán Trữ, quận Kiến An, TP Hải Phòng

Như vậy, Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng miễn học phí cho các bậc học.

Giảm gánh nặng cho phụ huynh

Chị Nguyễn Phương Thảo (28 tuổi, công nhân một nhà máy tại quận Dương Kinh, Hải Phòng) cho biết tháng 9.2020, gia đình nhận được thông báo cùng mẫu đơn của trường mầm non nơi cháu lớn đang học hướng dẫn xác nhận của công an địa phương để hưởng chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non. 

Theo chị Thảo, tổng thu nhập của hai vợ chồng làm công nhân khoảng 15 triệu đồng/tháng. Nhưng năm nay ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công việc bấp bênh.

"Tôi đang nghỉ thai sản. Chồng mới đi làm trở lại được ba tháng nay. Trước đó công ty khó khăn phải cắt giảm lao động. Khi biết thông tin TP miễn học phí, chúng tôi rất mừng. Dù khoản tiền được miễn hằng tháng không lớn nhưng giúp gia đình tiết kiệm để lo thêm sinh hoạt hằng ngày" - chị Thảo chia sẻ.

Trước đó, cuối năm 2019, chính sách hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp trên địa bàn được thông qua tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hải Phòng khóa XV. 

Cụ thể, học sinh có hộ khẩu, đăng ký tạm trú hoặc có xác nhận của công an sinh sống thực tế tại Hải Phòng đều được miễn học phí. Việc hỗ trợ theo số tháng thực học tại trường, tối đa không quá 12 tháng/năm học với trẻ mầm non và không quá 9 tháng/năm học với THCS, THPT và giáo dục thường xuyên. 

Đây là mức hỗ trợ tất cả gia đình có con em trong độ tuổi đi học. Trong đó đối tượng được thụ hưởng mức hỗ trợ cao nhất là trẻ mầm non với hơn 200.000 đồng/tháng và số tháng hỗ trợ là 12 tháng trong năm.

Học sinh Trường THCS Ngô Quyền, TP Hải Phòng

Tác động rất lớn đến ngành giáo dục

Thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hải Phòng, trong năm học 2020-2021, khối mầm non có 96.449 học sinh và khối THCS có 125.159 học sinh. Ngân sách thành phố hỗ trợ miễn học phí là hơn 226 tỉ đồng. Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng - đánh giá việc hỗ trợ 100% học phí cho các cấp học có tác động rất lớn đến ngành giáo dục thành phố.

Trước hết, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cảm thấy có trách nhiệm hơn trước sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và trách nhiệm hơn trong quản lý, giảng dạy học sinh. Bên cạnh đó, chủ trương của thành phố cũng tác động tới từng gia đình có con em đi học. 

Ngoài việc giảm bớt chi tiêu còn giúp họ trách nhiệm hơn trong việc đôn đốc con em mình học tập. "Nghị quyết hỗ trợ 100% học phí của thành phố giúp giải quyết tốt chủ trương không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, không học sinh nào phải bỏ học" - ông Lợi chia sẻ.

Nói về khó khăn trong triển khai chính sách này, theo đánh giá của một số cán bộ giáo dục, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non khó hơn bậc học khác. Lý do là trẻ mầm non luôn có sự biến động, dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi, thống kê. 

Bà Bùi Thị Ngọc Quyên - Phó Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Lê Chân, Hải Phòng - cho biết từ đầu tháng 8.2020, các trường mầm non ở quận cử giáo viên đến từng nhà để tuyên truyền, lập danh sách trẻ đến trường trong năm học này nhưng gặp khó khăn, bởi có khi hôm nay cha mẹ đồng ý cho con đi học nhưng mai lại đổi ý.

Hiện Sở GD-ĐT Hải Phòng đã có kế hoạch kết hợp cùng ngân hàng bàn giải pháp hỗ trợ các trường về nghiệp vụ kế toán. Bên cạnh đó, trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin, các đơn vị đối tác sẽ cùng sở xây dựng phần mềm quản lý số lượng học sinh một cách công khai, hiệu quả…

"Thưởng" xứng tầm cho giáo viên lẫn trò giỏi

Trước khi áp dụng chính sách miễn học phí, HĐND TP Hải Phòng cũng đã ban hành nghị quyết về cơ chế chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Theo đó, với học sinh đoạt các giải quốc tế, mức thưởng tối đa cho một học sinh đoạt giải là 500 triệu đồng, tối thiểu 200 triệu đồng, giáo viên có học sinh đoạt giải là 250 triệu đồng và tính tổng cho các giải. Đối với giải quốc gia, mức thưởng tối đa cho một học sinh đoạt giải là 50 triệu đồng, tối thiểu 20 triệu đồng, giáo viên có học sinh đoạt giải là 25 triệu đồng và tính tổng cho các giải.

Khuyến khích nhân rộng ở địa phương có điều kiện

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết:

Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ngân sách nhà nước. Theo đó, quy định thẩm quyền HĐND cấp tỉnh quyết định chi ngân sách với một số nhiệm vụ đặc thù ở địa phương. Vì vậy, trong thời gian qua, một số địa phương - trong đó có Hải Phòng - đề xuất và trình HĐND TP ban hành một số chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT...

Chính sách đã được thí điểm trong năm học vừa qua, được người dân ủng hộ. Vì vậy, cần được tổng kết đánh giá và khuyến khích nhân rộng ra một số địa phương có điều kiện; tiến tới có lộ trình nhân rộng cả nước để đảm bảo công bằng giữa học sinh các vùng miền.

Theo vị này, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn như hiện nay, cần có cơ chế, chính sách tăng thu hợp lý đồng bộ; thực hiện lộ trình tăng phù hợp để có nguồn lực tăng chi mới đảm bảo cân đối thu chi. Đặc biệt, phải tăng thu mới có nguồn lực mở rộng đối tượng chính sách và tăng mức chi cho các đối tượng chính sách mới, đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người, đặc biệt là các đối tượng thiệt thòi, yếu thế trong xã hội. Đồng thời đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng và đổi mới giáo dục đào tạo trong giai đoạn tới.

"Để đảm bảo công bằng lâu dài cho các đối tượng cùng được thụ hưởng dịch vụ giáo dục, cần quy định rõ giá dịch vụ giáo dục đào tạo tính đủ chi phí theo chương trình giáo dục đào tạo. Tuy nhiên do giá dịch vụ giáo dục ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, mức học phí hiện nay rất thấp nên chưa thể chuyển ngay học phí sang cơ chế giá tính đủ chi phí mà phải có mức tăng, lộ trình phù hợp. Vì vậy, một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, khả năng cân đối ngân sách đáp ứng, trước mắt cần thực hiện thí điểm để tổng kết, đánh giá và kiến nghị để ban hành chính sách học phí mới" - lãnh đạo Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh.

Theo Tuổi trẻ