Vì sao chứng khoán có phiên giảm mạnh nhất lịch sử?
Thị trường - Ngày đăng : 16:50, 19/01/2021
Phiên giao dịch hôm nay (19.1) ghi nhận hàng loạt kỷ lục được phá trong lịch sử 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index lao dốc thẳng đứng, có lúc mất gần 75 điểm trước khi hồi phục dần và đóng cửa với mức giảm 61 điểm. Thanh khoản khớp lệnh gần 18.000 tỷ đồng và có thể cao hơn nếu hệ thống đặt lệnh của các công ty chứng khoán không bị nghẽn. Khoảng 90% cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền trên sàn TP Hồ Chí Minh đóng cửa dưới tham chiếu.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, có hai nguyên nhân chính khiến thị trường giảm "ngoài sức tưởng tượng".
Thứ nhất, thị trường tăng nóng trước đó khiến lượng sử dụng margin bị đẩy lên quá cao và nhiều công ty chứng khoán hết nguồn cho vay thêm. Đây không phải điều xấu nhưng là tín hiệu thể hiện phần lớn dòng tiền đã giải ngân. Vì thế, thị trường cần một nhịp rung lắc để rũ bớt lượng cổ phiếu nắm giữ, qua đó thu hút dòng tiền còn đang đứng ngoài để tạo động lực tăng tiếp.
Thứ hai, mức độ chi phối xu hướng thị trường của nhà đầu tư F0 ngày càng lớn. Nhóm này đã rót nhiều tiền, nhưng kiến thức lẫn kinh nghiệm đầu tư không nhiều nên tâm lý dễ dao động. Lực bán chốt lời từ những nhà đầu tư có thâm niên lan sang nhóm này đã tạo thành hiệu ứng domino.
"Phiên giảm hôm nay không bất ngờ vì thị trường đã tăng nóng trước đó, thu hút những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm", ông Bình chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Vân Khôi, Giám đốc kinh doanh Hội sở Công ty Chứng khoán ACB cho rằng, việc thị trường điều chỉnh là cần thiết và được dự báo từ trước. Tuy nhiên, nhịp tăng vừa rồi quá gấp gáp và không có những quãng nghỉ để tạo nền giá mới nên khi giảm cũng phải rất sâu.
Trong bối cảnh các yếu tố thường tác động đến thị trường chứng khoán như kinh tế vĩ mô và hoạt động của từng doanh nghiệp, nhóm ngành đều không xuất hiện thông tin xấu thì điều bất thường duy nhất của phiên hôm nay là sự phản ứng thái quá của nhà đầu tư F0.
Ông Khôi cho rằng đây là nguyên nhân dễ hiểu bởi họ chưa từng trải qua những đợt biến động mạnh như thế. Số vốn có thể không nhiều nhưng khi thị trường phát tín hiệu giảm mạnh là họ sẵn sàng bán bằng mọi giá để bảo vệ thành quả.
Tuy nhiên, ông Khôi khẳng định để đánh giá đúng xu hướng của thị trường lúc này rất khó vì không có thông tin chính xác về cung cầu. Điều này bắt nguồn từ việc hệ thống giao dịch của HoSE có dấu hiệu quá tải từ khoảng 13h10. Dòng tiền bắt đầu nhập cuộc để mua những cổ phiếu có nền tảng tốt và dẫn dắt thị trường như HPG, ACB, VHM... nhưng không gửi được lệnh.
"Nhà đầu tư phàn nàn không thể đặt lệnh mua tại giá sàn, cũng không hủy được lệnh bán cũ nên diễn biến VN-Index lúc đóng cửa không phản ánh đúng thực chất tâm lý nhà đầu tư", ông Khôi nói.
Theo VnEpress