Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông: Càng làm, càng thấm

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:00, 23/12/2020

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để đạt thành công phụ thuộc nhiều vào hiệu quả quản lý của người đứng đầu.


Chương trình GDPT mới đòi hỏi sự chủ động đổi mới trong công tác quản lý của hiệu trưởng

Sau hơn 1 năm thực hiện Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, nhiều hiệu trưởng cho rằng, nội dung này thực sự cần thiết và phù hợp khi triển khai chương trình mới.

Thước đo để hoàn thiện mình

Bộ chuẩn được đưa ra làm căn cứ để hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đồng thời, đây cũng là căn cứ để các phó hiệu trưởng thuộc diện quy hoạch chức danh hiệu trưởng; giáo viên (GV) thuộc diện quy hoạch các chức danh hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng tự đánh giá, xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện, học tập phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường.

Chính vì vậy, ngay sau khi Bộ ban hành thông tư, các hiệu trưởng đã nhanh chóng nghiên cứu và tự đánh giá bản thân theo những tiêu chuẩn, tiêu chí được nêu xem mình đang đứng ở đâu và cần làm gì để trở thành một hiệu trưởng tốt trong kỷ nguyên 4.0.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho biết: GV có đổi mới đến mấy mà hiệu trưởng không đổi mới thì giáo dục không thể đổi mới được. Trên thực tế, hiệu trưởng không thay đổi thì mọi thứ trong nhà trường vẫn vậy, văn bản chính sách không được triển khai.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền phân tích: Chuẩn không phải để xếp loại thi đua, mà để bồi dưỡng, giúp và hỗ trợ hiệu trưởng. Chuẩn hiệu trưởng giúp họ trong năng lực lãnh đạo và quản trị nhà trường. Khi hiệu trưởng thấy mình còn hạn chế ở đâu để phát triển. Đây còn là căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Trực tiếp quản lý trường học, thầy Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) nhìn nhận: Bộ chuẩn được đưa ra làm căn cứ để hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng năng lực phù hợp khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo thầy Nguyễn Minh Phi, quá trình thực hiện cho thấy, bộ chuẩn này không phải là áp lực cho hiệu trưởng như một số người nhận định, mà đây là thước đo để hiệu trưởng các nhà trường hoàn thiện mình và cũng là định hướng tốt cho hiệu trưởng trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mới…

Thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho rằng: Chuẩn đặt ra có tính lâu dài, định hướng hiệu trưởng trong tương lai, đặc biệt là cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình mới đòi hỏi khả năng lãnh đạo và hướng dẫn của hiệu trưởng, người đứng đầu tập thể. Hiệu trưởng không chỉ là người quản lý, mà còn chịu trách nhiệm cả về chất lượng và hiệu quả giáo dục tại đơn vị mình.

“Càng làm, càng soi vào các tiêu chuẩn thấy càng thấm trong việc xây dựng đội ngũ hiệu trưởng đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tôi coi đây là “kế hoạch bồi dưỡng để làm hiệu trưởng” nên vừa thực hiện vừa bổ sung, cập nhật những tiêu chí, tiêu chuẩn còn chưa đạt” - thầy Dương chia sẻ.

Tuy nhiên, theo thầy Dương, quá trình thực hiện cho thấy còn nhiều yếu tố chưa đồng bộ, trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng hiệu trưởng còn hạn chế. Việc thực hiện tiêu chuẩn sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin không dễ thực hiện với nhiều hiệu trưởng. Mặc dù đây là tiêu chuẩn rất cần thiết để quản lý nhà trường trong xu thế 4.0 cũng như triển khai chương trình mới.

Với thầy Dương, thực tế này đòi hỏi mỗi hiệu trưởng phải căn cứ thực tế hoạt động của đơn vị, nhìn nhận rõ nét trình độ, năng lực quản lý của bản thân để phấn đấu đạt chuẩn một cách phù hợp và thực chất.

Cũng như vậy, thầy Nguyễn Minh Phi cho rằng, trong quá trình tổ chức đánh giá, minh chứng cho những tiêu chuẩn phải căn cứ vào kết quả, hiệu quả công việc thực tế mà hiệu trưởng chỉ đạo nhà trường làm được chứ không phải bằng văn bản, kế hoạch, báo cáo như yêu cầu của Thông tư 14/2018.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, Bộ GD&ĐT: 
Khi nghiên cứu và thực hiện bộ chuẩn hiệu trưởng, các nhà quản lý trường học cần phân định rạch ròi 3 vấn đề: Lãnh đạo nhà trường; quản lý nhà trường và quản trị nhà trường để chọn tiêu chí thực hiện phù hợp. Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo đòi hỏi đội ngũ các nhà quản lý, trong đó có các hiệu trưởng sự chủ động, khoa học, sáng tạo và tài ba trong quản lý, quản trị nhà trường. Tuy nhiên, mỗi loại hình nhà trường lại có những đặc thù và mô hình giáo dục, đào tạo khác nhau nên việc thực hiện chuẩn hiệu trưởng cũng cần linh hoạt, lựa chọn tiêu chuẩn, tiêu chí để thực hiện, hoàn thiện bản thân, tránh hình thức và thực hiện “trên giấy”.

Theo Giáo dục và Thời đại