Ông Trump cam kết chuyển giao quyền lực một cách trật tự
Tin tức - Ngày đăng : 16:44, 07/01/2021
"Tôi hoàn toàn không đồng ý với kết quả của cuộc bầu cử, và sự thật đứng về phía tôi, nhưng sẽ có một sự chuyển giao có trật tự vào ngày 20.1", Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong tuyên bố rạng sáng 7.1 (giờ 7.1 giờ Hà Nội) thông qua tài khoản Twitter của trợ lý Nhà Trắng Dan Scavino. Tài khoản Twitter và Facebook của ông Trump hiện bị khóa, không thể đăng bài.
"Tôi luôn nói rằng chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến để đảm bảo rằng chỉ những lá phiếu hợp pháp mới được tính. Dù điều này thể hiện sự kết thúc của nhiệm kỳ đầu vĩ đại nhất trong lịch sử tổng thống, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu cuộc chiến của chúng tôi trong việc Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", Trump cho biết thêm.
Tuyên bố được đưa ra sau khi quốc hội Mỹ chứng nhận Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, với cương vị Chủ tịch Thượng viện chủ trì phiên họp chung của Quốc hội, xác nhận Biden giành được 306 phiếu đại cử tri, Trump nhận được 232 phiếu đại cử tri.
Chiến thắng của Biden được chứng nhận sau khi nỗ lực "lật kèo" của Tổng thống Trump và các đồng minh ở 5 bang chiến trường đều "chết yểu" hoặc bị lưỡng viện bác bỏ với đa số phiếu.
Cuộc họp lưỡng viện Quốc hội do Pence chủ trì chỉ là một thủ tục mang tính hình thức được quy định trong Hiến pháp Mỹ để xác nhận phiếu đại cử tri do các bang gửi lên. Tuy nhiên, sự kiện này thu hút sự chú ý rất lớn trong năm nay, do Tổng thống Trump quyết không thừa nhận thất bại, liên tục đưa ra cáo buộc gian lận bầu cử và hối thúc Pence hành động để ngăn quốc hội chứng nhận chiến thắng của Biden.
Ngay khi phiên họp vừa khai mạc vào trưa 6.1, tình hình rơi vào hỗn loạn bởi đám đông hàng trăm người ủng hộ ông Trump xông vào tòa nhà quốc hội, đập phá đồ đạc, buộc lực lượng bảo vệ phải nổ súng khiến một người chết. Ba người nữa cũng thiệt mạng trong biến cố này.
Cuộc họp Quốc hội bị gián đoạn suốt nhiều giờ, trước khi được nối lại. Các nghị sĩ Cộng hòa sau đó liên tiếp đưa ra kiến nghị phản đối phiếu đại cử tri ở 5 bang chiến trường, nhưng chỉ có kiến nghị ở hai bang là Arizona và Pennsylvania được xem xét vì có đủ chữ ký của hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ.
Sau nhiều giờ thảo luận ở Thượng viện và Hạ viện, các kiến nghị này lần lượt bị bác bỏ với đa số phiếu, trong đó có nhiều phiếu của các thành viên đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, việc các nghị sĩ phải tranh luận về những kiến nghị này khiến phiên họp kéo dài hết tối 6.1 và chỉ kết thúc vào sáng hôm sau.
Theo VnExpress