Say mê nông nghiệp sinh thái
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:35, 27/12/2020
Anh Đạt luôn nghiêm túc với nông nghiệp sinh thái bằng cách trân trọng từng nhành cây, ngọn cỏ
Học từ thực tế
Mới 22 tuổi nhưng anh Đạt già dặn, chững chạc hơn tuổi thật rất nhiều. Cái nắng, cái gió của công việc "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" đã nhuộm cho anh nước da bánh mật, còn những lo toan, trăn trở với nghề đã cộng thêm tuổi cho anh. Yêu nông nghiệp từ nhỏ nên lúc 10 tuổi, khi các bạn cùng trang lứa vẫn chỉ bận rộn với việc ăn, việc học thì anh đã nuôi ước mơ xây dựng một trang trại có vườn cây, ao cá, chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Anh kể cho mọi người về mong muốn của mình song ai cũng cho rằng đó chỉ là suy nghĩ của trẻ con nên không mấy để tâm. Đến năm học lớp 7, anh làm cho bố mẹ ngỡ ngàng khi xin nuôi 100 con gà đẻ trứng. Bố mẹ anh vốn đã thấm thía hết những vất vả, cơ cực của nghề nông nên hết lòng khuyên ngăn con từ bỏ để tập trung cho việc học. Song trước sự nài nỉ tha thiết của anh, họ đã mềm lòng chấp nhận và nghĩ rằng khi đối mặt với khó khăn sẽ càng làm cho anh dễ dàng từ bỏ. Nhưng thực tế lại không như vậy, cứ hết giờ học anh lại say sưa chăm chút cho đàn gà. Tiền bán trứng anh gom góp lại để nuôi thêm chim cút. Theo thời gian, nguồn lợi từ chăn nuôi lớn dần, anh xây thêm chuồng trại nuôi lợn. Cứ thế đến năm 18 tuổi, anh có trong tay hơn 200 triệu đồng tiền mặt và 3 đàn vật nuôi.
Quyết định không thi đại học mà xây trang trại để toàn tâm toàn ý với nghề nông của anh Đạt làm người thân không khỏi buồn lòng. Nhưng vì không nỡ dập tắt ước mơ của con nên cha mẹ anh đành chấp nhận. Biến cố xảy ra khi bố anh, người duy nhất trân trọng và ủng hộ mọi quyết định của anh đột ngột qua đời. Dù vậy, anh vẫn không nản lòng mà càng quyết tâm viết tiếp mơ ước đã ấp ủ bấy lâu. Những nỗ lực không biết mệt mỏi của anh Đạt đã được đền đáp xứng đáng khi chưa đầy 20 tuổi, anh đã sở hữu trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây rộng hơn 1 mẫu. Nhìn bề ngoài, trang trại của anh không có gì mới lạ, quy mô không lớn, cây trồng, vật nuôi thì quá quen thuộc, nhưng khi tìm hiểu kỹ thì mới thấy nể phục cách làm của anh.
Trang trại của anh không đồng bộ về quy trình sản xuất, song lại khép kín theo vòng tuần hoàn với các thành phần sinh thái tương hỗ cho nhau. Khi những nông dân có thâm niên vẫn đang chạy đua với số lượng, lạm dụng chất hóa học để tăng năng suất, hướng đến lợi nhuận nhất thời thì anh Đạt lại lựa chọn nông nghiệp hữu cơ, coi trọng chất lượng sản phẩm. Anh tuyệt nhiên không sử dụng những nguyên liệu có nguồn gốc vô cơ mà tận dụng nguồn lợi tự nhiên phục vụ sản xuất. Anh trồng ngô, đậu tương làm thức ăn cho lợn, gà, chất thải từ chăn nuôi sẽ ủ hoai mục để bón cho cây trồng. Đặc biệt là anh chưa hề qua trường lớp đào tạo nào mà chỉ tự học hỏi, tìm tòi. Thông qua mạng xã hội, anh kết nối với những người chung lý tưởng khắp mọi miền đất nước. Ngoài trao đổi trực tuyến, anh còn đi thực tế ở các mô hình nông nghiệp tiêu biểu từ Bắc vào Nam để trau dồi thêm kinh nghiệm. Anh say mê tới nỗi có thời điểm mỗi ngày chỉ ngủ 4 tiếng để dành thời gian tìm hiểu tường tận những kiến thức về nông nghiệp. Với nền tảng kiến thức vững chắc, anh trở thành cố vấn nhỏ tuổi nhất của Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp miền Bắc.
Càng tìm hiểu sâu, anh Đạt càng trăn trở, day dứt với nghề. Chứng kiến nhiều mô hình sản xuất chưa kịp nở rộ đã nhanh chóng lụi tàn nên anh quyết tâm tìm được lời giải. Vì thế mà trang trại cho thu nhập ổn định ở quê nhà không thể níu chân người thanh niên mang hoài bão lớn. Năm 2019, sau khi bán trang trại, giắt lưng 500 triệu đồng, anh Đạt lên Hà Nội lập nghiệp. Ý tưởng của anh là mở một quán trà để khách hàng vừa uống trà vừa thưởng thức những gì trân quý nhất của nông nghiệp. Mọi đồ đạc trong quán đều làm từ sản phẩm nông nghiệp được gọt đẽo tinh tế, công phu. Đồ ăn, thức uống đều có nguồn gốc hữu cơ. Mới đầu, quán trà Chân Nguyên của anh thu hút rất nhiều người tới tham quan nhưng sau đó lại thưa thớt dần rồi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì quán "chết" hẳn. "Thất bại làm tôi nhận ra rằng làm nông nghiệp không thể viển vông theo suy nghĩ chủ quan. Mọi người vì tò mò mới tới quán chứ không phải vì những giá trị về nông nghiệp mà tôi muốn truyền đạt. Song với tôi, thất bại là bài học kinh nghiệm cho những dự định lớn lao về sau", anh Đạt chia sẻ.
Đau đáu với nông nghiệp sinh thái
Say mê với nông nghiệp, cái anh Đạt hướng tới không chỉ mang mục đích lợi nhuận mà còn vì cộng đồng. Nông dân đang quá đề cao lợi nhuận mà coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng và rồi tự giăng bẫy cho chính bản thân mình, làm ngành nông nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn. Anh nghĩ chỉ có nông nghiệp sinh thái mới có thể cứu vãn được tình hình. Ở đó, người dân sẽ không còn vắt kiệt đất đai, lạm dụng chất hóa học mà thay vào đó sẽ tôn trọng sự phát triển tự nhiên, vừa khai thác, vừa cải tạo tài nguyên nông nghiệp.
Thất bại lúc trước giúp anh Đạt nhận ra, chỉ khi được trải nghiệm thực tế thì con người mới trân trọng những giá trị của nông nghiệp. Và trong tương lai, để ngành nông nghiệp không đi vào lối mòn thì phải bồi đắp tình yêu thiên nhiên cho lớp trẻ. Nghĩ là làm, giữa năm 2020, sau khi chạy vạy gom góp được hơn 1 tỷ đồng, anh chung vốn cùng bạn bè xây dựng trang trại nông nghiệp sinh thái trải nghiệm ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) mang tên Eco Garden. Tại đây, tất cả đều phát triển tự nhiên, không bị tác động bởi bất kỳ loại hóa chất nào. Mỗi ngày, trang trại của anh đón hàng trăm lượt người tới tham quan, trải nghiệm và góp thêm một phần công sức để hoàn thiện hơn. Người nhổ cỏ, người tưới rau, người cho chim ăn, ai nấy đều hăng say làm việc. Mọi áp lực, bộn bề trong cuộc sống đều tiêu tan mà chỉ còn lại tình yêu với thiên nhiên, với nông nghiệp. Mọi người không còn nhìn nghề nông ở góc độ tiêu cực, mất niềm tin vào nông sản mà đã chia sẻ, thấu hiểu với những nông dân chân chính. Thấy nhiều bạn trẻ hứng thú với công việc làm nông, mỗi tuần anh mở một lớp học miễn phí về nông nghiệp sinh thái cho các bạn học sinh, sinh viên. Anh Đạt trải lòng: "Dù còn nhiều chông gai nhưng thấy các bạn thích thú, tôi biết rằng mình đang đi đúng hướng. Do đó, trước mỗi khó khăn tôi đều có duy nhất một lựa chọn là quyết không từ bỏ".
Tiếng lành đồn xa, người thanh niên không bằng cấp nhưng có nền tảng kiến thức sâu rộng về nông nghiệp được lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn chuyên về du lịch sinh thái để mắt mời về làm việc. Hiện anh Đạt nhận lời làm cố vấn chuyên môn cho Khu du lịch chữa lành Medi Thiên Sơn ở huyện Ba Vì (Hà Nội) có quy mô hơn 450 ha. Tại đây, anh có nhiệm vụ nghiên cứu và định hướng phát triển cây dược liệu. Thu nhập từ trang trại do anh làm chủ cùng với mức lương hơn 30triệu đồng/tháng mà doanh nghiệp trả cũng không làm anh "an phận". Anh dùng khoản tiền này để tham gia các lớp học của các chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp trên thế giới.
Anh Đạt chia sẻ dấn thân vào nông nghiệp, anh ít có thời gian dành cho bản thân, gia đình nhưng càng làm càng cuốn hút và hiện tại anh khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ đam mê với nông nghiệp sinh thái. Ngoài công việc chính đang theo đuổi, anh dành thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để tham gia các hoạt động nông nghiệp cộng đồng. Trong năm 2020, anh cùng những người bạn chung đam mê xây dựng hệ thống nuôi giun quế và gà thương phẩm cho nông dân Hà Giang, tư vấn xây dựng thương hiệu gà Tiên Yên của Bắc Giang và tạo sinh kế nông nghiệp cho đồng bào K'ho ở Lâm Đồng. Anh tâm niệm sẽ làm nông nghiệp bằng lương tâm và trách nhiệm, không vì lợi ích trước mắt mà thay đổi bản chất của nghề nông. Bởi theo anh nông nghiệp là tái tạo sự vật nên phải phát triển theo chu trình chứ không thể đốt cháy giai đoạn như các ngành kinh tế khác.
Dù thành công trên đất khách nhưng anh Đạt mong mỏi sẽ sớm trở về nơi mình sinh ra để lập nghiệp. Nói về dự định tương lai, hai mắt anh Đạt sáng ngời còn giọng thì hồ hởi: "Một, hai năm nữa, tôi sẽ về quê, chọn thuê mảnh đất cằn cỗi nhất ở đó rồi làm nông nghiệp sinh thái. Đến giờ tôi đã đủ tự tin để làm cho đất nở hoa".
DŨNG CƯỜNG