Từ Thượng thư triều đình Huế đến “công bộc" của nhân dân
Tin tức - Ngày đăng : 06:00, 06/01/2021
Cụ Bùi Bằng Đoàn
Một trong những bài học thành công của cách mạng Việt Nam là đại đoàn kết dân tộc. Từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “cầu hiền”, tìm người tài năng, đức độ. Người đã đích thân viết thư gửi cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên là Thượng thư triều đình Huế đang ẩn dật ở quê nhà ra làm cố vấn, "giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc".
Hà Đông “tam bằng”, danh gia vọng tộc
Quê quán làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội), cụ Bùi Bằng Đoàn sinh năm Kỷ Sửu (1889), trong một gia đình truyền thống Nho học, danh gia vọng tộc. Ông nội là Tiến sĩ Bùi Tuấn, hàm Thái tử Thiếu bảo, từng giữ chức Tả Tham tri Bộ Binh kiêm Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh. Thân phụ là Bùi Tập một thời làm Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa.
Cụ Bùi Tập sinh được 3 người con trai, đặt chữ đệm là “Bằng” (với ý nghĩa “cánh chim bằng tung bay”): Bùi Bằng Phấn, Bùi Bằng Thuận, Bùi Bằng Đoàn và kế tiếp 2 người con gái. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên 5 anh em được người chú là Tham tri Nha Kinh lược Bắc Kỳ đưa về nuôi dưỡng cho ăn học.
Khoa thi Hương năm Bính Ngọ 1906 (triều vua Thành Thái), ba anh em cùng nhau lều chõng đi thi. Bùi Bằng Phấn đỗ tú tài, Bùi Bằng Thuận và Bùi Bằng Đoàn cùng đỗ cử nhân. Nhà họ Bùi bấy giờ được mệnh danh là “Hà Đông tam Bằng” thực vinh hiển.
Năm 1907, cử nhân Bùi Bằng Đoàn thi vào Trường Hậu bổ Hà Nội. Năm Tân Hợi (1911), tốt nghiệp thủ khoa, lại thông thạo Pháp văn và Hán văn, chàng trai họ Bùi bước trên đường hoan lộ.
Cụ Bùi Bằng Đoàn (đầu tiên bên phải) trong nội các Nam triều
Viên quan đức độ, liêm chính…
Làm quan triều Nguyễn 34 năm (1911-1945), cụ Bùi trải qua nhiều chức vị từ Bắc vào Nam. Từ tri huyện, tri phủ đến án sát, tuần phủ các tỉnh, kể cả quan đại thần trong triều đình Huế… cụ luôn giữ mình liêm chính, đức độ, thương dân. Khi làm tri huyện ở các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh... trên công đường, quan huyện thường cho treo tấm bảng “Không nhận tiền và quà biếu". Với người nhà, cũng nghiêm khắc, cấm gia nhân nhận quà, nếu ai lỡ nhận rồi thì phải mang trả lại.
Năm 1920, là Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), cụ đã cùng dân đắp đê Bạch Long, thau chua rửa mặn hàng vạn mẫu đất để trồng lúa, trồng dâu chăn tằm… Dân chúng tri ân, lập đàn tế sống vị “phụ mẫu chi dân".
Năm 1925 đang làm tri phủ Nghĩa Hưng (Nam Định), cụ được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án chí sĩ Phan Bội Châu. Cụ bênh vực lẽ phải, thông dịch rõ ràng, khiến tòa án phải giảm cho cụ Phan xuống hình thức "an trí ở Huế". Lại đến năm 1931, khi làm Án sát Bắc Ninh, cụ Bùi được mời tham dự phiên tòa xét xử nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ. Cụ kiên trì viện dẫn lý lẽ về người chiến sĩ nước Pháp đã từng đổ máu cho sự nghiệp Cách mạng Dân chủ 1789 của Pháp, phá tan ngục tù, giải thoát cho những tù chính trị vì đấu tranh cho tự do. Cuối cùng Pháp phải xóa bỏ án tử hình với Nguyễn Văn Cừ…
20 năm ở kinh đô Huế giữ chức Thượng thư Bộ Hình, cụ vẫn thể hiện tinh thần yêu nước, bảo vệ sự công bằng, bảo vệ phong trào yêu nước. Cụ sửa đổi luật pháp, bãi bỏ cái lỗi thời, biên soạn luật mới tiến bộ hơn, cải tiến tòa án, đào tạo thẩm phán… Đến tháng 3.1945, Nhật đảo chính Pháp, cụ cáo quan về quê. Tuy nhiên, Chính phủ Nam triều đã mời cụ ở lại bằng được và giao giữ chức Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Khoảng thời gian ấy, tổ chức Việt Minh đã tiếp xúc và mời cụ làm Hội trưởng Hội Bảo vệ tù chính trị… Sau Tuyên ngôn độc lập được 2 tháng rưỡi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư mời cụ tham gia chính phủ.
Nghe kể lại, lần đầu nhận thư Hồ Chủ tịch, cụ Bùi vẫn còn lưỡng lự. Lần sau, ông Vũ Đình Huỳnh là thư ký riêng của Bác mang thư tới tận nhà cụ... Trong thư viết 7 chữ Hán“Thu thủy tàn hà thính vũ thanh”. Cụ Bùi viết thư hồi âm, cũng với 7 chữ Hán “Thính vũ thanh cảm ứng nghênh thu”.
Thư của Bác về sau được giải nghĩa: “Nghe mưa thu quét sạch tàn sen úa”. Còn thư hồi âm, cụ Bùi có ý rằng: "Biết sóng thu ào ạt đón cách mạng về”.
Hồ Chủ tịch ở giữa, cụ Bùi Bằng Đoàn bên phải và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tiếng thơ tri âm giữa rừng Việt Bắc
Nhận lời mời của Hồ Chủ tịch, cụ Bùi ra làm việc. Ngày 6.1.1946, cụ trúng cử đại biểu Quốc hội (đơn vị bầu cử tỉnh Hà Đông) và được bầu làm Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ (tương đương với chức Tổng Thanh tra Chính phủ ngày nay). Tiếp đó được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội, tham gia thành lập Hội Liên hiệp quốc dân. Tháng 11.1946, cụ được cử làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Việt Nam (tức Chủ tịch Quốc hội).
Thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc, trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, cụ Đoàn đã luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ. Cụ đã có nhiều đóng góp về chính sách sản xuất, tiết kiệm, thuế nông nghiệp, chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến... Ngày 28.5.1948, Hồ Chủ tịch và cụ Bùi chủ trì Lễ tấn phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp - Tổng Chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ.
Cũng từ những ngày ở An toàn khu (ATK), tình cảm Bác Hồ với cụ Bùi càng thắm thiết, sâu sắc. Không chỉ là tình cảm cách mạng, hai tâm hồn lớn gặp nhau, đồng điệu chung chí hướng vì nước, vì dân… đã thành tri kỷ tri âm. Trước niềm vui đầu xuân 1948 mừng tin thắng trận, Bác Hồ viết bài thơ “Tặng Bùi công” chan chứa tình chung và gửi gắm niềm riêng: "Khán thư sơn điểu thê song hãn/Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì/Tiệp báo tần lai lao dịch mã/Tư công tức cảnh tặng tân thi" (Xem sách chim rừng vào cửa đậu/Phê văn hoa núi ghé nghiên soi/Tin vui thắng trận dồn chân ngựa/Nhớ Cụ thơ xuân tặng một bài).
Trong dịp Tết chiến khu năm ấy, Hội đồng Chính phủ họp và liên hoan lửa trại. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã xúc động nói: "Nhân vừa họa bài thơ Hồ Chủ tịch gửi tặng, tôi xin ngâm hầu các vị: Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc/Giang sơn vạn lý thủ thành trì/Tri công quốc sự vô dư hạ/Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi" ("Sắt đá một lòng vì chủng tộc/Non sông muôn dặm giữ cơ đồ/Biết Người việc nước không hề rảnh/ Vung bút thành thơ đuổi giặc thù", bản dịch Nhà xuất bản Văn học, 1967).
Tháng 8.1948, cụ Bùi nhuốm bệnh. Cụ Hồ trực tiếp chỉ thị tổ chức đưa về Liên khu 3 chữa trị lâu dài. Sau ngày giải phóng Thủ đô, cụ Bùi được đón về Hà Nội dưỡng bệnh, rồi sau mất ngày 13.4.1955 (năm Ất Mùi), thọ 67 tuổi.
Từ quan đại thần triều Nguyễn, trở thành công bộc, người cán bộ cách mạng, cống hiến trọn đời vì hạnh phúc cho dân, cho nước, cụ Bùi Bằng Đoàn là tấm gương sáng về đại đoàn kết toàn dân tộc, được quốc dân Việt Nam ghi nhớ.
KHÚC HÀ LINH