Đòi Iran thả tàu, Hàn Quốc điều gấp tàu chiến áp sát eo biển Hormuz
Tin tức - Ngày đăng : 08:32, 05/01/2021
Trong thông cáo được phát tối 4.1, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc xác nhận Hankuk Chemi là tàu treo cờ Hàn Quốc đang trên đường từ Saudi Arabia tới Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Trên tàu có 20 thủy thủ gồm 2 người Việt, 2 người Indonesia, 5 người Hàn và 11 người Myanmar.
"Đại sứ quán Hàn Quốc tại Iran cho biết các thủy thủ đều an toàn và đang yêu cầu Tehran sớm thả tàu", thông cáo có đoạn nêu rõ.
Mỹ, một đồng minh của Hàn Quốc, cũng lên tiếng rạng sáng 5.1 (giờ Việt Nam). "Chính quyền Tehran lại một lần nữa đe dọa quyền tự do hàng hải ở Vịnh Ba Tư, một động thái rõ ràng là muốn lợi dụng cộng đồng quốc tế để giảm bớt áp lực từ các lệnh trừng phạt", Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích.
Hạm đội 5 của hải quân Mỹ đóng tại Bahrain đã được thông tin vụ việc và sẵn sàng phối hợp với phía Hàn Quốc, theo Hãng thông tấn Yonhap. Trước đó, sau thông cáo ngoại giao, hải quân Hàn Quốc đã điều động tàu khu trục Wang Geon đang có mặt tại khu vực tiến về eo biển Hormuz.
Chính quyền Seoul quyết định triển khai tàu chiến tới khu vực hồi tháng 1.2020, xuất phát từ lo sợ tàu thương mại của Hàn Quốc có thể bị vạ lây vì căng thẳng Mỹ-Iran.
Truyền thông Iran xác nhận tàu chở hóa chất của Hàn Quốc đã bị bắt giữ vì "vi phạm luật bảo vệ môi trường biển" của nước này. Tehran được cho là đang giữ tàu Hàn Quốc tại TP cảng Bandar Abbas án ngữ eo biển Hormuz.
Khoảnh khắc tàu cao tốc Iran cập mạn tàu Hankuk Chemi trong vụ bắt giữ ngày 4.1 - Ảnh chụp màn hình Yonhap
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc sắp tới thăm Tehran để thảo luận về việc Seoul trả tiền mua dầu thô và các khoản tiền khác trị giá 7 tỷ USD. Số tiền này đang bị các ngân hàng Hàn Quốc phong tỏa sau lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, quan hệ Mỹ - Iran trở nên căng thẳng. Cho rằng Tehran vẫn tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, Washington đã đơn phương áp lệnh trừng phạt hòng chặn nguồn tiền của Iran.
Các lệnh trừng phạt này bao gồm cấm các nước mua dầu thô và có các giao dịch tài chính với Iran. Chính quyền Mỹ khi đó cảnh báo hoặc các nước nghe theo Mỹ hoặc đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong diễn biến khác liên quan cùng ngày 4.1, Chính phủ Iran xác nhận đã bắt đầu quá trình làm giàu uranium 20% tại cơ sở hạt nhân Fordow. Mỹ và châu Âu đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích, nhấn mạnh động thái của Iran có thể phá vỡ thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015.
Theo Tuổi trẻ