Bí quyết đỗ học bổng 6,6 tỷ của "nữ sinh không giải thưởng"

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:12, 06/01/2021

Giành được học bổng hơn 6,6 tỷ đồng trong 4 năm đến Mỹ, nhưng Ngọc Anh nói em từng khá lo khi hồ sơ không có thành tích này, giải thưởng kia.

Cuối tháng 12, Lê Ngọc Anh (học sinh lớp chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) nhận được tin trúng tuyển vào Trường Đại học (ĐH) Washington and Lee, ngôi trường xếp thứ 9 trong số các trường đại học giáo dục khai phóng ở Mỹ. Ngọc Anh nhận suất học bổng trị giá hơn 72.000 USD/ năm, bao gồm cả học phí và chi phí sinh hoạt.

Mức hỗ trợ này nằm ngoài mong đợi của Ngọc Anh, bởi lẽ dù đã chuẩn bị khá kỹ, nhưng em đánh giá, hồ sơ của mình không có quá nhiều thành tích, giải thưởng nổi bật.

“Điều em thể hiện được trong hồ sơ, có lẽ là những định hướng rõ ràng để ban tuyển sinh “đọc” được em là người thế nào”.

Khẳng định mình bằng các hoạt động ngoại khóa

Ngọc Anh bắt đầu tìm hiểu về Trường ĐH Washington and Lee khi được giới thiệu ngôi trường này nằm ở một vùng đất khá bình yên. Tại đây, số lượng sinh viên tương đối ít, hầu hết đều dưới 20 người/lớp.

“Việc chọn trường để học khá quan trọng vì đây sẽ là nơi gắn bó với mình trong suốt 4 năm. Đó phải là ngôi trường có sứ mệnh phù hợp, có môi trường sống và học tập phù hợp với tính cách của mình.

Ở ĐH Washington and Lee, em có thể tham gia vào các hoạt động leo núi, chạy bộ, đạp xe đạp xung quanh trường. Mọi thứ đều lôi cuốn và hấp dẫn em”.

Bí quyết đỗ học bổng 6,6 tỷ của 'nữ sinh không giải thưởng'

Lê Ngọc Anh (học sinh lớp chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) 

Yêu thích ngành Quản trị kinh doanh, trong hồ sơ của mình, Ngọc Anh đã thể hiện sự nghiêm túc khi nghiên cứu kỹ về trường cũng như ngành học này.

Mất 2 tháng tập trung làm hồ sơ, nhưng nữ sinh đã phải chuẩn bị từ rất lâu trước đó.

“Em biết, có những trường luôn mong muốn tìm kiếm những cá nhân đặc biệt. Nhưng tại ngôi trường này, điều họ kỳ vọng ở ứng viên là những cá nhân sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng”.

Trong danh sách dài những hoạt động mà Ngọc Anh tham gia, hầu hết đều hướng về người lao động và những em bé kém may mắn.

Đó là hoạt động gây quỹ bằng việc tổ chức hội chợ đồ cũ kết hợp với hội chợ ẩm thực được Ngọc Anh thực hiện vào năm 2019. Qua một mùa hè, nhóm của Ngọc Anh đã quyên góp được hơn 70 triệu đồng. 

Cho rằng, việc dùng số tiền này để xây một căn bếp giúp trẻ em Sapa được học nấu ăn như một nghề sẽ bền vững hơn rất nhiều, nhóm của Ngọc Anh xây một căn bếp và mời những đầu bếp nhà hàng tại Lào Cai làm giảng viên đứng lớp, đào tạo cho các em nhỏ.

Kỳ vọng của cô gái 17 tuổi là giúp các em nhỏ sau này có thể làm việc trong các nhà hàng, khách sạn tại Sapa thay vì phải đi xin tiền từ những người dân du lịch.

Bí quyết đỗ học bổng 6,6 tỷ của 'nữ sinh không giải thưởng'

Ngọc Anh giành được học bổng 6,6 tỷ trong 4 năm của trường đại học Mỹ

Tại trường Ams, Ngọc Anh là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Làm bánh và Câu lạc bộ Cờ vua. Em từng cùng bạn bè tham gia dạy làm bánh cho những trẻ em mồ côi tại chùa Hương Lan (Chương Mỹ, Hà Nội); dạy làm bánh cho những trẻ em khuyết tật ở Thuận Thành (Bắc Ninh).

Em còn khởi xướng một dự án làm nước rửa tay để tặng cho người lao động, người cung cấp thực phẩm tại một số chợ và điểm cách ly trong thời gian dịch Covid-19 phức tạp.

Ngọc Anh cho rằng, mặc dù điểm yếu trong hồ sơ của mình là không có các giải thưởng quốc gia, quốc tế nhưng em đã cố gắng khẳng định mình bằng rất nhiều hoạt động ngoại khóa có tác động xã hội.

“Em nghĩ từ những hoạt động ngoại khóa ấy, ban tuyển sinh có thể “đọc” được con người em khá rõ ràng”.

“Bài luận không tô hồng, em là chính em”

Trường ĐH Washington and Lee không phải ngôi trường duy nhất Ngọc Anh nộp hồ sơ và được chấp nhận.

Bí quyết để giành được thư đồng ý từ các trường Mỹ, theo Ngọc Anh, một phần vì em không dùng chung một bài luận cho tất cả.

“Mỗi trường đều sẽ có tôn chỉ riêng. Vì thế, em đã dành thời gian tìm hiểu về từng trường và đặc điểm riêng biệt để viết cho phù hợp. Em nghĩ rằng, ban tuyển sinh sẽ dễ dàng nhận ra một ứng viên có thực sự tâm huyết và tha thiết với trường hay không chỉ thông qua bài luận.

Bên cạnh đó, các ý trong các bài luận khác nhau cũng không nên lặp lại. Ví dụ, trong bài luận thứ nhất đã viết về một hoạt động nào đó rồi thì trong bài luận khác cũng không nên nhắc thêm về hoạt động đó nữa”.

Bí quyết đỗ học bổng 6,6 tỷ của 'nữ sinh không giải thưởng'

Ngọc Anh chọn theo học ngành Quản trị kinh doanh

Một bí quyết khác giúp ban tuyển sinh nhận ra ứng viên phù hợp giữa hàng ngàn bài luận, theo Ngọc Anh, là “bài luận không nên tô hồng; em phải là chính em”.

“Em nghĩ rằng hãy cứ sống thật với bản thân, có gì viết nấy sẽ tốt hơn việc tưởng tượng và viết ra những lời lẽ sáo rỗng, thiếu chân thực. Vì thế, mỗi khi đặt bút viết, em đều luôn nghĩ những điều đó có thực sự đúng với bản thân em không, và những điều đó có thực sự là điều nhà tuyển sinh đang tìm kiếm không”.

Trong bài luận của mình, Ngọc Anh đã chọn chủ đề về gia đình. Đó là mối quan hệ với chị gái – người trước đây em không thực sự thân thiết, nhưng cả hai đã cùng nhau trải qua nhiều hoạt động ý nghĩa và trở nên hiểu nhau hơn.

Cũng trong bài luận ấy, Ngọc Anh đã nhắc đến một hoạt động kinh doanh nhỏ mà hai chị em cùng làm. Việc làm này giúp em hiểu hơn về ngành Quản trị Kinh doanh, biết việc kiếm tiền rất khó và biết trân trọng đồng tiền hơn.

Bí quyết đỗ học bổng 6,6 tỷ của 'nữ sinh không giải thưởng'

Ngọc Anh (áo vàng, hàng 1) cùng các bạn trong lớp

“Về quy trình, đầu tiên em sẽ lên dàn ý, vạch ra tất cả những gì mình có thể nghĩ được. Em viết bao nhiêu tùy thích mà không cần quan tâm đến giới hạn từ. Sau đó, em sẽ cắt dần những ý không thực sự hay và cần thiết đi. Khi có một dàn ý thực sự ưng ý rồi, em sẽ viết hoàn chỉnh, nhờ các anh chị đi trước, thầy cô đọc và sửa lại về văn phong, ý tưởng”.

Có giai đoạn, Ngọc Anh bị áp lực và chán nản. Một số bài luận khi viết ra em rất tâm đắc nhưng lại được nhận xét là không thực sự trúng với câu hỏi.

Rất nhiều lần phải viết lại toàn bộ, qua rất nhiều bản nháp, Ngọc Anh mới hài lòng với những nét phác họa về con người mình thông qua những câu chuyện mà em chia sẻ. 

Ngọc Anh cho rằng, bài học lớn nhất là việc cần phải sắp xếp thời gian hợp lý.

“Trước đó, em quá sa đà vào các hoạt động ngoại khóa nên không tập trung vào các bài thi chuẩn hóa. Lần đầu thi SAT em chỉ đạt 1.400 điểm. Điều đó khiến em rất hoảng loạn.

Tiếp đó, kỳ thi SAT lại bị hủy tới tận tháng 10 vì Covid-19. Tới lần thi thứ 3, khi sát những ngày cuối của quá trình nộp đơn, em mới đạt được 1.540 điểm. Sau cùng, em nhận ra rằng, việc sắp xếp thời gian hiệu quả cùng một chiến lược rõ ràng sẽ giúp em trải qua một “mùa apply” nhẹ nhàng hơn”.

Theo Vietnamnet