Thu phí điện tử không dừng: Tiện lợi nhưng ít người dùng

Kinh tế - Ngày đăng : 13:16, 07/01/2021

Thời gian qua, việc thu phí điện tử không dừng chưa được nhiều lái xe hưởng ứng mặc dù lợi ích mang lại rất lớn. 


Tỷ lệ xe sử dụng dịch vụ ETC tại các trạm thu phí trên quốc lộ 17B chỉ chiếm từ 3-4% tổng lượt xe qua trạm

Sáng 29.12, hệ thống thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng (ETC) giai đoạn 2 (BOO2) do Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC), thành viên Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chính thức đưa vào vận hành. Cùng với 56 trạm thu phí sử dụng ETC do Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) cung cấp trong giai đoạn 1 (BOO1), 35 trạm thu phí sử dụng ETC do VDTC cung cấp đã cơ bản thực hiện đúng tiến độ hoàn thiện hệ thống theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hải Dương, việc triển khai thu phí ETC được áp dụng tương đối sớm. 2 trạm thu phí An Thái và Đá Vách trên quốc lộ 17B thuộc dự án BOT đường 188 áp dụng từ ngày 29.12.2019. Đối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, việc thu phí ETC bắt đầu từ ngày 11.8.2020.

“Tiết kiệm thời gian, lái xe nhàn nhã” là những lợi ích thấy rõ. Là người thường xuyên phải đi công tác qua quốc lộ 17B, anh Trần Huy Hoàng ở TP Hải Dương chia sẻ: “Lúc gặp ùn tắc hoặc có việc phải đi gấp mới thấy rõ tác dụng của việc trả phí nhờ ETC. Chỉ cần giảm tốc độ một chút rồi đi thẳng qua trạm thay vì mất nhiều thời gian cho việc dừng xe, trả tiền, lấy vé”.

Đối với các lái xe cho doanh nghiệp vận tải, việc trả phí thông qua ETC không chỉ giúp tiết kiệm thời gian ngay lúc qua trạm mà còn tiết kiệm cả thời gian cho những thanh toán với bộ phận kế toán về sau. “Không cần tập hợp cuống vé mang về thanh toán nữa bởi mọi thủ tục thanh toán qua ETC đều trừ thẳng vào tài khoản của doanh nghiệp, lái xe không phải bận tâm gì”, một lái xe tải cho biết.

Hai dự án BOO1 và BOO2 được kết nối chặt chẽ với nhau để thực hiện đồng nhất ETC trên toàn quốc. Theo đó, 2 loại thẻ Etag (do VETC cung cấp) và ePass (do VDTC cung cấp) đều đạt tiêu chuẩn của hệ thống ETC và đều có giá trị như nhau. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần dán 1 trong 2 loại thẻ này là có thể sử dụng dịch vụ ETC tại bất kỳ trạm thu phí đang áp dụng ETC nào.

Lắp đặt và đưa vào hoạt động các trạm thu phí ETC là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm minh bạch hóa hoạt động thu tại các trạm BOT, bảo đảm giao thông, tránh ùn tắc. Đồng thời, từ khi áp dụng cho đến nay, hình thức thu phí điện tử không dừng này cho thấy rõ nhiều tiện ích. Tuy nhiên, số lượt xe sử dụng dịch vụ này chiếm tỷ lệ rất thấp.

Theo số liệu tổng hợp của Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), từ ngày bắt đầu áp dụng dịch vụ thu phí không dừng (ETC) 11.8 đến hết năm 2020, toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có hơn 430.000 lượt xe sử dụng ETC lưu thông qua các trạm, chỉ chiếm 9% tổng lượt xe lưu thông toàn tuyến. Tại trạm thu phí ở nút giao cao tốc với quốc lộ 38B thuộc địa bàn xã Toàn Thắng (Gia Lộc) có hơn 86.000 lượt xe sử dụng ETC lưu thông, chiếm 9% tổng lượt xe lưu thông qua trạm.

Tại các trạm thu phí BOT An Thái và Đá Vách trên quốc lộ 17B, tỷ lệ này còn thấp hơn. Đại diện Công ty TNHH BOT đường 188 cho biết, sau 1 năm triển khai, tỷ lệ sử dụng ETC chỉ chiếm từ 3 - 4% so với tổng lượt xe lưu thông qua trạm.

Nguyên nhân khách quan khiến tình trạng thu phí ETC “ế khách” do đây là hình thức thu phí còn mới ở Việt Nam và chưa có quy định bắt buộc phương tiện phải dán thẻ sử dụng dịch vụ. Nhiều người dân, doanh nghiệp do chưa tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, nhất là những thông tin về cách thức đăng ký, mở tài khoản dẫn đến tâm lý ngại sử dụng. Bên cạnh đó, người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt.

Để sử dụng dịch vụ ETC, khách hàng cần dán thẻ và mở tài khoản giao thông và nạp tiền vào tài khoản. Theo nhiều khách hàng, nhất là đối với doanh nghiệp vận tải, chỉ có một phương thức thanh toán duy nhất là trả trước cũng là nguyên nhân khiến lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ETC chưa cao. Với doanh nghiệp vận tải có số lượng xe ít thì việc dán thẻ, mở tài khoản và nạp tiền trước có thể sẽ không gặp nhiều khó khăn. Nhưng doanh nghiệp có số lượng xe lớn, nạp tiền trước là điều không dễ dàng, nhất là trong tình cảnh còn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Dưới góc độ kinh tế, bên cạnh việc bảo đảm thông suốt hệ thống ETC, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu chính sách khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ cũng như mở thêm phương thức thanh toán trả sau cho khách hàng.

Liên quan đến quá trình ký kết lại hợp đồng giữa VETC và các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh, việc dán thẻ thu phí tự động (Etag) tại các trung tâm đăng kiểm tạm thời dừng triển khai đến cuối tháng 1.2021. Để dán thẻ và mở tài khoản giao thông sử dụng dịch vụ thu phí không dừng, khách hàng tại Hải Dương đến 2 trạm dừng nghỉ V52 Hải Dương bên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua xã Hoàng Diệu (Gia Lộc); 2 trạm thu phí trên quốc lộ 5 hoặc trạm thu phí An Thái (thuộc dự án BOT đường 188).

Người dân và doanh nghiệp có thể tham khảo thêm thông tin theo đường link dưới đây: https://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/lam-the-nao-de-nop-phi-tu-dong-khong-dung-tren-cao-toc-ha-noi---hai-phong-143909

HÀ KIÊN