Giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh: Bài 6: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tin tức - Ngày đăng : 10:34, 24/12/2020

Nhiệm kỳ vừa qua, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh có sự phát triển nhanh chóng về số lượng và không ngừng nâng cao về chất lượng.

>>> Bài 4: Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp ngang tầm nhiệm vụ
Bài 3: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước
>>> Bài 2: Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại
>>>
Bài 1: Tạo đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh


Hằng năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên Hải Dương sau khi tốt nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định đạt từ 70% đến trên 90%

Cơ cấu lao động thay đổi theo hướng phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo niên giám thống kê năm 2019, dân số của tỉnh là 1.896.911 người, trong đó 1.070.830 người trong độ tuổi lao động, chiếm 56,5% số dân, cho thấy Hải Dương đang trong giai đoạn “dân số vàng”. Việc thu hút vốn đầu tư, nhất là đầu tư FDI góp phần tạo lực hút lớn đối với lao động nhập cư từ các địa phương khác nên nguồn nhân lực rất dồi dào. Mặt khác, nguồn nhân lực có cơ cấu trẻ rất cao. Đây là lợi thế lớn cho tỉnh trong quá trình thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực tỉnh Hải Dương 5 năm qua không ngừng được nâng lên. Bình quân hằng năm Hải Dương có trên 2.000 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học; 36.500 học sinh, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định từ 70% đến trên 90%, tùy theo từng ngành nghề và trình độ đào tạo. Hiện nay, hệ thống đào tạo tỉnh Hải Dương phát triển khá nhanh với đầy đủ loại hình từ đại học đến giáo dục nghề nghiệp. Trong tỉnh hiện có 5 trường đại học, 10 trường cao đẳng, 2trường trung cấp. Mỗi năm, quy mô tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh là hơn 28.000 người. 

Cơ cấu kinh tế, cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh theo cơ cấu ngành nghề sản xuất, kinh doanh; đã mở thêm nhiều nghề đào tạo mới đáp ứng thị trường lao động. Cụ thể, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản từ 35,1% năm 2015 còn 25% năm 2020, tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng từ 36,5% năm 2015 lên 45,5% năm 2020 và lĩnh vực dịch vụ tăng từ 28,4% năm 2015 lên 29,5% năm 2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng nguồn nhân lực tỉnh ta còn có những hạn chế. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động còn thấp, khả năng làm việc theo nhóm, kỹ năng nghề, năng lực sử dụng ngoại ngữ còn hạn chế. Khả năng hòa nhập của học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp trong môi trường lao động mới chưa tốt. Khả năng thích ứng với thay đổi, kỹ năng thực hành và ý thức, tác phong làm việc cũng còn nhiều hạn chế...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3khâu đột phá lớn, trong đó có “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Theo đó, để khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, cần xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh như hỗ trợ người học nghề, tự tìm việc làm, tự tạo việc làm, xuất khẩu lao động. Thực hiện cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo trong tất cả các cấp học, nhất là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo nghề có trình độ chuyên môn cao. Cần đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, gắn nội dung đào tạo trong nhà trường với hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường. Đào tạo phải bảo đảm đầu ra có địa chỉ để học viên khi ra trường tìm được việc làm ngay, các cơ sở sản xuất không phải đào tạo lại. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cần liên kết phối hợp chặt chẽ để chủ động và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực. Chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho người lao động để chủ động hơn trong quá trình hội nhập. Công tác dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động phải chính xác, khoa học, định hướng tốt để giúp các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạch định chiến lược đào tạo. Tỉnh cần quan tâm thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn và thân thiện môi trường.

Thứ hai, tỉnh cần có chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những người có trình độ cao, nhất là đội ngũ trí thức trẻ và những tài năng trẻ. Ngoài thu hút nguồn lực chất lượng cao trong nước, cần có chính sách thu hút và huy động đội ngũ trí thức Việt kiều, du học sinh về tỉnh làm việc.

Thứ ba, đẩy mạnh hình thức xã hội hóa giáo dục đào tạo, huy động vốn đầu tư trong nước và ngoài nước để xây dựng các trường dạy nghề chất lượng cao, đi đôi với đổi mới trang thiết bị dạy học. Khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn thành lập cơ sở tự đào tạo lao động phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp mình và các doanh nghiệp khác có cùng ngành nghề.

Thứ tư, quan tâm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm vệ sinh an toàn lao động, chế độ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động. Hằng năm, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng mềm cho người lao động phù hợp với chính sách, luật pháp và sự phát triển của xã hội, phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tác phong, kỷ luật và kỹ năng lao động để người lao động có điều kiện hoàn thiện mình, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn lao động của doanh nghiệp, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

VŨ HỒNG KHIÊM
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội