Nguyên nhân tay, chân của bạn bị lạnh hơn người khác
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:29, 03/01/2021
Gia đình bạn có bao giờ rơi vào cảnh: Bạn chỉnh nhiệt độ điều hòa lên cao; vợ/chồng của bạn lại muốn chỉnh xuống. Trên thực tế, một số người luôn phải vật lộn với cảm giác lạnh buốt, đặc biệt ở tay, chân dù trời không quá rét.
Nếu cảm thấy tứ chi thường xuyên lạnh, bạn chắc hẳn băn khoăn không biết có nên đi khám hay không.
Ảnh minh họa: Clevelandclinic
Mạch máu co lại
Chuyên gia y học mạch máu G. Jay Bishop (Mỹ) cho biết: “Nhiều người phàn nàn tay chân hay bị lạnh. Nếu điều này xảy ra ở những người trẻ khỏe, không có gì phải lo lắng”.
Tuy nhiên, tay chân lạnh cũng có thể báo hiệu các vấn đề khác nghiêm trọng hơn bao gồm bệnh động mạch ngoại vi (PAD); tình trạng thấp khớp, chẳng hạn như xơ cứng bì, lupus và viêm khớp dạng thấp; tuyến giáp hoạt động kém.
Chúng còn là dấu hiệu của hội chứng Raynaud lành tính khiến các mạch máu ở ngón tay và ngón chân co thắt quá mức.
Bên cạnh cảm giác lạnh đầu chi, hội chứng này còn gây ra những thay đổi màu da tạm thời. Ngón tay bị ảnh hưởng có thể chuyển sang màu trắng, xanh hoặc tím và khi nóng lên, có màu đỏ.
Khi nào cần đi khám
Bạn phải gặp bác sĩ nếu bạn bị lạnh tứ chi đi kèm các triệu chứng như dày hoặc căng da, vết loét trên đầu ngón tay, ngón chân lâu lành, mệt mỏi, sụt cân, sốt, đau khớp, phát ban.
Cách đối phó với cảm giác lạnh
Giữ cho đôi chân thoải mái: Mang giày dép thích hợp và tất nếu cần.
Giữ ấm bàn tay: Ngay cả những việc đơn giản như đeo găng dày cũng đem lại lợi ích.
Mặc quần áo nhiều lớp: Có thể mặc các lớp mỏng, ấm giúp bảo toàn thân nhiệt để cởi bớt khi cần.
Tránh caffeine và nicotine: Đây là những chất co mạch có thể làm trầm trọng thêm cảm giác lạnh.
Bệnh động mạch ngoại vi (PAD) ở người lớn tuổi
Tay và chân lạnh - đặc biệt là ở người lớn tuổi - có thể do bệnh động mạch ngoại vi. Đó là khi động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn vì mảng bám hình thành bên trong thành động mạch.
PAD có thể ảnh hưởng đến những người từ 50 tuổi trở lên có tiền sử bệnh tiểu đường hoặc hút thuốc. Ngoài ra, những người từ 70 tuổi trở lên nên được tầm soát bệnh.
Các triệu chứng báo hiệu PAD gồm chân lạnh, chuột rút, đau nhức ở bàn chân, ngón chân.
Theo Vietnamnet