Thiên chức
Truyện ngắn - Ngày đăng : 09:11, 27/12/2020
Tiếng lịch kịch dưới nhà vọng lên làm My tỉnh giấc. Chắc anh An đang hí húi trong bếp với nồi niêu xoong chảo để chuẩn bị bữa sáng. My choàng dậy, lấy tay day day hai bên thái dương cho thần kinh giãn ra. Đêm qua cô ngủ muộn, trằn trọc mãi mới thiếp đi. Bình thường, cô luôn dậy sớm để đi bộ tập thể dục hàng tiếng mới về nấu ăn. Nhưng hôm qua là một ngày đặc biệt, một ngày mà cô quyết định nói ra niềm mong mỏi bấy lâu nay của chính mình.
Ánh nắng ban mai chiếu rọi qua khung cửa sổ khép hờ làm cho My nheo nheo cặp mắt. Cô bước xuống giường, đến trước chiếc gương lớn gắn bên trái tủ quần áo. Nhìn mình trong gương, từ đầu xuống chân, cô ngỡ ngàng nhận ra gương mặt hốc hác của người đàn bà gần bốn mươi tuổi đang chăm chăm nhìn mình. Đôi mắt đỏ ngầu vì mất ngủ lâu ngày vằn lên những tia đỏ dưới hàng lông mi dài và những vết chân chim xung quanh quầng thâm khiến cô trở nên già hơn tuổi. Cặp môi chưa tô son khô khốc, nhợt nhạt. Chỉ có thân hình vẫn còn mơn mởn nét thanh xuân. Cô có vòng eo con kiến và hông to, đúng kiểu con dâu mà các bà mẹ chồng thường kén chọn. Lần đầu nhìn thấy My, nhiều người không giấu được sự trầm trồ: “Đàn bà thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng lại khéo chăm con. Hông to thế kia là dễ đẻ lắm đấy”. Nhưng những người biết một chút về tướng số thì lắc đầu: “Đàn bà mà có cặp mắt ướt rượt thì đa đoan lắm”.
Quả nhiên My tự thấy mình là người đàn bà bất hạnh bởi đã qua hai lần đò mà cô không sinh được đứa con nào. Cô tự dằn vặt bản thân vì những ám ảnh thời thiếu nữ. Hồi sinh viên, cô yêu Minh, mối tình đầu kéo dài ba năm trời. Vì học cùng phổ thông, lại cùng quê nên cả hai đều có niềm tin về một đám cưới sau khi ra trường. My đã không giữ gìn. Đến khi que thử thai hiện lên hai vạch rõ mồn một, cô mới giật mình. Cô không ngờ mình lại có bầu dễ dàng như thế, trong khi còn một năm nữa cô và Minh mới ra trường. Không thể bỏ lỡ việc học hành. Không thể làm đám cưới với hai bàn tay trắng. Nhà Minh nghèo, bố mất sớm, một mình mẹ Minh chật vật nuôi ba anh em Minh ăn học. Giữ lại đứa con lúc ấy đồng nghĩa việc cô phải hy sinh, phải gác lại con đường học vấn, tự nguyện đâm đầu vào bụi rậm. Cô liều lĩnh đến phòng khám phụ khoa trong một con hẻm nhỏ giữa thành phố. Mùi ê te, mùi thuốc và cái bàn lạnh toát khi cô đặt lưng lên đã ám ảnh cô đến tận bây giờ. Tim cô như ngừng đập khi cảm nhận có cái gì đó đang cào cấu ruột gan mình. Cô đã ngất đi ngay trên chiếc bàn lạnh toát đó.
Sau biến cố ấy, tình cảm giữa cô và Minh nhạt dần. Cô chủ động chia tay mặc cho anh níu kéo. Cô không tin ở thời buổi này vẫn còn “một mái nhà tranh, hai trái tim vàng”. Cô tính toán chi li đường đi nước bước tiếp theo để trụ lại giữa thành phố phồn hoa. Đi thực tập, cô mặc đẹp, giao tiếp khéo, làm việc chỉn chu nên được ông giám đốc rất có cảm tình. Ông muốn giới thiệu cô với con trai ông và ngỏ ý muốn cô làm con dâu ông thì tốt biết bao. Cô bèn nắm lấy cơ hội ấy. Gặp Thuận, trái tim cô cũng rung lên những cảm xúc của tình yêu. Cô yêu nhanh và cũng dễ quên. Ánh mắt ướt rượt đắm đuối và bộ váy trắng muốt đã đánh gục Thuận trong buổi gặp đầu tiên. Thuận bỏ mối tình đầu để đến với cô.
Cô với Thuận tìm hiểu chán chê mới cưới. Hai người thường xuyên đi du lịch để tận hưởng tình yêu. Thuận sống bên Tây mấy năm trời nên phóng khoáng, chẳng bận tâm đến chuyện cô không còn là con gái. Cô thấy nhẹ cả người. Minh không còn là nỗi luyến tiếc của cô nữa nhưng thi thoảng trong đầu cô vẫn lóe lên sự so sánh giữa hai người đàn ông.
Cưới Thuận, My được nhận về cơ quan của bố chồng. Ai cũng bảo cô là “chuột sa chĩnh gạo”. Bố chồng mua cho cô xe đẹp đi làm. Nhưng một năm, hai năm rồi ba năm mà cô vẫn không có tin vui. Bố mẹ chồng bắt đầu sốt xình xịch, bắt vợ chồng cô đi khám chữa khắp nơi. Kết quả cho thấy nguyên nhân muộn con là tại cả hai người. Bác sĩ khuyên vợ chồng cô nên thụ tinh nhân tạo. Ba lần thụ tinh thì ba lần đều thất bại. Cô rùng mình khi nhớ lại những lần chọc trứng, lấy máu xét nghiệm, chầu chực vạ vật ở bệnh viện phụ sản. Tốn kém hàng trăm triệu đồng mà kết quả vẫn là con số không. Thuận oải. Cô rã rời, chán nản. Bố mẹ chồng thở dài ngao ngán. Ông bà có mỗi Thuận là con trai, lẽ nào lại tuyệt tự. Họ hàng nhà chồng nhìn cô bằng nửa con mắt. Mỗi khi tụ họp cỗ bàn, họ lại xì xèo to nhỏ cái chuyện cô bị “điếc”. Cô biết. Đàn bà lấy chồng chỉ lãi những đứa con. Cô có độc với ai bao giờ. Người cô mây mẩy chứ có giống con rô đực đâu. Vậy mà số cô sao lại hẩm hiu như thế? Nhiều đêm, cô không ngủ, quay lưng lại phía chồng, úp mặt vào tường, mặc kệ nước mắt lã chã rơi xuống gối.
Chín năm trời sống với Thuận, My cảm nhận được tình yêu thương, sự cảm thông của chồng dành cho mình. Những ngày vừa thụ tinh nhân tạo xong, cô phải nằm im một chỗ, treo chân lên cho phôi bám vào tử cung làm tổ, Thuận cơm bưng nước rót, phục vụ tận giường. Lần nào cũng đến tháng thứ ba thì thai chết lưu hoặc tất cả trôi ra hết. Bác sĩ kết luận tại cơ địa cô không giữ được thai. Cô như người mất hồn. Thuận sợ cô trầm cảm nên ra sức quan tâm, vỗ về, chăm sóc. Cô tưởng Thuận yêu mình nhiều lắm.
Vậy mà đến năm thứ mười thì cuộc hôn nhân của cô và Thuận đổ vỡ. Cô rơi vào thế bị động vì đinh ninh rằng Thuận sẽ không bao giờ bỏ mình. Nhưng không, Thuận đã chủ động viết đơn ly dị và chìa ra cho cô ký. Cô sốc nặng vì chưa thực sự chuẩn bị tâm lý cho chuyện chia tay. Cô gần như mất hết niềm tin khi phát hiện sự thật chua chát rằng Thuận có người đàn bà khác trước khi quyết định từ bỏ mình. Người ấy đã có thai với Thuận, đúng là một phép màu. Trong khi Thuận hân hoan làm đám cưới và chờ đón đứa con đầu lòng thì cô âm thầm gặm nhấm nỗi đau. Hôm họp lớp, gặp lại Minh, cô mới dần lấy lại tinh thần. Bấy giờ Minh đã là Phó Giám đốc một chi nhánh ngân hàng ở thành phố, nhà lầu, xe hơi, vợ con đuề huề. Cô cảm phục và chúc mừng Minh nhưng cũng chạnh lòng, tủi thân: “Số em chả ra gì”. Minh an ủi: “Em phải mạnh mẽ lên. Đừng ngoảnh lại mà phải tiến về phía trước. Đời còn dài em ạ!”.
Phải. Đời còn dài thì việc gì mình phải đầu hàng số phận cơ chứ. Cô nghĩ vậy và mở lòng với những mối quan hệ mới. Được nhiều đồng nghiệp giới thiệu hết người này đến người khác, cuối cùng cô chọn anh An, một người đàn ông góa vợ, hơn cô chục tuổi, đã có hai cô con gái, kinh tế khá giả, thu nhập ổn định, đủ làm chỗ dựa cho cô. Đã qua một lần đò, như con chim sợ đậu phải cành cong nên cô cũng suy đi tính lại. Dù sao thì anh An cũng có hai con rồi nên chuyện cô không sinh nở được cũng không nặng nề lắm. Con cái là của trời cho, biết đâu cô và anh An có duyên thì vẫn có thể có con chung. Còn hai đứa con riêng của anh thì mình quý nó, yêu thương nó ắt nó sẽ thương mình. Cô nghĩ đơn giản như thế nên việc đi bước nữa diễn ra nhanh chóng.
Về chung một nhà cô mới thấy những sự phức tạp hằng ngày. Bé Linh học cấp hai nên ngủ riêng từ lâu rồi nhưng còn bé Lan mới học lớp ba thì tối nào cũng ngủ với bố. Từ ngày mẹ mất, không tối nào nó chịu rời xa bố. Giờ tự dưng cô xuất hiện, xưng “mẹ” với chị em nó, nó vẫn dè chừng và chỉ gọi cô là “dì”. Lúc đi ngủ, nó đòi nằm giữa hai người. Chỉ vì cái việc tách nó ngủ riêng cũng làm anh An và cô khốn khổ. Con bé khóc cả tuần, không biết cái Linh xui hay nó tự thấy ấm ức, mất mát mà khóc. Nhìn nó khóc, cô cảm thấy như mình có lỗi. Nhiều bận cô rơi vào tình huống cười ra nước mắt. Đang nằm gọn trong vòng tay chồng thì tiếng gõ cửa cộc cộc, cô vùng dậy. Cái Lan nỉ non: “Bố ơi! Cho con vào với! Con mơ thấy ác mộng! Con sợ...”.
Cô chưa làm mẹ bao giờ nên không khéo dỗ trẻ con. Dù đã đọc nhiều sách nhưng thực tế lại không như sách dạy. Trong tình huống ấy, cô ôm gối sang ngủ với cái Linh. Con bé nhìn thấy cô, quay ngoắt vào trong. Sáng hôm sau nó dậy muộn, uể oải xuống nhà, miệng lầm rầm: “Con quen ngủ một mình rồi. Dì sang làm con khó ngủ”.
Cô lấy lòng bọn trẻ bằng cách mua cho chúng quần áo, đồ chơi và nấu những món ăn mà chúng thích. Dần dà, cái Linh thích nhổ tóc sâu cho cô. Cái Lan thích nghe cô kể chuyện cổ tích. Dường như giữa cô và bọn trẻ không còn khoảng cách vô hình như trước nữa. Cô nhớ lời anh An khuyên: “Chúng nó mồ côi mẹ nên thiệt thòi, tủi thân. Em từ từ nhẹ nhàng dạy bảo”. Cô dạy cái Lan quét nhà, dạy cái Linh rửa ấm chén. Hai đứa tíu tít thích phụ cô nhặt rau, nấu ăn. Khi chúng hắt hơi, sổ mũi cô liền đánh cảm, nấu cháo vì biết chúng rất sợ thuốc đắng. Khi Linh sốt, cô ngồi canh giấc ngủ cho nó. Chốc chốc cô lại lật khăn đắp trán con bé để cơn sốt dịu đi. Lúc tỉnh lại, nó ôm cánh tay cô thủ thỉ: “Con yêu mẹ” khiến cô cảm động rơi nước mắt.
Đêm qua, nghĩ đi nghĩ lại, cô thẽ thọt đề nghị anh An đưa cô đi thụ tinh trong ống nghiệm. Cô khao khát có một đứa con, hẳn nhiên đứa trẻ sẽ là sợi dây ràng buộc vợ chồng. “Ừ! Để anh tính. Phải thu xếp mới đủ kinh phí. Con cái là của trời cho”. Nói xong, anh An chìm vào giấc ngủ. Còn cô cứ suy nghĩ mông lung. Cô thiếp đi lúc nào không biết và mơ thấy cái bàn lạnh toát thuở nào.
Bây giờ người đàn bà trong gương nhìn cô với đôi mắt đỏ vằn vì thiếu ngủ. Tiếng cái Linh vọng lên từ dưới nhà:
- Mẹ My ơi! Mẹ xuống ăn sáng đi!
Cô mỉm cười, lòng xốn xang vì ba bố con đã chuẩn bị xong bữa sáng, chỉ chờ cô ngồi vào bàn ăn. Lâu lắm rồi cô mới được chăm sóc như thế này. Đưa hai đứa trẻ đến trường, cô tới cơ quan, mở điện thoại ra đã thấy tin nhắn của chồng: "Quyết tâm nhé vợ yêu! Tuần tới mình sẽ đi lên viện phụ sản".
Cô ấp điện thoại vào ngực, thấy tim mình rung lên những nhịp đập khác thường. Chỉ cần có cơ hội, chỉ cần một tia hy vọng thì cô vẫn bám vào để mong ước được làm tròn thiên chức của một người phụ nữ.
May mắn đã mỉm cười với cô. Như lời bác sĩ dặn, cô nằm treo chân, đếm từng ngày con lớn lên trong bụng. Qua ba tháng cô mới thở phào nhẹ nhõm, cảm nhận từng cử động của con ngày càng rõ mồn một. Hai chị em Linh, Lan thay nhau bê cơm cho cô. Chúng hồ hởi khi biết tin sắp có thêm một đứa em. Cái Linh thích em trai, cái Lan thích em gái, cứ chí chóe đoán già đoán non. Cô nhìn hai đứa âu yếm, mỉm cười. Với cô thì con nào cũng là một báu vật.
Truyện ngắn của TRẦN THÚY LÀNH