Trường học thông minh: Hòa quyện giữa công nghệ và tư duy quản lý
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:14, 31/12/2020
Trường học thông minh đòi hỏi cơ sở hạ tầng công nghệ phải tương xứng
Trường học thông minh chỉ thực sự đạt hiệu quả khi có sự đồng bộ trong phát triển và hòa quyện giữa hệ thống giáo dục thông minh và quản lý của con người.
Nhận diện giá trị cốt lõi
Thời gian gần đây, nhiều trường học tại Việt Nam đã chú trọng xây dựng mô hình trường học thông minh bằng cách ứng dụng công nghệ trong hoạt động dạy và học, góp phần nâng chất lượng giáo dục. Bằng việc xây dựng Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh, mọi ứng dụng, tương tác của công nghệ trong dạy và học được giáo viên và học sinh khai thác triệt để.
Phát biểu tại Hội thảo “Ứng dụng khoa học công nghệ trong đầu tư xây dựng trường học thông minh” do Hội giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông Đào Ngọc Hoàng Giang - Tổng Giám đốc Công ty CP thiết bị Sao Mai cho rằng: Trong bối cảnh hội nhập, học tập xuyên biên giới như hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục hết sức quan trọng. Việc làm này có thể thay đổi thế giới và tầm nhìn của giáo dục, đặc biệt trong xu thế hội nhập và phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Vì vậy, khi trường học tích hợp các thành tựu của công nghệ, chuyển lớp học thuần túy sang lớp học thông minh sẽ tạo cơ hội và điều kiện rất lớn để nhà trường tăng cường năng lực thích ứng, phát triển cân bằng trước những biến đổi nhanh chóng của xã hội.
“Vấn đề nhiều người đặt ra là trường học thông minh cần gì, xây dựng trên các trụ cột nào? Thực tế, trường học thông minh bao gồm các hạng mục chính: Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT); phòng học tiên tiến với đầy đủ trang thiết bị hiện đại như máy tính nối mạng, bảng tương tác...; phòng tin học, ngoại ngữ, thi trắc nghiệm; thiết bị thực hành thí nghiệm; phòng thư viện; phòng học theo phương pháp STEM; phòng họp và môi trường đào tạo trực tuyến; hệ thống camera giám sát; hệ thống thông tin giáo dục của nhà trường; hệ thống thông tin quản lý giáo dục...
Trường học thông minh sẽ hoạt động trên nền tảng ứng dụng CNTT và truyền thông trong việc quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục; đồng thời xây dựng môi trường tương tác trên không gian mạng giữa nhà trường - gia đình - xã hội” - ông Giang nói.
Theo TS Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, xây dựng các lớp học thông minh, về bản chất không làm thay đổi vai trò trung tâm của người học. Với mô hình dạy học sáng tạo trong giáo dục thông minh, hệ thống giáo dục 4.0 hướng đến người học làm trọng tâm với các mô hình giảng dạy, học tập linh hoạt.
Công nghệ là xương sống
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh - chuyên gia an ninh mạng, việc mỗi trường chủ động hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho trường học thông minh là quan trọng, nhưng sẽ đồng bộ hơn nếu toàn ngành Giáo dục nhất quán các phần mềm quản lý trường học.
Tại Hội thảo “Ứng dụng khoa học công nghệ trong đầu tư xây dựng trường học thông minh” do Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh tổ chức, nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, với giáo dục thông minh, không phải đưa công nghệ vào một cách thuần túy mà phải dùng công nghệ để kết nối.
Muốn xây dựng thành công giáo dục thông minh phải có cách thức để lôi cuốn cả một cộng đồng cùng kết hợp với nhau thì mới làm được. Ngoài các đối tượng quan trọng là cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh cũng phải tham gia và có sự am hiểu nhất định mới có thể hỗ trợ và đồng hành. Các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp… cũng có vai trò nhất định trong mô hình giáo dục thông minh.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh thông tin: Bản chất của việc dùng công nghệ để kết nối là làm thế nào thông tin giáo dục được minh bạch. Cán bộ quản lý cần biết giáo viên của họ đang làm gì, dạy như thế nào, học sinh có đến trường hay không? Còn phụ huynh cần biết con mình làm gì ở trường. Giải pháp công nghệ, giáo dục thông minh cho phép 4 đối tượng này biết cách tiếp nhận thông tin một cách cùng lúc, thậm chí là qua lại.
“Ứng dụng công nghệ trong giáo dục ngoài việc được xem là “xương sống” trong việc xây dựng trường học thông minh thì thành tựu của công nghệ mà chúng ta thấy rõ nhất là giảm áp lực cho giáo viên và học sinh, đồng thời hỗ trợ việc quản lý giáo dục tốt hơn.
Ưu điểm của giáo dục thông minh là thông qua công nghệ hình thành nên các phương pháp giảng dạy thông minh, xây dựng chương trình đào tạo có khả năng thích ứng cao, đồng thời nắm bắt nhanh chóng năng lực học sinh, từ đó điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp” - ông Tuấn nhận định.
Giá trị cốt lõi của trường học thông minh là mang lại sự sáng tạo, đa chiều không gian cho người học và điều kiện tiếp cận kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại. Đặc biệt, trường học thông minh mang đến sự thay đổi lớn trong phương pháp dạy và học, thúc đẩy cả thầy và trò cùng linh hoạt trong tiếp nhận tri thức. TS Nguyễn Thanh Tùng.
Theo Giáo dục và Thời đại