Nhật Bản gửi công hàm phản bác: Trung Quốc không có quyền vẽ đường cơ sở ở Biển Đông

Tin tức - Ngày đăng : 17:02, 20/01/2021

Cuộc chiến công hàm ở Biển Đông có diễn biến mới khi Nhật Bản gửi công hàm phản đối một công hàm của Trung Quốc về Biển Đông. Phía Nhật khẳng định Trung Quốc không có quyền vẽ đường cơ sở ở Biển Đông như đã nêu.


Tàu của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản cùng tàu hải quân Mỹ và Ấn Độ trên biển năm 2019. Ảnh: REUTERS

Công hàm của Nhật Bản được gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, đề ngày 19.1.2021.

Đây là văn bản chính thức của phía Nhật Bản nhằm phản đối công hàm CML/63/2020 mà Trung Quốc trình LHQ hồi tháng 9.2020.

Đây được xem là cách Nhật Bản thể hiện lập trường mới nhất, "đè" lên việc Trung Quốc dùng công hàm CML/63/2020 để phản đối các công hàm trước đó của Anh, Pháp, và Đức.

Cụ thể, vào ngày 16.9.2020, Bộ Ngoại giao Anh, Pháp và Đức gửi công hàm lên LHQ phản bác lại 7 công hàm của Trung Quốc.

Công hàm chung của ba nước châu Âu này nhấn mạnh các yêu sách đường cơ sở thẳng, 'quyền lịch sử' Trung Quốc đưa ra là vô lý nếu căn cứ theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Tới ngày 18.9, tức hai ngày sau, Trung Quốc gửi một công hàm mới CML/63/2020 đáp trả công hàm chung của Anh, Pháp, và Đức nêu trên.

Tất cả các công hàm được nhiều bên gửi LHQ đều có giá trị thể hiện lập trường, tuyên bố của họ về vấn đề liên quan, trong trường hợp này là Biển Đông. Đây là một thủ tục nhằm để lại "dấu pháp lý" cho việc giải quyết tranh chấp cũng như lưu dấu quan điểm sau này.

Như vậy, Nhật Bản là nước mới nhất ra công hàm gửi LHQ về vấn đề Biển Đông.

Trong công hàm, Nhật Bản ghi rõ như sau: "Nhật Bản, dưới tư cách một thành viên Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), bác bỏ lập trường của Trung Quốc cho rằng "việc vẽ đường cơ sở phân chia lãnh hải do Trung Quốc thực hiện trên các đảo và đá ở Biển Đông là phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế nói chung".

UNCLOS đã thiết lập những điều kiện để áp dụng đường cơ sở một cách cụ thể và đầy đủ, trong khi Trung Quốc đã không thể viện dẫn các điều khoản liên quan của UNCLOS để khẳng định tính hợp pháp của các đường cơ sở này. Không có chuyện một quốc gia thành viên biện minh cho việc áp dụng những đường cơ sở mà không đáp ứng các điều kiện theo quy định của UNCLOS".

Trong đoạn tiếp theo, Nhật Bản nhắc lại việc Trung Quốc đề cập tới tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trong công hàm CML63/2020.

Phía Nhật khẳng định "Tự do hàng hải và hàng không phải được đảm bảo trên biển và trên không xung quanh và trên các thực thể biển được xác định là bãi cạn lúc chìm lúc nổi (low-tide elevation), mà bản thân chúng không có lãnh hải và không phận, như những gì đã được tuyên bố trong phán quyết về Biển Đông ngày 12.7.2016, một phán quyết vốn dĩ là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc đối với tất cả các bên tranh chấp.

Tuy nhiên, theo công hàm của Nhật, Trung Quốc đã "không công nhận phán quyết, và đã khẳng định họ có 'chủ quyền' trên biển và trên không xung quanh và phía trên những thực thể được xác định là bãi cạn lúc chìm lúc nổi này".

Phía Nhật Bản cũng nêu thực tế rằng "Trung Quốc cũng phản đối máy bay Nhật Bản tại khu vực xung quanh đá Vành Khăn, đồng thời cố gắng hạn chế tự do trên không ở Biển Đông".

Theo Tuổi trẻ