''Thêm 1 tin tai nạn trong trường học, lại nhói lòng, xót xa''
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 16:02, 07/01/2021
Mỗi khi nghe tin có tai nạn xảy ra trong trường học, tôi lại nhói lòng, xót xa.
Nhưng sao không ai làm gì để thay đổi mà phải đợi khi nghe góp ý hoặc đợi khi có sự cố xảy ra thì mọi người mới khắc phục? Nếu hậu quả là tính mạng của con trẻ, liệu việc khắc phục muộn màng đó có giúp trẻ sống lại?
Từ ổ điện, thang máy...
Trong trường mầm non, nguyên tắc đơn giản nhất là các ổ điện phải để trên cao khỏi tầm tay trẻ, hoặc ổ điện có nắp đậy để trẻ không chạm tay vào. Nhưng vẫn có trường tôi bước vào nhìn thấy ngay những ổ điện sơ sài nằm ngay chân tường, bên cạnh những kệ đồ chơi của trẻ.
Thang máy trong trường học cũng rất nguy hiểm với trẻ nhỏ. Ở trường mầm non sẽ thường được khuyến khích có thêm rào chắn bên ngoài, khóa lại chắc chắn, khi nào vận chuyển mới được mở khóa và phải khóa lại ngay lập tức khi sử dụng xong.
Bảng điều khiển cũng được lắp thêm một hộp nhựa bên ngoài, cao hơn tầm tay trẻ, tránh trường hợp trẻ tự ý bấm nút và bị kẹt trong thang máy.
Vậy mà có lần tôi đến trường A. Đứng từ xa nhìn vào cửa sắt thang nâng thức ăn thấy cửa sắt đã đóng rồi, mà sao tôi vẫn thấy có gì đó không ổn. Cửa sắt bên ngoài không hề có ổ khóa, không hề có đồ cài vào tường, kéo ra là một khoảng không sâu hun hút. Cực kỳ nguy hiểm nữa đó là sát ngay bên thang nâng là cửa phòng của lớp 5-6 tuổi. Trẻ con ra vô hằng ngày, hằng giờ. Tôi lạnh toát cả người...
Nguyên tắc xây dựng cầu thang, lan can trong trường học là không dùng thanh ngang để trẻ không thể đặt chân lên mà leo trèo. Khoảng cách giữa hai thanh dọc cũng phải thật hẹp để trẻ không lọt chân, lọt người ra ngoài. Chiều cao của tay vịn cầu thang, lan can cũng phải cao hơn 2/3 chiều cao trẻ, tránh không để trẻ nhoài người ra và bị ngã xuống.
Thế nhưng ở các trường vẫn tồn tại cầu thang, lan can dùng thanh ngang, chiều cao chỉ tới ngang eo trẻ, nhìn vào là thấy ngay nguy cơ và trên thực tế cũng đã có học sinh bị tử vong do ngã lan can, ngã cầu thang.
Hình chụp thang máy đề cập trong bài viết. Không hề có khóa, mở ra là khoảng không sâu hun hút, bên tay trái là lớp học của các bé 5-6 tuổi
... đến trần nhà, tủ đựng đồ...
Trong phòng học, phía trần nhà trên đầu trẻ phải để thông thoáng, không nên làm kệ và tuyệt đối không được chất đầy đồ đạc trên đó. Dù có bắt ốc vít vào tường nhưng với số lượng đồ rất nặng, theo thời gian ốc vít có thể lỏng ra, vuột khỏi tường và đổ ập lên đầu con trẻ.
Thậm chí tất cả các tủ, kệ dù để dưới đất nhưng tôi vẫn luôn nhắc phải bắt chốt vào tường. Trẻ con rất hiếu động, vui chơi chạy nhảy xô đẩy mà bị kệ, tủ ngã trúng, rất nguy.
Trường nào cũng có tủ chữa cháy treo trên tường, ngay trên lối đi, ngay cua quẹo cầu thang, độ cao của đáy tủ lại ngang tầm với đầu của trẻ lớp lá, trẻ tiểu học. Việc trẻ con va đầu vào góc nhọn của đáy tủ diễn ra hằng ngày.
Và còn muôn vàn những cái nhìn thấy "nhỏ nhỏ" trong trường học, bình thường không sao nhưng khi có sự cố hậu quả để lại không hề nhỏ chút nào.
Những cái nhỏ nhỏ này nằm ngay trước mắt các thầy cô giáo, trước mắt các con hằng ngày. Từ cây đinh nhọn chĩa lên mặt ghế, từ cái bàn, cái ghế gãy tưa mảnh gỗ nhọn hoắt ngay chân các con.
Từ cái thang, tấm ván để dựng đứng trơ trọi ngay trên sân chơi. Từ những chiếc xe máy mới chạy bên ngoài vào pô còn nóng hổi. Từ vũng nước đọng trên sàn nhà.
Từ tấm trần laphông bị nứt, các đỉnh nhọn của cánh cửa bằng nhôm trong nhà vệ sinh, trong các cánh cửa tủ đựng ca uống nước, bàn chải đánh răng. Từ những mảnh tôn sắt nhọn chĩa ra từ mái che bồn chữa cháy ngay chỗ dựng xe của học sinh…
Có thể giảm bớt nguy cơ Đành rằng có những cái phải theo lộ trình, phải có chủ trương mới cải tạo lớn được. Nhưng trong tầm tay của trường, thầy cô có thể giảm bớt nguy cơ: một nhát búa không còn đinh nhọn trên ghế; dùng mút xốp bọc vào đỉnh nhọn, cạnh đáy tủ chữa cháy; cho những cái cây, tấm ván nằm xuống hoặc cất vào kho, xa khu vực trẻ chơi; bọc thêm lưới vào lan can, cầu thang; mài bớt đỉnh nhọn trên cánh cửa tủ... Nếu muốn sẽ tìm cách; nếu không muốn sẽ tìm lý do. |
Theo Tuổi trẻ