Ấn Độ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng 'lớn nhất thế giới' chống COVID-19
Tin tức - Ngày đăng : 19:54, 16/01/2021
Các bác sĩ tại Bệnh viện Rajawadi chụp hình cùng với Thủ tướng Modi (qua hội nghị video trực tuyến) khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng COVID-19 tại Ấn Độ trong sáng 16.1
Ông Modi phát động chiến dịch thông qua một hội nghị video trực tuyến với các nhân viên y tế. Tuy nhiên, ông không tiêm vaccine COVID-19 trước các đối tượng ưu tiên ở nước này là các y bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu khác, theo hãng tin Reuters.
Vào ngày đầu tiên, khoảng 100 người sẽ được tiêm chủng tự nguyện tại mỗi trong 3.006 trung tâm tiêm chủng trên cả nước. "Đây sẽ là chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới, bao phủ toàn bộ chiều dài và chiều rộng của đất nước" - văn phòng ông Modi tuyên bố.
Ấn Độ, đông dân nhì thế giới sau Trung Quốc, từng nói không cần phải tiêm chủng cho toàn bộ 1,35 tỉ dân để đạt được miễn dịch cộng đồng. Dù vậy, chỉ cần tiêm chủng cho một nửa dân số thì đây vẫn là một trong những chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, những người đi tiêm ngừa sẽ không được quyền lựa chọn giữa vaccine COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech, của hãng AstraZeneca và vắc xin COVID-19 do Công ty Bharat Biotech trong nước phát triển.
Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 3 loại vaccine trên, bao gồm vaccinen của Bharat Biotech mà không chờ dữ liệu cuối cùng từ thử nghiệm lâm sàng của công ty này. Dự kiến thử nghiệm lâm sàng của Bharat đến cuối tháng 3 mới kết thúc. Một số chuyên gia y tế Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại về việc vội vã cấp phép này.
Hãng tin Reuters cho biết Ấn Độ muốn tiêm chủng cho khoảng 300 triệu người trong 6 - 8 tháng đầu năm 2021. Những người đầu tiên tiêm vaccine là 30 triệu nhân viên tuyến đầu chống dịch, bao gồm y bác sĩ, nhân viên vệ sinh và an ninh. Tiếp theo là khoảng 270 triệu người trên 50 tuổi hoặc có rủi ro sức khỏe cao vì có sẵn bệnh nền.
Thủ tướng Modi tuyên bố các chính trị gia sẽ không được ưu tiên trước các nhân viên tuyến đầu chống dịch.
Ấn Độ hiện ghi nhận hơn 10,5 triệu ca COVID-19, cao thứ nhì thế giới sau Mỹ.
Theo Tuổi trẻ