Chiến thuật bóng đá 2020 thay đổi như thế nào?
Quốc tế - Ngày đăng : 14:33, 05/01/2021
Có thêm 2 quyền thay người ảnh hưởng thế nào tới hiệp 2 và sự chênh lệch đội hình? Lối chơi định hình như thế nào sau một giai đoạn nghỉ dài rồi lại thi đấu liên tục 3 ngày/trận? Liệu có còn cái gọi là "lợi thế sân nhà" trên những sân đấu không khán giả?
Đó có vẻ như không phải những câu hỏi về chiến thuật bóng đá, như cách chúng ta thường mổ xẻ từ "chiến thuật", nhưng chúng lại có tác động trực tiếp tới những quyết định chiến thuật.
1. LUẬT THAY 5 NGƯỜI
Tác động của sự bổ sung 2 quyền thay người rất khó để đong đếm trọn vẹn bởi có quá nhiều yếu tố làm thay đổi bóng đá trong 12 tháng qua. Nhưng việc được thay 5 người, so với 3 trước đây, ở phần lớn các giải đấu (trừ Premier League mùa này) đã thực sự thay đổi tính cân bằng của từng trận đấu.
Chưa bao giờ trong lịch sử các huấn luyện viên có quyền thay đổi một nửa số cầu thủ trên sân, với Solskjaer trở thành chiến lược gia đầu tiên thực hiện điều đó trên lãnh thổ Anh trong chiến thắng trước Sheffield vào mùa hè vừa qua.
M.U là đội bóng Anh đầu tiên thay 5 người
Nếu trận đấu bước vào hiệp phụ, số lần thay người có thể tăng lên 6. Yếu tố này đã tác động trực tiếp tới trận đấu giữa Bắc Ireland và Bosnia vào tháng 10. Huấn luyện viên Ian Baraclough đã tận dụng triệt để 6 quyền thay đổi người khi tung vào sân 2 chuyên gia đá phạt đền, 2 cầu thủ khác để thay cho chính... 2 cầu thủ khác vừa vào sân từ ghế dự bị. Chung cuộc, Bắc Ireland giành chiến thắng thông qua loạt luân lưu.
Việc "sửa sai" những lỗi nhận định dẫn đến thay người không ưng ý đang ngày một phổ biến thông qua việc có tới 5 cơ hội. Đương nhiên, 2 quyền thay người bổ sung này ra đời do quan ngại về lịch thi đấu dày đặc có thể dẫn đến sự mệt mỏi và chấn thương của cầu thủ. Và chính sự mệt mỏi này lại dẫn đến thay đổi một yếu tố khác trong chiến thuật là: Pressing.
2. TRỞ LẠI ĐỘI HÌNH CO CỤM
Chỉ tính riêng tại giải đấu đề cao nhịp độ và năng lượng như Premier League, 19/20 đội đã không còn pressing đối thủ điên cuồng như mùa trước. Đội ngoại lệ duy nhất là Aston Villa, nơi tiền đạo trẻ Ollie Watkins có vẻ như vẫn đang ở độ tuổi chạy không biết mệt.
Ở đây, có một xu hướng dần manh nha là các đội bóng trở lại với các khối phòng ngự sâu, thay vì tranh bóng ngay khi đối thủ vừa qua vạch giữa sân. Với nhiều người, đây là một bước lùi của chiến thuật nhưng chí ít thì sau giai đoạn mà phần lớn các trận đấu đều là những màn săn đuổi nhau ngay sau tiếng còi khai cuộc, đã có sự cân bằng hơn giữa nhịp độ và sự toan tính. Các trận đấu có thêm không gian để thở, cầu thủ có thêm sự kiên nhẫn để xây dựng bóng từ sân nhà.
Các đội bóng yếu chủ động lùi sâu đội hình
Bóng đá đang ngày một nhanh hơn trong vài thập kỷ qua. Khi mà luật chuyền về cho thủ môn bị thay đổi từ năm 1992, tốc độ giao tranh được mở nút và cứ thế tăng vọt. Nhưng khán giả của thời hiện đại vẫn sẽ nghĩ cầu thủ chỉ "đi bộ" trong các trận đấu của thập niên 1990 thế kỷ trước. Để rồi đùng một cái, mọi thứ chậm lại.
Với một lịch thi đấu trong năm dày đặc, cộng thêm 2 kỳ đại hội vô cùng gấp gáp là EURO 2020 tổ chức vào mùa hè tới cùng World Cup 2022 được diễn ra ngay giữa mùa bóng tại châu Âu, chẳng hề có sự đảm bảo nào rằng bóng đá thế giới sẽ trở lại với lối chơi tốc độ.
3. CÓ CÒN LỢI THẾ SÂN NHÀ?
Không còn hùng hục pressing, các trận đấu cũng giảm đi sự hưng phấn nhất định. Đặc biệt với những người đam mê bầu không khí bóng đá Anh thì sẽ càng chán nản khi ngoài sự giảm nhiệt trên sân, khán đài cũng yên tĩnh kỳ lạ vì lệnh cách ly xã hội.
Câu hỏi đặt ra là khi khán giả không được vào sân, có còn cái gọi là "lợi thế sân nhà" không? Tính riêng mùa này, chỉ 37% trận đấu tại Premier League mà đội chủ nhà thắng lợi, còn đội khách thắng tới 38%. So với mùa 2018/19 - mùa giải trọn vẹn gần nhất khán giả được vào sân, sẽ thấy rõ sự khác biệt khi chủ nhà là 48%, còn khách chỉ có 34%.
Sân không khán giả có vẻ tốt hơn với Arsenal
Nhưng thiếu vắng khán giả không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ số. Nghiên cứu chỉ ra số lượng thẻ phạt dành cho đội khách đã giảm tới 1/3, thể hiện việc các trọng tài không còn bị gây sức ép trước mỗi quyết định. Và đôi khi, lợi thế sân nhà thực sự không phải là đám đông đứng sau ủng hộ đội nhà mà là tạo sức ép lên những vị "vua áo đen".
Hãy nhìn Arsenal, họ chơi bình tĩnh hơn trước những khán đài trống vắng, đặc biệt là của Wembley, ở chiến dịch vô địch FA Cup mùa trước khi lần lượt vượt qua cả Man City và Chelsea. Nhưng trong lần đầu tiên sau 7 tháng được khán giả vào cổ vũ, Pháo thủ có một trận đấu đáng quên ở Europa League khi Bernd Leno chuyền thẳng vào chân... đối thủ và dẫn tới bàn thua.
4. PHÁT TRIỂN BÓNG TỪ THỦ MÔN
Việc các đội bóng giảm bớt cường độ pressing cũng xuất phát từ việc luật phát bóng của thủ môn đã được thay đổi. Giờ đây, thủ môn có thể chuyền cho đồng đội ngay trong vòng cấm từ những quả phát bóng lên. Điều này mở ra một thời kỳ mới cho những đội thích xây dựng bóng từ phần sân nhà, còn đội nào chưa biết thì giờ sẽ phải tập vì nhiều lợi ích. Việc pressing tận vòng cấm đối phương giờ khó hơn trước nên chuyện lao lên cũng cần hạn chế.
Nhưng cái gì cũng có 2 mặt của nó. Sẽ là một lỗi tày trời khi chuyền sai ở phần sân nhà và nhận về bàn thua trong những năm trước. Nhưng giờ, nó là một tác dụng phụ, một mặt trái dần trở nên thông thường của cách chơi xây dựng bóng từ thủ môn, thông qua trung vệ, đến tiền vệ rồi tiền đạo.
5. LUẬT VIỆT VỊ MỚI
Từng có thời, những chuyên gia bóng đá bảo rằng có 3 mối nguy khi bẫy việt vị: Đó là trọng tài biên có thể sai; hậu vệ có thể sai; tiền đạo có thể đúng. Nhưng giờ, trọng tài không thể sai nữa nhờ có VAR, nên cuộc chiến chỉ còn đơn thuần giữa hàng thủ đội A và hàng công đội B.
Liverpool có vẻ như không quá quan tâm tới những thay đổi này và vẫn duy trì hàng thủ dâng cao của mình, thậm chí còn cao hơn trong mùa trước. Hình ảnh dưới đây cắt ra từ thất bại 1-2 của Liverpool trước Arsenal vào tháng 7 vừa qua. Chỉ một đường chuyền vượt tuyến đơn giản của Arsenal khiến hàng thủ của Liverpool như bị tách ra so với phần còn lại.
Hàng thủ Liverpool bị kéo tan hoang
Hay như ở thất bại nhục nhã 2-7 trước Aston Villa mùa này, có đến 4 cầu thủ Villa ở tư thế không việt vị là những người đứng gần... thủ môn Adrian nhất. Tất cả đến chỉ sau một pha đi bóng tốc độ của Trezeguet bên cánh trái.
Liverpool hoàn toàn bị Villa phá lối chơi
Nhưng đó chỉ là một vài pha bóng hiếm hoi của Liverpool, hàng thủ của họ vẫn được đánh giá cực cao, vừa có thể pressing nhưng vẫn duy trì được cự ly đội hình. Từ mùa trước tới mùa này, Liverpool vẫn là đội nhận ít thẻ phạt nhất, thể hiện việc họ ít khi mắc lỗi chiến thuật.
Sự thay đổi trong luật việt vị, đặc biệt xung quanh những cầu thủ "không tham gia pha bóng", khiến việc tập luyện bẫy việt vị phức tạp hơn rất nhiều. Nhưng với những đội bóng được tổ chức tốt như Liverpool hay Bayern, họ vẫn thích ứng rất nhanh với thời cuộc.
Theo Bongdaplus