Kỳ vọng vào Đại hội
Tin tức - Ngày đăng : 07:00, 22/01/2021
Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo
Phát triển giáo dục luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng đất nước. Vì thế, tôi mong các đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục phát huy dân chủ, thể hiện tinh thần trách nhiệm, thảo luận để đề ra các giải pháp tiếp tục tăng cường đầu tư xứng đáng cho giáo dục và đào tạo. Theo tôi, muốn nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết cần nâng cao chất lượng đầu vào của sinh viên ngành sư phạm bằng những cơ chế, chính sách thu hút cụ thể như tiếp tục miễn học phí, bố trí công việc sau khi ra trường, xây dựng bảng lương riêng để giáo viên có thể sống bằng lương, từ đó dành toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp trồng người.
Đảng cần xây dựng cơ chế để tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân đều được hưởng một cách công bằng thành quả của giáo dục. Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Thực hiện tốt hơn phân luồng học sinh sau bậc THCS nhằm tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời để ai cũng có cơ hội học tập, nâng cao trình độ. Đặc biệt, các đại biểu tham dự Đại hội lần này cần bàn thảo, đề ra các giải pháp thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao để đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp. Chú ý xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
TRƯƠNG HỒNG PHƯƠNG
Hiệu trưởng Trường THPT Gia Lộc II
Xác định rõ vai trò của kinh tế tư nhân
Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi nhận thấy trong dự thảo đã xác định rõ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Riêng về phát triển kinh tế, dự thảo Báo cáo chính trị đã nhấn mạnh việc xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Tôi cho rằng, mục tiêu này rất cụ thể, đúng đắn và phù hợp với xu hướng phát triển. Các quốc gia, nhất là các nước lớn đang điều chỉnh lại chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, sẽ tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu. Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn nên sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Dự thảo Báo cáo chính trị đã phân tích và chỉ rõ nhiệm vụ hoàn thiện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật.
Bên cạnh thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, các hợp tác xã, tổ hợp tác, dự thảo Báo cáo chính trị đã xác định rõ vai trò của phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ. Với mục tiêu cụ thể như vậy, trong giai đoạn tới, tôi tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ phát triển lên tầm cao mới.
PHẠM MỸ HOÀI
Giám đốc Công ty TNHH Hoài Giang (TP Hải Dương)