Băng tuyết và cơ hội
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:00, 16/01/2021
Phong trào lên núi ngắm tuyết vô tình trở thành đề tài tranh cãi về tình người và trách nhiệm đối với người dân miền núi.
Tại Việt Nam, đất nước thuộc vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa, sự xuất hiện của băng tuyết đem đến cảm giác vô cùng lạ lẫm, thích thú và cuốn hút, đặc biệt là giới trẻ. Các nhóm, hội trên mạng xã hội thường xuyên chia sẻ, cập nhật tình hình thời tiết. Bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào có băng giá, tuyết rơi là họ báo nhau, sẵn sàng xách ba lô lên đường. Những hình ảnh nô đùa trong băng tuyết được đăng tải liên tục với tốc độ chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Hình ảnh từng đoàn xe nối đuôi nhau nhích từng mét một trên những cung đường miền núi để lên với băng, với tuyết trở nên phổ biến. Hình ảnh này thật dễ hiểu vì băng giá, mưa tuyết ở Việt Nam là "món quà" quá xa xỉ mà thiên nhiên ban tặng. Vì thế, nó trở thành nỗi mong chờ, sự hấp dẫn khó cưỡng đối với giới trẻ. Du lịch leo núi ngắm tuyết trở thành trào lưu. Những người ủng hộ phong trào này cho rằng việc lên miền núi ngắm tuyết chẳng có gì sai bởi băng tuyết là sản phẩm của thiên nhiên, ngắm băng tuyết là nhu cầu, sở thích và đương nhiên hành động này không vi phạm pháp luật.
Thế nhưng, niềm vui của người này lại là nỗi buồn của người kia. Những người phản đối cho rằng việc mong có băng tuyết là vô cảm với sự vất vả, khổ cực của người dân miền núi. Vẫn biết thời tiết nằm ngoài khả năng can thiệp của con người nhưng nhiều bình luận trên mạng cho rằng có gì đó bất nhẫn khi bên cạnh hình ảnh tươi vui của du khách là những khuôn mặt nặng trĩu âu lo của người dân vùng núi. Vì băng giá, hàng trăm nghìn học sinh phải nghỉ học. Hình ảnh những em nhỏ chân trần, áo mỏng, mặt mũi đỏ lựng, chân tay run rẩy trong giá rét thực sự rất buốt lòng. Đặc biệt, băng giá, mưa tuyết làm cho sản xuất nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều vườn rau, vườn cây ăn quả đã bị băng giá tàn phá. Hàng trăm con trâu đã chết vì rét buộc người dân phải lôi ra vệ đường mổ bán cho du khách với hy vọng vớt vát được chút nào hay chút đó. Mỗi con trâu đối với các hộ dân miền núi có thể là cả một cơ nghiệp.
Quả thực, trước những hình ảnh trái ngược này rất khó để có đánh giá khách quan, toàn diện ai đúng, ai sai. Băng giá, tuyết rơi làm cho kinh tế nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề thì ngành dịch vụ, du lịch lại coi đây là cơ hội phát triển. Người người, nhà nhà ùn ùn lên ngắm tuyết tạo điều kiện cho cư dân bản địa phát triển các sản phẩm du lịch, tăng thêm thu nhập, góp phần kích cầu du lịch địa phương. Có ý kiến cho rằng nếu quan tâm đến người dân địa phương, hãy thể hiện bằng những hành động cụ thể như quyên góp quần áo ấm; xây dựng trường học; xây dựng những mô hình trồng trọt, chăn nuôi an toàn, hiệu quả, phù hợp với khí hậu ngày càng khắc nghiệt thay vì ngồi bàn phím "chém gió" về trách nhiệm nọ kia đối với người dân miền núi. Những người ủng hộ phong trào ngắm tuyết còn cho rằng việc lên núi ngắm tuyết cũng chính là giúp đỡ người dân bản địa, tạo điều kiện để người dân bán sản phẩm làm ra cho du khách.
Băng giá, mưa tuyết xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Khí hậu biến đổi sẽ đưa những điều bất thường dần trở thành bình thường. Vì thế, thay vì than vãn, trách móc tại sao mọi người không tìm cách thích ứng như xây dựng các tour du lịch leo núi ngắm tuyết, giúp người dân miền núi làm ra các sản phẩm du lịch phù hợp cho du khách để kiếm thêm thu nhập trong lúc sản xuất bị ảnh hưởng. Tuyên truyền, vận động để người dân có những biện pháp phòng chống rét phù hợp, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do băng giá, mưa tuyết gây ra...
Tuyết rơi nhiều chắc chắn ảnh hưởng rất lớn tới đời sống đồng bào vùng cao nhưng chưa chắc đó đã là thảm họa nếu mỗi người cùng suy nghĩ, tìm cách thích nghi.
VỊ THỦY