Một ngày chốt triệu đơn hàng, đại gia online thuê kho rộng hơn sân bóng đá

Kinh tế - Ngày đăng : 06:47, 24/12/2020

Hàng triệu đơn online "chốt" trong các ngày đặc biệt đang tạo áp lực cho các đơn vị tham gia thương mại điện tử, tìm nơi đủ diện tích để chứa hàng trước khi tới người mua.

Cơn sốt mua hàng online

Ngày 12.12 vừa qua là một trong những đợt bán hàng khuyến mại lớn nhất năm của cácb kênh thương mại điện tử (TMĐT).

Theo Lazada, chỉ trong 1 ngày, lượng nước giặt được bán ra đủ cho 3,5 triệu hộ gia đình sử dụng trong 1 ngày. Số lượng cây trồng và hạt giống được bán ra tương đương với 200.000 cây xanh, có thể sản sinh 23,4 triệu lít không khí sạch đủ cho 43.000 người hít thở trong 1 ngày; số lượng nồi chiên không dầu bán ra giúp tiết kiệm được 9.000 lít dầu ăn; số lượng son bán ra có thể xếp cao bằng tòa nhà cao nhất thế giới - Burj Khalifa ở Dubai.

Theo Shopee, một nhà bán hàng cá nhân chuyên về phụ kiện điện thoại trên nền tảng này, đã thu về 13 tỷ đồng trong 24 giờ ngày 12.12. Cứ mỗi phút trong ngày 12.12 trôi qua, có 1.000 sản phẩm dưỡng da được bán ra. Số lượng sản phẩm đồ dùng nhà bếp và phụ kiện bàn ăn bán ra trong ngày đạt 60.000 sản phẩm.

Kho hàng rộng, đáp ứng cơn cuồng mua sắm online của người tiêu dùng


Trước đó, trong chiến dịch 10.10, Tiki tăng doanh số hơn 30% so với đỉnh lịch sử của chiến dịch 9.9 - vốn đạt doanh số cao nhất trong vòng 10 năm nay của sàn TMĐT này. Doanh số đó thậm chí cao gấp 3,5 lần và số lượng sản phẩm bán ra tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.

Trong các dịp khuyến mại lớn như Lễ Độc thân 11.11, Black Friday 27.11, dịp lễ Giáng sinh và năm mới, các sàn TMĐT liên tục tung ra khuyến mãi và quảng cáo để thúc đẩy nhu cầu mua sắm. Người dùng ngày càng mạnh tay mua sắm hơn, đồng thời quen với giao dịch qua mạng hơn.

Ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành bán lẻ gặp khó khăn nhưng TMĐT tử đang lên ngôi theo xu thế chung của thế giới. Forbes đánh giá, Việt Nam là một "mảnh đất đầy tiềm năng" cho các doanh nghiệp muốn khai thác thị trường TMĐT. Tỷ lệ thâm nhập Internet của Việt Nam đạt 65%, là tiền đề cho sự phát triển TMĐT. Theo số liệu nghiên cứu của Redseer, đến năm 2026, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của ngành TMĐT Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD.

Mặc dù tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt còn khá cao tại Việt Nam, song từ khi dịch bệnh bùng phát, thanh toán qua các loại ví điện tử, thẻ tín dụng tăng mạnh. Dữ liệu từ Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng 76% về giao dịch trực tuyến trong vài tháng đầu năm 2020. 

Người tiêu dùng có ví điện tử thực hiện 1,6-2 giao dịch mỗi ngày để thanh toán trên điện thoại như nạp thẻ, giao đồ ăn, đặt xe và hóa đơn điện nước.

 Thuê nhà kho rộng đến 15 hecta

Bà Xuân Phạm, Giám đốc Marketing Việt Nam của JLL, cho biết, với số lượng các đơn hàng lớn, các bên tham gia cần xử lý đơn hàng nhanh hơn và hiệu quả hơn bao giờ hết để có thể đáp ứng được lượng đặt hàng những dịp này. Đơn vị nào có thể giao hàng nhanh trong 24 tiếng hứa hẹn sẽ chiếm được tình cảm và thị phần tốt nhất.

Sự phát triển của TMĐT dự kiến là đòn bẩy cho sự phát triển của ngành bất động sản hậu cần trong tương lai. Làn sóng nhu cầu của người tiêu dùng buộc nhà sản xuất hàng thiết yếu phải chật vật tìm diện tích kho đáp ứng và xem xét lại mọi mặt của chuỗi cung ứng.

Khu cầu kho chứa hàng tăng mạnh

Lượng đơn hàng tăng cao đột ngột buộc các công ty TMĐT phải giữ nhiều hàng hơn ở những địa điểm gần khách hàng, thúc đẩy nhu cầu kho bãi linh hoạt. JLL ghi nhận nhiều yêu cầu từ phía khách hàng TMĐT tử lớn, với nhu cầu thuê nhà kho gần trung tâm có diện tích từ 10-15 hecta.

Đầu tư vào các trung tâm phân phối gần hơn với cấc bến xe và cảng là những cách giúp đảm bảo giảm thiểu gián đoạn xảy ra nếu có thêm những biến động toàn cầu lớn xảy ra trong tương lai. Việc gia tăng các lựa chọn giao thông, ví dụ như đường sắt và phương tiện tự động, để giảm bớt sự phụ thuộc vào xe tải, cũng có thể giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Báo cáo của JLL đã từng nhắc đến một mô hình nhà kho linh hoạt vô cùng tiềm năng, có thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa kho bãi theo mùa. Mô hình "AirBnB cho logistics" là mô hình kinh tế chia sẻ, cho phép các doanh nghiệp có thể tối ưu không gian kho bãi tạm thời không có nhu cầu sử dụng bằng việc cho thuê.

Đánh giá về tiềm năng về thương mại điện Việt Nam, các chuyên gia đều cho rằng, còn một chặng đường dài để phát triển, điều đó sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp hậu cần và kho bãi trở thành mảng đầu tư có giá trị trong thị trường bất động sản.

Theo Vietnamnet