Ký ức Đại hội đổi mới của Đảng
Tin tức - Ngày đăng : 14:43, 27/01/2021
Nhiều đại biểu của Đảng bộ tỉnh được tham dự vẫn còn nhớ rất rõ về kỳ đại hội đặc biệt này.
Năm 1986, ông Phạm Nguyên Tần (ở phố Quang Trung, TP Hải Dương) đang giữ cương vị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương). Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, ông được bầu là đại biểu dự Đại hội VI của Đảng. Ông kể Đại hội VI diễn ra trong bối cảnh đất nước rơi vào khủng hoảng, lạm phát rất cao. Một phần nguyên nhân khách quan trước đó là hòa bình vừa được lập lại nhưng vẫn xảy ra chiến tranh Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, bị bao vây cấm vận, sự tấn công của các thế lực thù địch. Nguyên nhân chủ quan là nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp diễn ra trong thời gian dài dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội. Trước thực tế đó, chúng ta buộc phải đổi mới. Tinh thần của Đại hộiVI là “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật". Nội dung xuyên suốt được Đại hội đề cập, thảo luận chính là bàn các giải pháp để lãnh đạo phát triển đất nước, trọng tâm là phát triển kinh tế. Điều ông Tần tâm đắc nhất là Đại hội VI đã thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm, từ đó quyết tâm đưa đất nước vượt qua khủng hoảng và đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ông Phạm Văn Bảo, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu tham dự Đại hội lần thứ VI của Đảng
Dù đã 35 năm trôi qua song ông Lê Quý Đôn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh vẫn không quên không khí của những ngày diễn ra Đại hội. Các thành viên trong đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh đều tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề Đại hội đề cập. Ngoài những ý kiến tham gia phát biểu đã được đăng ký trước, trên hội trường, một số đại biểu cũng hăng hái giơ tay phát biểu làm rõ một số vấn đề. Ông Đôn cho biết Đại hội chính thức diễn ra từ ngày 15 - 18.12.1986 nhưng do tính chất quan trọng nên phiên trù bị kéo dài 10 ngày trước đó, trong đó có 4 ngày dành cho phần văn kiện và 6ngày dành cho phần nhân sự. Nguyên nhân kéo dài như vậy vì đây là thời kỳ chuyển giao thế hệ, từ thế hệ tiền bối cách mạng (từ Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến chống Pháp) chuyển giao cho thế hệ kế cận (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ).
Là người từng dự Đại hội VI và Đại hội VII, những ký ức về Đại hội VI vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của ông Phạm Văn Bảo, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh. Khi ấy, ông Bảo là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Hưng. “Đại hội VI đã đánh giá đúng tình hình đất nước, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phát động công cuộc đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”, ông Bảo nói.
Ông Bảo kể lại khi ấy đất nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, giá cả leo thang, lạm phát rất cao, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Lương thực không đủ dùng. Đồ tiêu dùng khan hiếm. Tinh thần làm chủ của xã viên HTX nông nghiệp kém, có những nơi chỉ được 5 lạng thóc/công lao động…
Thẳng thắn nhìn vào sự thật, các đại biểu thảo luận để phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, làm rõ nguyên nhân của mọi nguyên nhân để đi đến cùng vấn đề, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ Đại hội VI đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là trong quá trình lãnh đạo của Đảng luôn phải coi trọng tư tưởng lấy dân làm gốc, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; hoạt động của Đảng, định ra đường lối, chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, nhận biết và hành động theo quy luật khách quan…
Từng được tham dự 4 kỳ Đại hội Đảng, ông Hoàng Bình, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh có ấn tượng đặc biệt với Đại hội VI. Đây là Đại hội Đảng toàn quốc đầu tiên ông được tham dự. Khi ấy ông mới 35 tuổi, là Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Hải Hưng. Đến bây giờ, hình ảnh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị Đại hội cho chính mình và đồng chí Trường Chinh được nghỉ công tác là hình ảnh mà ông nhớ nhất. Đó là ý nguyện của vị lãnh đạo vì dân vì nước, chuẩn bị cho cuộc chuyển giao thế hệ, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng.
Với việc đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Đại hội VI đã xoay chuyển tình hình, đưa đất nước đi lên. Những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội 35 năm qua khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; đất nước không bị chệch hướng, không xảy ra các cuộc khủng hoảng tiếp theo.
PV