Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là lựa chọn đúng đắn
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:03, 30/01/2021
Không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị ở cả trong nước và nước ngoài thường xuyên chống phá Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân ta. Chúng vẫn xuyên tạc rằng không có nền kinh tế nào là nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN; KTTT, các quy luật của KTTT và định hướng XHCN là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; ghép định hướng XHCN vào KTTT là sự gán ghép chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học. Có người còn “kiến nghị”: “Nếu bỏ, không có cái đuôi “định hướng XHCN” thì kinh tế đất nước sẽ phát triển nhanh hơn”...
Những luận điệu như trên tác động đến một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân, làm một số người băn khoăn, nghi ngờ, ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội; làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Thực tiễn đã chứng tỏ sự lựa chọn đúng đắn của Việt Nam. Trong “bầu trời u ám” kinh tế thế giới năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng đáng ghi nhận và tự hào. Lý giải nguyên nhân dẫn đến thành công này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, có nguyên nhân quan trọng từ mô hình thể chế KTTT định hướng XHCN. Mô hình này tỏ rõ hiệu quả về khả năng tự chủ, tự cường, phản ứng chính sách và phản ứng thị trường đồng bộ. Với nguyên tắc quyền lực Nhà nước là tập trung, thống nhất đã giúp cho chính quyền Trung ương có đủ sức mạnh và có đủ thẩm quyền để ban hành quyết định nhanh chóng cho toàn hệ thống. Đây là một ưu thế rất lớn trong cuộc chiến chống dịch khi chính quyền Trung ương được điều hành bởi những người có năng lực và quyết đoán. Mô hình phân quyền của một số nước cho thấy việc ban hành các quyết định cần thiết đã bị chậm trễ hơn nhiều.
Có thể nói thể chế KTTT định hướng XHCN đã là cơ sở để Việt Nam hoàn thành "mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch thành công, vừa tập trung nguồn lực phát triển kinh tế.
Hãng BBC ngày 12.1.2021 đã khẳng định: “Việt Nam đã xử lý kiên quyết, chặt chẽ và ngay từ đầu với đại dịch Covid-19, nhờ đó hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Như là một thắng lợi kép, Việt Nam đã phát triển kinh tế trở lại trong khi thế giới còn đầy rẫy khó khăn...”. Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) thì dự báo với khả năng hồi phục và bật dậy nhanh chóng sau dịch Covid-19, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2023 và là nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia vào năm 2035.
Những đánh giá của các tổ chức quốc tế, cơ quan thông tấn quốc tế và các con số thống kê đã minh chứng cho hiệu quả của việc phát triển KTTT định hướng XHCN của Việt Nam và khẳng định “lời khuyên” của những người muốn Việt Nam đi chệch đường là không có cơ sở về thực tiễn.
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã xác định để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới, cần thực hiện thật tốt hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có "Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Để đấu tranh có hiệu quả trước những luận điệu sai trái nói trên, một mặt chúng ta vẫn tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN. Trong đó cần ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là các thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học-công nghệ.
Mặt khác phải kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai lầm của các thế lực thù địch. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần có quan điểm vững vàng, kỹ năng tiếp nhận, xử lý thông tin một cách khoa học trong thời đại bùng nổ thông tin; kiên định, tỉnh táo, không chia sẻ, bình luận những loại thông tin xấu độc, xây dựng cho được “hệ miễn dịch” trước thông tin xấu độc...
ĐỖ PHÚ THỌ