Dấu ấn công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ XII: Bài 3: Chặn từ gốc thao túng quyền lực, chạy chức, chạy quyền

Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 07:03, 29/01/2021

Vấn nạn “chạy chức, chạy quyền” ngày càng trở nên phổ biến, là "lỗ hổng" trong công tác cán bộ, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng vào chế độ.

>>> Bài 1: Xây dựng Đảng về đạo đức - điểm sáng nổi bật


Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được những kết quả rất quan trọng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong ảnh: Cử tri TP Chí Linh nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tháng 10.2020

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác cán bộ của Đảng, nhiệm kỳ XII, lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền được đề cập trong một văn bản mang tính pháp quy của Đảng, Quy định 205-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành. Đây cũng là lần đầu một quy định chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

“Lỗ hổng” trong công tác cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, vì “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đảng ta trong quá trình hoạt động luôn chú trọng công tác cán bộ, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có đức có tài, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

Tuy nhiên, thực tế công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng cho thấy, một trong những vấn nạn nhức nhối, nổi cộm hiện nay, được đề cập trong các văn kiện Đại hội của Đảng, trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chính là “chạy chức, chạy quyền”. Nhờ “chạy”, những kẻ cơ hội, đầu cơ chính trị đã chui sâu, leo cao vào các vị trí quan trọng trong tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước vấn nạn đang đánh thẳng vào khâu trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng, tại Hội nghị lần thứ 7 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ, cần đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền.

Đánh trúng vấn đề nhức nhối

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “... hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm". Điều này cho thấy vấn đề chống chạy chức, chạy quyền đã được chú trọng thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ.

Để lấp "lỗ hổng" trong công tác cán bộ, ngăn chặn từ gốc những mầm mống thao túng quyền lực, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Theo đánh giá của Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 đã đi trúng vào những vấn đề nhức nhối trong công tác cán bộ tồn tại suốt nhiều nhiệm kỳ qua. Lần đầu tiên trong một văn bản mang tính pháp quy của Đảng đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền; các hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và chế tài, hình thức xử lý.

Việc ban hành, thực thi nghiêm túc Quy định 205-QĐ/TW là hành động quyết liệt của Đảng trong nhiệm kỳ XII để chống lại vấn nạn tồn tại từ rất lâu, được chỉ ra trong nhiều văn bản của Đảng, đó là tệ thao túng quyền lực, chạy chức, chạy quyền. Việc làm này càng có ý nghĩa đặc biệt trong công tác nhân sự tại Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hoàn thiện thể chế, pháp luật phòng chống tham nhũng

Trong nhiệm kỳ XII, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Để phòng chống tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật đã có bước tiến mới quan trọng; từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định để tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương...

Quốc hội, Chính phủ xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp luật để hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, từng bước khắc phục những sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật là nguyên nhân phát sinh tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”. 

Năm 2018, Quốc hội ban hành Luật Phòng chống tham nhũng gồm 10 chương, 96 điều, thay thế cho Luật Phòng chống tham nhũng số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13. So với luật trước đây, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 có rất nhiều quy định mới, từ những thay đổi về cách tiếp cận trong việc xác định khu vực tập trung phòng chống tham nhũng cho đến thiết lập các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1.7.2019 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tham nhũng.

Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đã có được những kết quả rất quan trọng, nhất là xử nghiêm minh những vụ tham nhũng lớn, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Theo TTXVN
Kỳ sau: Siết chặt kỷ cương trong Đảng