Tư vấn tuyển sinh: Ngành y, tâm lý sẽ lên ngôi?
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 15:52, 26/12/2020
Hàng nghìn học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại Nam Định sáng 26.12 - Ảnh: MAI THƯƠNG
"Hy vọng các em học sinh nắm lấy cơ hội hôm nay để có thể tự trả lời được câu hỏi mình là ai? Mình sẽ làm gì", ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nam Định chia sẻ tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra ngày 26.12 ở Nam Định.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Sở GDĐT và tỉnh đoàn Nam Định tổ chức, cùng sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Kỹ thuật công nghệ, y khoa được quan tâm
Mở đầu phiên tư vấn, em Nguyễn Vũ Ngọc Hà, 12A3, Trường THPT Trần Hưng Đạo mong muốn được giải đáp về khoa tự động hóa của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - một trong những ngành tưởng chỉ dành cho con trai.
PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh Trường (Đại học) ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết ngành tự động hóa có điểm cao thuộc tốp thứ 2 của trường. Điều này cũng cho thấy vị trí quan trọng của ngành này trong bối cảnh hiện nay và nhu cầu nhân lực trong tương lai gần.
Theo tiết lộ của các chuyên gia tuyển sinh của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thì ngôi trường danh tiếng này bây giờ không phải "sở hữu của sinh viên nam" nữa mà tỷ lệ sinh viên nữ tăng lên rõ rệt. Khá nhiều ngành kỹ thuật công nghệ có nhiều sinh viên nữ và với thế mạnh riêng, các em nữ có thể thành công ở những ngành học "mạnh mẽ" này.
PGS.TS Phạm Văn Thuần, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam chia sẻ nếu như bức tranh hoạt động nghề nghiệp của năm 2020 thường gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 thì bức tranh năm 2021 tới đây được cụ thể hơn với định hướng liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, đến phát triển dịch vụ logistics, phát triển kinh tế biển… Những mục tiêu phát triển của Chính phủ sẽ là những định hướng quan trọng cho các học sinh trong việc chọn trường, chọn nghề. Đây cũng là những ngành được nhiều học sinh Nam Định quan tâm.
Tư vấn cho học sinh muốn theo trường y, TS Lê Đình Tùng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội khuyên các em cân nhắc kỹ nhiều yếu tố.
"Điểm trúng tuyển vào y khoa rất cao, thường cao nhất trong khối ngành chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, học sinh muốn học cũng phải xem xét đến khả năng tài chính, thời gian học tập. Một sinh viên y đa khoa ít nhất phải hoàn thành 231 tín chỉ trong 6 năm và tiếp tục học cao hơn nếu muốn có vị trí việc làm tốt nên rất cần phải cân nhắc". Theo thầy Tùng thì với nhiều thách thức đặt ra, chỉ những sinh viên có đam mê mạnh mẽ, có ý chí quyết tâm cao thì mới có thể trở thành một bác sĩ giỏi.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhận định y và dược luôn là ngành "hot" và thực tế có nhu cầu nhân lực rất cao vì việc chăm sóc sức khỏe trong xã hội phát triển càng được quan tâm nhiều hơn. Nhưng đây cũng là ngành đòi hỏi rất cao trong đào tạo.
Ngành ngôn ngữ, nhân văn "đắt câu hỏi"
Khá nhiều câu hỏi của học sinh về các ngành đào tạo ngôn ngữ cho thấy đây vẫn là lĩnh vực đang được cac em học sinh nhắm tới. TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội tiết lộ một điều khá bất ngờ: "Ba ngành tốp đầu Hàn, Trung, Nhật Bản hot nhất vì các quốc gia này đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, việc thì thoải mái, lương rất tốt". Tiếp đến mới là ngành tiếng Anh…
Cô Phương cũng chia sẻ một thông tin rất quan trọng là có điểm IELTS chưa chắc đã đỗ mà các em thí sinh phải lưu ý xem đề án ngoài IELTS ra còn điều kiện khác không. "Điểm IELTS như vé gửi xe thôi, còn các điều kiện khác thì mới bước vào được trường" - cô Phương ví dụ vui về tình hình tuyển sinh với sự đa dạng hóa các phương thức xét tuyển của nhiều trường đại học hiện nay.
TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho rằng "điểm IELTS mới chỉ là "vé gửi xe" vì các trường có thể kết hợp nhiều điều kiện khác nhau để xét tuyển - Ảnh: MAI THƯƠNG
Tiếp lời cô Phương, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Ban đào tạo ngôn ngữ Nhật của ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết các trường có thể tuyển sinh bằng xét điểm học tập, bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc thực hiện bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Báo chí, quan hệ công chúng, tâm lý học…. cũng là những ngành được học sinh quan tâm.
Tư vấn cho học sinh, PGS.TS Bùi Thành Nam, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói: "Ngành quan hệ công chúng có nhu cầu nhân lực dồi dào và là một trong những ngành có điểm đầu vào cao nhất Trường Khoa học xã hội & Nhân văn. Muốn học ngành này không chỉ cần nỗ lực để thi đỗ mà còn cần nỗ lực để học tốt, có cơ hội việc làm cao hơn".
Với ngành tâm lý học, ông thông tin: "Tâm lý học xã hội dành cho các nghiên cứu viên tại các tổ chức. Nếu có ngoại ngữ tốt sẽ tìm việc được tại các tổ chức quốc tế, cơ quan chính phủ. Tâm lý học quản trị kinh doanh có tính ứng dụng rất cao, có cơ hội làm việc rất tốt.
Trước đây đội ngũ bán hàng chỉ được đào tạo quản trị kinh doanh, không nắm được sở thích, tâm lý khách hàng, đối tượng doanh nghiệp là ai. Chỉ có ngành tâm lý học quản trị kinh doanh biết cách giải quyết các vấn đề hiệu quả".
Theo Tuổi trẻ