Vì sao chưa bỏ trà xuân sớm?
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:59, 19/01/2021
Nông dân Thanh Hà gieo mạ dược để cấy trà xuân sớm
Gieo cấy trà xuân sớm (TXS) khiến nông dân đối mặt với nhiều bất cập, rủi ro trong sản xuất. Nhiều năm nay, ngành nông nghiệp khuyến cáo giảm tối đa diện tích gieo cấy TXS, song vì nhiều nguyên nhân, người dân vẫn không bỏ trà lúa này.
Không thể bỏ
TXS gắn với gieo cấy mạ dược là phương thức gieo cấy truyền thống của nông dân trong tỉnh. Với cách làm trên, người dân phải mất hơn 1 tháng để ngâm thóc giống, gieo và chăm sóc mạ. Ngoài ra, còn tốn công nhổ mạ, vận chuyển mạ tới nơi cấy. Không chỉ mất thời gian, công sức mà trong quá trình làm mạ cũng gặp những yếu tố bất lợi không thể lường trước. Gieo mạ qua đông nên không tránh khỏi những đợt rét đậm, rét hại có thể ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của mạ cũng như khả năng phát triển của cây lúa về sau. Mạ có thể bị chết rét, làm chậm tiến độ sản xuất, phá vỡ khung thời vụ. Trong khi TXS bộc lộ nhiều hạn chế thì trà xuân muộn có nhiều ưu điểm. Không những giúp nông dân tiết kiệm thời gian sản xuất mà thời điểm cấy cũng nằm trong vùng an toàn, cây lúa ít chịu tác động của rét đậm, rét hại. Nhưng tại một số địa phương, nhất là ở các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Kim Thành, nhiều hộ vẫn chưa bỏ TXS.
Gia đình bà Phạm Thị Phúc ở thôn Hải Hộ, xã Hồng Lạc (Thanh Hà) gieo cấy 1,2 mẫu ruộng thì có tới 8 sào cấy mạ dược TXS. Bà Phúc cho biết ở địa phương, nhiều hộ vẫn cấy mạ dược không chỉ do thói quen mà vì không còn lựa chọn khác. "Chúng tôi cũng biết gieo cấy TXS vất vả hơn mà năng suất không cao nhưng không thể chuyển sang trà xuân muộn bởi chân ruộng thấp, trũng. Nếu bỏ TSX chỉ có cách chuyển đổi sản xuất hoặc bỏ ruộng. Mạ dược có nhiều nhược điểm song so với mạ non (mạ trên sân, mạ gieo nền đất cứng) thì cây cứng và cao hơn nên thích hợp cấy ở những vùng đất trũng", bà Phúc khẳng định.
Với điều kiện đồng đất ở Hải Dương thì việc xóa bỏ hoàn toàn TXS là không khả thi. Tỉnh có một số huyện nằm ở hạ lưu sông, việc điều tiết thủy lợi thụ động, phụ thuộc vào dòng chảy. Mỗi năm tỉnh có khoảng 7.000 ha được đổ ải bằng nước tự chảy. Tiết kiệm được chi phí khi không phải sử dụng bơm máy đổ ải nhưng đổi lại người dân không thể gieo cấy mạ non ở khu vực này mà chỉ có thể sử dụng mạ dược. Mặt khác, đổ ải tự chảy dựa vào cốt đất từ thấp đến cao nên ở những vùng trũng chỉ phù hợp cấy mạ dược. Ở vụ chiêm xuân, tỉnh gieo cấy khoảng 55.000 ha lúa, trong đó có gần 10.000 ha cấy mạ dược TXS.
Nhưng phải giảm
Việc duy trì TXS liên quan tới công tác thủy lợi và đặc thù đồng ruộng nên không thể bỏ. Tuy nhiên, tình hình sản xuất những năm gần đây cho thấy diện tích gieo cấy TXS vẫn cao hơn so với điều kiện thực tế. Nhiều diện tích có thể chuyển sang trà xuân muộn song người dân vẫn giữ thói quen gieo cấy TXS. Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân hạn chế tối đa gieo cấy TXS. Nhiều năm liền, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu giảm TXS xuống còn 8% diện tích gieo cấy nhưng đến nay vẫn chưa đạt được.
Xã Hưng Long (Ninh Giang) là địa phương đi đầu của tỉnh trong chuyển từ gieo cấy TXS sang trà xuân muộn. Theo ông Lê Đình Đoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Long, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thái, trước kia diện tích gieo cấy mạ dược TXS của xã chiếm tới 80%, hiện chỉ còn từ 15-20%. Sau khi dồn điền đổi thửa vào năm 2015, để tăng hiệu quả sản xuất, xã vận động nông dân gieo cấy mạ non, mạ khay cấy máy.
Theo ông Lê Thái Nghiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ngoài những nguyên nhân khách quan thì diện tích TXS vẫn còn nhiều do các cấp, các ngành chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo. TXS thường gieo cấy những giống lúa dài ngày đã tồn tại từ lâu, giá trị kinh tế không cao. Trước những đòi hỏi của sản xuất khi ngày càng có nhiều giống lúa ngắn ngày cho năng suất, chất lượng cao thì việc giảm TXS, tăng trà xuân muộn là tất yếu. Những địa phương có diện tích gieo cấy TXS nhiều cần có giải pháp thiết thực để vận động, thuyết phục nông dân hạn chế thấp nhất gieo cấy TXS.
DC