Sát Tết, lại khổ vì mỹ phẩm giả
Xã hội - Ngày đăng : 12:03, 17/01/2021
Một nạn nhân của dị ứng mỹ phẩm
Không ít nạn nhân đã phải nhập viện vì làm đẹp. Mỹ phẩm nhái, giả, kém chất lượng đang tràn ngập thị trường chính là mối nguy hiểm đe doạ nhan sắc cũng như sức khoẻ của nhiều người.
Đa số là nạn nhân của “hàng xách tay”
Buổi sáng đầu tuần, trước cửa phòng khám khoa Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ có tới 7 ca bị dị ứng do mỹ phẩm và dùng “thuốc” làm đẹp.
Một bệnh nhân nữ tên L.T.T.T (29 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: nghe bạn bè giới thiệu một shop mỹ phẩm xách tay mới mở rất uy tín, chị vội tìm đến với hy vọng tìm được “hàng chuẩn giá sale” để làm đẹp đi chơi Tết. Hai lọ kem Lacôme 50ml được mua với giá chỉ có 760 ngàn (tính ra chỉ hơn 15usd/ lọ), chị T mang về bôi ngày hai, ba lần trong suốt một tuần liền. Đến ngày thứ 8 vùng da mặt của chị T. đột nhiên nổi mụn, nhiều chỗ có biểu hiện sưng tấy, ngứa rát...
Một bệnh nhân khác tên V.N.H. (53 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội)) phải vào viện vì nhuộm tóc bằng thuốc nhuộm cũng hàng “xách tay” của Đức không rõ xuất xứ. Sau khi nhuộm ông H. thấy da đầu bị sưng ngứa, rịn nước, tóc rụng thành mảng.
Trong hồ sơ của bệnh nhân đến khám ở Khoa Dị ứng Bệnh viện Bạch Mai rất nhiều trường hợp cùng chung lý do: sau khi dùng mỹ phẩm từ 1-2 tuần (hoặc trong vòng 1 tháng) thì bị mụn nhiều, sạm da, khô da, phù mí mắt, căng da, ngứa ngáy, đỏ rát vùng da...
Điều đáng nói những loại mỹ phẩm gây dị ứng cho các nạn nhân đa phần đều là của những hãng tên tuổi, thậm chí đứng đầu trong danh sách những sản phẩm làm đẹp cao cấp. Chỉ có điều đa phần số mỹ phẩm ấy đều được mua từ nguồn hàng xách tay, nghĩa là không có tem mác nhập khẩu cũng như hóa đơn bán hàng, chất lượng sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào “uy tín” của shop.
Hồ sơ của bệnh nhân Đ.N.N (23 tuổi, Thanh Nhàn, Hà Nội) ghi: lý do khám da bị kích ứng, dùng kem làm trắng da Sheseido không có nhãn mác. Bệnh nhân P.P.T (34 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) vào viện với “các mụn rộp trắng, ngứa, da bong thành từng miếng” sau 2 tháng sử dụng kem làm mờ vết nhăn Powder Creme Make Up của “hãng” Rivlon nhưng đã quá “date” tới 2 năm. Hoặc bệnh nhân N.T.T.H (18 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) sau ba tháng dùng kem Biona trộn Cortibion để trị mụn trứng cá thì mụn nổi nhiều hơn, da bị teo... Bệnh nhân này đã dừng dùng thuốc và đắp mặt bằng hoa quả tươi nhưng những chỗ da bị kích ứng ngày càng sưng đỏ, một số vùng rộp lên như bị bỏng.
Mỹ phẩm “dỏm” đã đạt mức tinh vi... như thật
Ám ảnh bởi câu chuyện đánh giá vẻ đẹp phụ nữ qua bàn tay và xương quai xanh, chị V.T.A (34 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã tìm đặt hàng một lọ kem dưỡng da tay “loại cao cấp” của hãng Nuxe (Pháp) để bôi. Thời gian đầu không có vấn đề gì xảy ra. Khoảng hai tháng sau da tay của A. cứ tự nhiên khô đi, xạm hơn trông như bàn tay của một người 60 tuổi. A. ngờ ngợ tác hại của lọ kem dưỡng da tay “hàng nhập” đã đến khám ở một cơ sở da liễu.
Kết quả các bác sĩ ở đây cho biết: da tay của A. đã mất đi phím bã bảo vệ da, hơn nữa một số chất có trong loại dưỡng da tay cô dùng đã gây viêm da (dạng nhẹ), khô da và làm cho bàn tay bị nứt nẻ. Cũng do da tay của A. bị mất lớp bảo vệ nên dễ bị ánh nắng tác động làm cho da nhanh chóng bị lão hóa, bàn tay trở nên nhăn nheo, thô ráp, giảm độ đàn hồi và mịn màng. Lâu ngày da bàn tay xuất hiện các vết đồi mồi.
Một trường hợp khác: chị P.K.T (39 tuổi, Khu tập thể Bộ Thuỷ sản, Hà Nội) nghe bạn bè mách bảo dưỡng da bằng cách bôi “kem sâm của Hàn Quốc” giá chỉ có 70.000đ/lọ. Chị hồ hởi làm theo. Thời gian đầu da của chị T. được cải thiện rõ rệt, trắng và mịn hơn hồi chị chưa dùng kem sâm. “Thừa thắng xông lên”, chị T. bôi kem sâm liên tục cả mùa đông, mùa hè. Hơn thế, chị còn tích cực đi vận động bạn bè, người quen dùng loại “thuốc tiên” mà theo chị là vừa rẻ vừa đẹp này. Được chưa đầy 3 tháng, da mặt chị T. có dấu hiệu xạm, nám. Bốn tháng sau, những khu vực trên da được chị dùng kem sâm chăm sóc nổi mụn cám lẩn mẩn. Nếp nhăn xuất hiện một cách bất thường. Lo ngại, chị T. phải tìm đến các bác sĩ da liễu để tìm một lời khuyên.
Có rất nhiều trường hợp giống như chị A., chị T. phải tìm đến chuyên khoa da liễu vì những tác hại kiểu “mưa dầm thấm lâu” của mỹ phẩm kém chất lượng. Đa số những mỹ phẩm loại này nếu không gây tác hại trực tiếp thì âm thầm đánh phá ở bên trong, để đến một lúc... bùng ra làm cho các chủ nhân “tưởng bở” của nó khóc dở mếu dở...
Chị Nguyễn Trinh (đại diện phân phối mỹ phẩm Yves Roche tại Việt Nam) cho biết: hiện nay công nghệ làm giả mỹ phẩm đã đạt đến mức tinh vi, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường sẽ rất khó phân biệt. Người tiêu dùng sành sỏi hơn thì có thể tra mã code (trên lọ mỹ phẩm) để biết thật giả và hạn sử dụng. Nhưng hiện nay, ngay cả mã code cũng đã có nơi làm giả được. Chúng tôi vẫn khuyến cáo chị em nên mua hàng chính hãng, để nếu có dị ứng, kích ứng thì còn kịp thời phản hồi để được hỗ trợ”.
Sau khi điều trị dị ứng ở Viện, L.T.T.T quay lại “bắt đền” shop mỹ phẩm. Shop không đồng ý bồi thường vì lý do “7 ngày sau da của chị T. mới kích ứng, nếu là dị ứng mỹ phẩm thì nó mẩn ngay từ đầu”. Chị T. làm gắt, đòi báo công an, shop mới giải thích họ cũng chỉ nhập hàng qua một đầu mối khác. Đầu mối này cũng qua hai lượt trung gian nữa, và ai cũng đinh ninh mỹ phẩm mình đang bán là hàng tiếp viên hàng không xách tay về.
Tìm hiểu kỹ hơn, chị T. mới biết, ngay cả trong mùa sale, sau khi đã giảm giá 50% thì cũng không có bất cứ lọ Lacôme 50ml (sản xuất tại Pháp) nào có giá dưới 50usd cả.
Theo một thống kê của bác sĩ da liễu Nguyễn Việt Hà (phòng khám da liễu Hà Nội), đa phần nạn nhân của dị ứng mỹ phẩm là khách hàng của những mỹ phẩm tự chế hoặc mỹ phẩm không rõ nguồn gốc nhập từ các nước trong khu vực như Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan... Giá của mỗi sản phẩm làm đẹp này thường “du di” từ 150.000đ - 500.000đ. Những sản phẩm này hiện được bày bán tràn lan ở tất cả các chợ, tiệm uốn tóc và cả các cửa hàng tạp hóa ở mọi hang cùng ngõ hẻm.
Bác sĩ Hà cho biết: Trung bình mỗi ngày tôi tiếp nhận 2-6 bệnh nhân đến khám và điều trị vì tai biến dị ứng do mỹ phẩm. Nguyện vọng chăm lo sắc đẹp và sức khoẻ của phụ nữ là chính đáng. Nhưng nhiều chị em thiếu kiến thức sử dụng mỹ phẩm và dự phòng, xử lý các tác dụng phụ do mỹ phẩm. Đa phần trong số họ thường sử dụng những loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc theo lời mách bảo của bạn bè, người thân, mua mỹ phẩm theo quảng cáo mà không chú ý đến chất lượng mỹ phẩm. Rất ít người đến các đại lý của các công ty sản xuất mỹ phẩm để được soi da, tư vấn sử dụng mỹ phẩm. Cũng theo bác sĩ Hà, dị ứng mỹ phẩm có những biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, như viêm da dị ứng, mề đay, phù mặt, viêm trốc da đầu, trứng cá, nám da, xạm da v.v...
Nhiều bệnh nhân bị dị ứng do mỹ phẩm không sớm phát hiện để đến các bác sĩ chuyên khoa (dị ứng hoặc da liễu) nên “tiền mất tật mang”.
Theo Tiền phong