Cẩm Giàng chủ động chống hạn

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:39, 29/12/2020

Hệ thống kênh mương thủy lợi bị phá vỡ bởi các khu dân cư, cụm công nghiệp nằm xen kẹp, cốt đất cao... là nguyên nhân khiến việc điều tiết nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nơi đây gặp khó khăn. 

Thiếu nước


Do đáy kênh cao nên trạm bơm Tiền (thị trấn Lai Cách) không thể bơm tưới mà chỉ dùng để bơm tiêu úng

Thị trấn Lai Cách là một trong những địa phương có nhiều diện tích đất bị thiếu nước sản xuất do nằm ở cuối nguồn nước, lại giáp cụm công nghiệp. Đặc biệt, những năm gần đây, khoảng 20 ha đất sản xuất của khu dân cư Triều Trụ bị thiếu nước tưới do không có nguồn cấp. Nguyên nhân do khi khu công nghiệp Đại An đi vào hoạt động, chủ đầu tư đã thi công hoàn trả gần 100 m kênh mương dẫn nước đến khu vực này nhưng đáy kênh cao nên không thể dẫn nước tưới. Trạm bơm Tiền chuyên phục vụ tưới cho khu vực này cũng không thể hoạt động do đáy kênh cao. 

"Năm nào, HTX cũng phải mua từ phường Việt Hòa 2 đợt nước đổ ải, 1 đợt nước tưới dưỡng để phục vụ sản xuất cho khu vực này. Ngoài mua nước từ địa phương khác, HTX buộc phải dẫn nước từ kênh Đò Cậy - Tiên Kiều về, quãng đường dài gấp đôi so với trước đây nên lượng nước về bị hao hụt, chi phí tiền điện cũng tăng nhiều lần so với trước", ông Hoàng Văn Mích, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Lai Cách nói.

Nằm ở phía bắc đường sắt, xã Cao An cũng không tránh khỏi cảnh "tranh nhau từng giọt nước". Khu vực cao nhất của xã cao hơn từ 50 - 70 cm so với những địa phương khác. Xã chỉ lấy được nước khi các địa phương khác đã đổ ải xong. Do vậy, thời vụ gieo cấy của địa phương bị chậm một vài ngày so với các nơi khác, đặc biệt là ở thôn Đỗ Trung. Nhiều đợt, người dân địa phương đang bơm đổ ải thì hết nước. HTX lại phải chờ đợi để lấy nước mới có thể tiếp tục đổ ải. Những đợt như vậy, chi phí phát sinh tăng cao hơn trước.

Thực tế, khu vực phía Bắc đường sắt và phía Tây của huyện gồm các xã: Cẩm Hoàng, Định Sơn, Cẩm Vũ, Cẩm Văn, Đức Chính, Cao An, Lương Điền, Thạch Lỗi và thị trấn Cẩm Giang là những xã đặc biệt khó khăn về nguồn nước tưới. Có thời điểm, những địa phương này phải chờ bơm cấp nguồn từ trạm bơm Tiên Kiều, Cầu Ghẽ, Lường Xá, Cẩm Điền bơm lên hệ thống sông trục địa phương thì mới có nước để sản xuất.

Khắc phục khó khăn


Các địa phương tích cực nạo vét kênh dẫn để lấy nước thuận lợi

Cẩm Giàng là địa phương gặp khó khăn về nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, những năm gần đây khi các khu công nghiệp, khu dân cư mới hình thành nằm xen kẹp với diện tích đất nông nghiệp khiến hệ thống kênh mương thủy lợi bị phá vỡ hoặc không đồng bộ. Trong khi đó, nguồn cung cấp nước chính phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp dựa vào 2 con sông của hệ thống Bắc Hưng Hải là sông Kim Sơn và Tràng Kỹ. Các kênh dẫn cơ bản đều là kênh đất nên bị bồi lắng nhiều.

Những năm gần đây, mực nước Bắc Hưng Hải xuống thấp, hầu hết các trạm bơm nằm ở xa sông trục chính đều bị thiếu nước. Điển hình như vụ chiêm xuân năm 2020, khi tập trung bơm đổ ải có hơn 90% số trạm bơm của xí nghiệp và địa phương phải dừng bơm do mực nước kênh trục xuống thấp chỉ còn từ 0,6 - 0,7 m. Để bảo đảm đủ nước tưới, nhiều đợt các trạm phải bơm gạn, tưới tiết kiệm, luân phiên dẫn đến tiêu tốn điện năng, phát sinh nhiều chi phí.

Vụ này, huyện đặt mục tiêu bảo đảm nước tưới cho hơn 7.000 ha cây trồng, nhất là nước đổ ải, bơm ngả cho hơn 4.000 ha đất lúa để gieo cấy vụ chiêm xuân. Ngoài những khó khăn do điều kiện tự nhiên, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi chủ động điều tiết nước tưới, phối hợp với nhà thầu thi công tổ chức vừa dẫn nước phục vụ sản xuất kết hợp cải tạo kênh dẫn Cẩm Đông - Phí Xá. Ngoài làm thủy lợi đông xuân theo kế hoạch, huyện còn nạo vét gần 26.000 m3 bùn đất ở 3 tuyến kênh dẫn chính để chống hạn gồm các kênh dẫn trạm bơm Bình Phiên, Bình Phúc và kênh T5 trạm bơm Văn Thai.

Ông Lê Văn Trọng, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Cẩm Giàng cho biết: "Xí nghiệp và các HTX luôn bơm đổ ải sớm từ 7 - 10 ngày so với các huyện khác; đồng thời, tận dụng tối đa nguồn thủy triều từ sông Thái Bình qua cống dưới đê hoặc điều tiết nước qua trạm bơm Tiên Kiều, Ghẽ, Lường xá và trạm bơm Cẩm Điền. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng chưa năm nào để xảy ra tình trạng thiếu nước tưới".

TRẦN HIỀN