Không phân biệt khi tuyển chọn, đãi ngộ tốt với nhân tài vào làm việc tại cơ quan Nhà nước
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 17:41, 27/01/2021
Từ nay đến năm 2025, tất cả các bộ ngành và địa phương đều phải có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc tại cơ quan Nhà nước. Đến năm 2030, tỷ lệ nhân tài làm lãnh đạo đạt tối thiểu 2%, làm chuyên môn, nghiệp vụ tối thiểu 10%.
Đây là một trong những chỉ tiêu cụ thể dự thảo chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến hoàn thiện đến ngày 7.2.
Theo dự thảo, thu hút, trọng dụng nhân tài trong thời gian tới không phân biệt nhân tài là đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho nhân tài được cống hiến và đãi ngộ xứng đáng với kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Từ năm 2021-2025,100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp tình hình thực tiễn.
Chính sách thu hút phải có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững như: chính trị và quản lý điều hành nhà nước; khoa học, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, cơ sở dữ liệu, tự động hóa…; giáo dục; y tế; công nghệ sinh học; văn hóa, thể thao…
Từ năm 2026 đến năm 2030, mục tiêu dự thảo đặt ra là 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2-5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10-15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% nhân tài trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo Bộ Nội vụ, sự cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao giữa Nhà nước với các doanh nghiệp ngày càng gay gắt do doanh nghiệp có chính sách đãi ngộ tốt và cao hơn. Trong khi số lượng lao động có trình độ và chất lượng cao không nhiều dẫn đến tình trạng các địa phương, các khu vực Nhà nước với các thành phần kinh tế khác liên tục đưa ra các chính sách ưu đãi để thu hút.
Tại Hà Nội, có rất nhiều các công ty trong nước và nước ngoài có những chính sách thu hút và đãi ngộ rất tốt về đầu vào, tiền lương, vị trí công tác đối với những thủ khoa xuất sắc và các nhà khoa học. Còn ở Bình Dương, sự chênh lệch về thu nhập giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp khá lớn đã ảnh hưởng đên việc thu hút sinh viên có hộ khẩu tại tỉnh sau khi tốt nghiệp về tỉnh công tác, nhất là đối với một số ngành nghề như y tế, công nghệ thông tin.
Theo Bộ Nội vụ đánh giá, một trong những hạn chế trong việc thu hút nhân tài vào làm việc tại Nhà nước là do thiếu thống nhất nhận thức về nhân tài, việc xác định thế nào là người tài là một trong những khó khăn khi xây dựng chính sách thu hút. Ngoài ra, thiếu chỉ tiêu biên chế cũng là khó khăn trong việc tuyển dụng người tài vào nền công vụ.
Đặc biệt, nhiều nơi chỉ có chính sách thu hút ban đầu còn các chế độ, chính sách đãi ngộ chưa thực sự hấp dẫn. Chẳng hạn như ở Hà Nội, các chế độ, chính sách đối với đối tượng được tuyển dụng theo chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài không khác gì so với cán bộ được tuyển dụng theo các quy định khác, ngoài chính sách hỗ trợ ban đầu 20 tháng lương cơ bản, do vậy việc thu hút nhân tài còn gặp khó khăn. Quảng Nam cũng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ hàng tháng (ngoài lương) nên thu nhập hàng tháng của người được thu hút còn hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế trên, dự thảo được xây dựng theo phương châm “bốn tốt”, gồm: “Đãi ngộ tốt-Cơ hội thăng tiến tốt-Môi trường làm việc tốt-Để sáng tạo tốt” trong chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài.
Theo Vietnam+