Sự kiện nổi bật ngày 6.1

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 19:05, 06/01/2021

Gặp mặt các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân Kỷ niệm 75 năm Quốc hội Việt Nam; Quyết tâm cao, kiên định mục tiêu thực hiện chuyển đổi số... là những sự kiện nổi bật ngày 6.1.

TRONG NƯỚC


Chiều 6.1, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức buổi gặp mặt các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân Kỷ niệm 75 năm Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2021). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đến dự. Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN


Chiều 6.1, tại Nhà Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các Phó Chủ tịch Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương. Trước đó, sáng cùng ngày, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Y tế toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai công tác năm 2021. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Ngày 6.1, tại nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tham dự Phiên họp thứ nhất của Tiểu ban Nhân sự, Hội đồng Bầu cử quốc gia. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia, Trưởng Tiểu ban Nhân sự, điều hành phiên họp. Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến vào Tờ trình về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV; Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn về mẫu hồ sơ ứng cử, phiếu bầu cử, các loại mẫu văn bản sử dụng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong ảnh: Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN


Ngày 6.1, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XIII của Đảng đã họp phiên thứ sáu. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng Tiểu ban chủ trì phiên họp. Kết luận tại phiên họp, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá cao tinh thần chủ động, nỗ lực, trách nhiệm cao của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai các nhiệm vụ phục vụ Đại hội XIII của Đảng thời gian qua. Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XIII của Đảng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, các thành viên Tiểu ban lãnh đạo, chỉ đạo rà soát những công việc triển khai từ nay đến Đại hội, tập trung cao độ, dành ưu tiên cao nhất để bảo đảm công tác phục vụ Đại hội được kịp thời, đúng tiến độ, góp phần vào thành công của Đại hội XIII. Trong ảnh: Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Tiểu ban chủ trì Hội nghị. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN


Bộ Công an thông báo Tổ chức khủng bố “Triều đại Việt” nguyên là các thành viên tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” thành lập tháng 1.2018 có trụ sở tại Canada do Ngô Văn Hoàng Hùng, sinh năm 1952 tại Tiền Giang, quốc tịch Canada, tự xưng là “Tổng tư lệnh Triều đại Việt” cầm đầu. Ngô Văn Hoàng Hùng cùng với Trần Thanh Đình, sinh năm 1957 tại Nam Định, quốc tịch Đức, tự xưng là “Phó Thủ tướng”; Ngô Mạnh Cương, sinh năm 1961 tại TP Hồ Chí Minh, quốc tịch Pháp, tự xưng là “Tổng cục trưởng Tổng cục đặc nhiệm”; Huỳnh Thanh Hoàng, sinh năm 1976, quốc tịch Mỹ, “phát ngôn viên Triều đại Việt” tổ chức hoạt động theo phương thức bạo động vũ trang và phương châm “Đốt sạch”, “Giết sạch”, “Phá sạch”, “Cướp sạch”; hỗ trợ tiền, chỉ đạo số cơ sở trong nước tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại; kích động người dân xuống đường biểu tình, bạo loạn cướp chính quyền. Tổ chức khủng bố “Triều đại Việt” đã gửi hàng chục ngàn USD, hàng trăm triệu đồng cho số đối tượng trong nước mua sắm vũ khí, chế tạo bom, mìn, may cờ, in truyền đơn, khẩu hiệu phản động. Trong ảnh: Bộ Công an công bố hình ảnh các nguyên liệu, công cụ, vật dụng dùng để chế tạo thuốc nổ thu giữ trong quá trình điều tra. Ảnh: TTXVN


Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Hồ Tấn Tuấn cho biết TP Đà Nẵng vừa có thêm hai hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia, sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 2283/QĐ-TTg vào ngày 31.12.2020 về việc công nhận các Bảo vật Quốc gia năm 2020. Hiện nay, hai hiện vật đang tiếp tục được bảo quản, trưng bày và giới thiệu đến người dân và du khách tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) để công chúng có cơ hội được chiêm ngưỡng, tìm hiểu về giá trị của các hiện vật; qua đó nhằm để bảo tồn và phát huy giá trị của các Bảo vật Quốc gia. Hai bảo vật gồm Tượng Ganesha và Tượng Gajasimha, đây là hai hiện vật độc bản, có hình thức độc đáo và giá trị đặc biệt tiêu biểu cho nền nghệ thuật tôn giáo của Champa qua các thời đại. Trong ảnh: Tượng Ganesha (trái) và Tượng Gajasimha được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng). Ảnh: Lê Lâm – TTXVN


Ngày 6.1, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang, vào ngày 4.1, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Kiên Giang tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh vựa cá Ba Ca trên đường Trần Phú (khu phố 3, phường Dương Đông, TP Phú Quốc), phát hiện gần 900 kg thịt bò, lợn có xuất xứ từ Nga, Ấn Độ nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời tạm giữ toàn bộ số hàng để chờ xử lý theo quy định của pháp luật. Trong ảnh: Lô hàng nhập lậu được phát hiện tại vựa cá Ba Ca. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

TRONG TỈNH


Sáng 6.1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phối hợp Tập đoàn FPT tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên đề Chuyển đổi số (CĐS), cơ hội và thách thức. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng và những cơ hội lớn mở ra từ CĐS. Nhấn mạnh chiến lược phát triển của tỉnh là cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, CĐS với những mục tiêu, khát vọng lớn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị cần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, hiệu quả thiết thực do CĐS mang lại. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho tỉnh tập trung xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả, nhanh chóng Nghị quyết về CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030... Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Hoàng Biên


Chiều 6.1, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng chủ trì buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL) về việc tài trợ lập quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định lập quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2021 của tỉnh. Tiến độ, chất lượng lập quy hoạch sẽ góp phần tạo bước phát triển đột phá của tỉnh trong những năm tới và tương lai. Thường trực Tỉnh ủy nhất trí chủ trương sẽ tiếp nhận tài trợ lập quy hoạch tỉnh của SAIGONTEL thông qua việc doanh nghiệp này tài trợ sản phẩm quy hoạch do đơn vị tư vấn là Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam thực hiện. Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Hạo Nhiên


Ngày 6.1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 22 ngày 18.10.2019 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản thi hành. Lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) đã phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết 22, các thông tin quan trọng về phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và công tác bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, các nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản liên quan…  Trong ảnh: Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Linh An


QUỐC TẾ


Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 5.1 cho biết ông không có thẩm quyền đảo ngược kết quả bầu cử Tổng thống năm 2020, bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong việc phản đối chiến thắng của ông Joe Biden. Báo New York Times đưa tin trong bữa trưa hằng tuần giữa ông Pence và ông Trump, ông Pence nêu rõ ông không có quyền ngăn chặn việc chứng nhận của Quốc hội đối với kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn. Cuộc gặp giữa ông Pence và ông Trump diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng “ông Pence có quyền từ chối các đại cử tri được lựa chọn một cách gian lận”.  Trong ảnh (tư liệu): Ông Joe Biden (phải) lúc là Phó Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence tại Washington DC., ngày 16.11.2016. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 5.1, các nghị sĩ Quốc hội Venezuela vừa đắc cử trong cuộc bỏ phiếu hồi đầu tháng 12 đã chính thức tuyên thệ nhận nhiệm vụ, bắt đầu các hoạt động của cơ quan lập pháp khóa 2021-2025 với đa số ghế thuộc liên minh cánh tả do Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền đứng đầu. Cựu Phó Tổng thống và Bộ trưởng Truyền thông Jorge Rodriguez đã được các nghị sĩ đắc cử nhất trí tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa mới với cam kết thúc đẩy đoàn kết và hòa giải dân tộc, tạo sự ổn định xã hội trước sức ép của một bộ phận phe đối lập cực đoan trong nước và các thế lực chống phá bên ngoài. Trong ảnh: Tân Chủ tịch Quốc hội Venezuela Jorge Rodriguez (giữa) chụp ảnh chung với các nghị sĩ Quốc hội khóa mới tại Caracas ngày 5.1. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 6.1, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố dự trữ ngoại tệ của nước này tính tới cuối tháng 12.2020 đạt 443,1 tỷ USD, tăng 6,72 tỷ USD so với một tháng trước. BOK cho biết dự trữ ngoại tệ Hàn Quốc đã duy trì đà tăng 9 tháng liên tiếp kể từ tháng 4.2020 và liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục 7 tháng liền, kể từ tháng 6 năm ngoái. BOK giải thích dự trữ ngoại tệ tăng do giá trị đồng USD giảm. Điều này khiến giá trị quy đổi các tiền tệ khác sang đồng USD tăng và lượng tiền gửi ngân hàng tăng. Trong ảnh: Nhân viên kiểm đồng đôla Mỹ tại một ngân hàng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN