Biến thể mới của SARS-CoV-2 có ảnh hưởng đến sản xuất vaccine?

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:31, 22/01/2021

Cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn với nhiều khó khăn, thử thách. Đáng lo ngại hơn khi biến thể mới của SARS-CoV-2 đã xuất hiện và lan rộng tại hơn 50 quốc gia.


Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

Cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn với nhiều khó khăn, thử thách.

Đáng lo ngại hơn khi biến thể mới của SARS-CoV-2 đã xuất hiện và lan rộng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhiều ý kiến lo ngại vaccine COVID-19 mà các nước đang nghiên cứu sản xuất sẽ bị chủng virus này vô hiệu hóa?

Biến thể mới của SARS-CoV-2 đã lây lan ra 50 nước

Theo thống kê từ Bộ Y tế, thế giới ghi nhận gần 96,7 triệu ca và hơn 2 triệu ca tử vong do dịch COVID-19 tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ đang là quốc gia có số ca mắc cao nhất thế giới (với khoảng hơn 24,8 triệu ca mắc, hơn 411.500 ca tử vong); tiếp theo là Ấn Độ (với gần 10,6 triệu ca mắc, hơn 152.700 ca tử vong); Brazil (với gần 8,6 triệu ca mắc, hơn 211.500 ca tử vong).

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể mới của SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh đã lây lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ. Biến thể tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 23 nước và vùng lãnh thổ.

Tại Đông Nam Á, diễn biến dịch bệnh phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới. Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực (hơn 927.000 ca mắc, khoảng 26.500 ca tử vong); Philippines (khoảng 506.000 ca mắc, hơn 10.000 ca tử vong); Malaysia (hơn 165.000 ca mắc, 619 ca tử vong).

Liên quan đến tình hình nghiên cứu, sử dụng vaccine trên thế giới, Theo Cục Y tế dự phòng, hiện có khoảng 46 nước trên thế giới đã triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 với khoảng 28 triệu liều vaccine được sử dụng.

Hiện nay, các đơn vị sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu, tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng; trong đó có 2 vaccine ngừa COVID-19 của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen; Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế đang được thử nghiệm.

Không ảnh hưởng vaccine ngừa COVID-19

Tại lễ khởi động chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 thứ 2 do Việt Nam sản xuất, có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về có khả năng các biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể khiến các vaccine đã và đang nghiên cứu không có tác dụng bảo vệ?

Giải đáp về vấn đề này, giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phân tích biến chủng SARS-CoV-2 chỉ đột biến trên một số điểm nên không ảnh hưởng vaccine ngừa COVID-19.

Giáo sư Đặng Đức Anh cho hay: "Với vaccine COVIDVAX là vaccine vector Newcastle (NDV) được chính thức thử nghiệm trên người tình nguyện có gắn gen biểu hiện Protein S của SARS-CoV-2. Các nhà khoa học sử dụng protein S của virus này làm kháng nguyên.

Hiện thế giới ghi nhận đột biến trên một số chủng virus ở Anh, Nam Phi; trong đó ghi nhận một số điểm trên gene mã hóa S. Tuy nhiên, đoạn protein S khá dài trong khi đột biến chỉ trên một số điểm, không phải toàn bộ nên nhìn chung biến chủng của SARS-CoV-2 sẽ không ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19”.

Cũng theo giáo sư Đức Anh, trên thế giới, các loại vaccine COVID-19 đang nghiên cứu cũng không bị ảnh hưởng tới kháng nguyên và tính sinh miễn dịch. Hiện các nhà sản xuất trên thế giới vẫn dùng chủng này để sản xuất vaccine và cho thấy vaccine vẫn có đáp ứng miễn dịch tốt.

Thông tin thêm về nguy cơ vô hiệu hóa vaccine COVID-19 của biến thể mới SARS-CoV-2, giáo sư Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết về nguyên tắc trên một đoạn gene dài nếu như đột biến điểm, khoảng 1,2,3 điểm sẽ không làm ảnh hưởng tới kháng nguyên. Đó là lý do các nhà khoa học thế giới tiếp tục tạo vắc-xin dựa trên chủng ban đầu.

Các chuyên gia cũng cho biết ở một số biến chủng của SARS-CoV-2 đã được ghi nhận, so sánh các đột biến sẽ có điểm khác nhau. Tuy nhiên, toàn bộ đoạn gene không bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các nghiên cứu chỉ ra biến chủng virus lây nhanh hơn chủng cũ nhưng về lâm sàng, chưa ghi nhận tình trạng bệnh nặng hơn. Tỷ lệ tử vong cũng không có sự khác biệt.

Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - đơn vị thực hiện thử nghiệm vaccine COVIVAX - cho biết người thử nghiệm sẽ được theo dõi trong 24 giờ tại Trường Đại học Y Hà Nội và về nhà theo dõi sức khỏe. Sau 28 ngày, đối tượng nghiên cứu sẽ được tiêm liều thứ 2 và lưu lại cơ sở nghiên cứu 4 tiếng và về nhà theo dõi. Giai đoạn 2, sẽ thực hiện tiêm thử nghiệm tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Các đối tượng tham gia thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ được thu tuyển tại các xã tham gia của huyện Vũ Thư.

Đơn vị sản xuất là IVAC sẽ mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm để chi trả cho việc điều trị chi trả các thương tích liên quan đến nghiên cứu. Các phản ứng nặng cần can thiệp điều trị sẽ được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Tại lễ khởi động, đại diện Bộ Y tế và đơn vị thực hiện nghiên cứu cũng khẳng định vấn đề an toàn sẽ được đặt lên hàng đầu quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vaccine COVID-19.

Bộ Y tế cho biết nghiên cứu giai đoạn 1 dự kiến sẽ tiến hành tuyển chọn 120 người tình nguyện là người khỏe mạnh, chia thành 5 nhóm: 3 nhóm vaccine không có tá chất với các mức liều 1 mcg, 3 mcg, 10 mcg, 1 nhóm vaccine mức liều 1 mcg có bổ sung tá chất và nhóm giả dược (placebo).

Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vắc-xin hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày. Dự kiến, người tình nguyện đầu tiên sẽ được tiêm vaccine thử nghiệm vào tháng 2.2021.

Theo Vietnam+