Vitamin D có thể giúp ngăn ngừa nhiễm COVID-19?
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:39, 31/01/2021
Cần thận trọng khi dùng vitamin D để ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19
Cách đây một tuần, 73 bác sĩ chuyên khoa và 6 hội chuyên ngành ở Pháp đã cùng đưa ra lời kêu gọi ngoài tiêm chủng vắcxin và tôn trọng các biện pháp giãn cách thì cần phải kê đơn thêm vitamin D. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác đề nghị nên thận trọng.
Dữ liệu dẫn chứng không qua thực nghiệm
73 bác sĩ đề nghị vitamin D là chất bổ trợ hữu ích nên được sử dụng để ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 và đặc biệt tránh mắc COVID-19 thể nặng.
Các lập luận giải thích như sau: vitamin D giữ vai trò trong hoạt động của hệ miễn dịch, 40 - 50% dân số Pháp đang thiếu vitamin D, nhiều nghiên cứu đã chứng minh người có nguy cơ thiếu vitamin D cũng dễ mắc bệnh thuộc dạng nghiêm trọng.
Tạp chí UFC-Que choisir của Hiệp hội Người tiêu dùng (Pháp) ghi nhận trên thực tế các lập luận nêu trên không dựa vào dữ liệu chính xác.
Ngay chính các tác giả ký tên vào lời kêu gọi cũng thừa nhận chưa có bằng chứng thuyết phục về hiệu quả của vitamin D, các thử nghiệm lâm sàng vẫn đang tiếp diễn và các thử nghiệm tiến hành trên nhiều bệnh nhiễm khác đã cho kết quả trái ngược nhau.
Các nghiên cứu được 73 bác sĩ trích dẫn thường là bài viết đồng thuận của các chuyên gia và các nghiên cứu không qua thực nghiệm.
TS dược học François Maignen (Anh) giải thích: "Các dữ liệu chủ yếu được lấy từ các nghiên cứu đã quan sát thấy mối liên quan giữa sử dụng liều thấp vitamin D với sự xuất hiện của các bệnh nhiễm.
Cách liên kết này không thể dẫn đến bất kỳ kết luận nào về hiệu quả của vitamin D trong điều trị hoặc phòng ngừa nhiễm COVID-19. Sẽ hữu ích hơn nhiều nếu có dữ liệu thực nghiệm căn cứ vào thử nghiệm lâm sàng hơn là ý kiến các chuyên gia".
Khoa bệnh nhiễm chưa từng đề xuất dùng vitamin D trong điều trị bệnh nhân COVID-19
Coi chừng quá liều vitamin D!
Dù vậy, GS bệnh nhiễm Jean-Paul Stahl ghi nhận đến nay khoa bệnh nhiễm chưa từng đề xuất dùng vitamin D trong điều trị COVID-19 và từ lúc khám phá vitamin D vào năm 1920 đến nay có rất nhiều thử nghiệm được thực hiện nhưng hiếm khi đưa ra kết luận thuyết phục.
Hiệp hội Dược lý và trị liệu Pháp (SFPT) đã phát thông báo khẳng định bằng chứng chưa đầy đủ và "không khuyến khích bổ sung vitamin D có hệ thống để bảo vệ nhiễm COVID-19".
Tại Mỹ và Anh, các cơ quan y tế cũng có cùng quan điểm.
TS François Maignen kết luận: "Tôi cho rằng còn quá sớm, vô ích và thậm chí nguy hiểm khi khuyến cáo sử dụng vitamin D trong chỉ định. Phải chờ kết quả các thử nghiệm lâm sàng đang tiến hành mới có thể kết luận vấn đề này".
Ông nhấn mạnh: "Vitamin D được mô tả là an toàn nhưng trên thực tế không phải vậy. Nó không thải trừ qua đường tiểu nên có nguy cơ quá liều, từ đó làm tăng canxi máu hoặc gây sỏi thận. Do đó, sử dụng liều lượng bao nhiêu phải theo hướng dẫn của bác sĩ".
Học viện Y khoa Pháp khuyên chỉ đối với bệnh nhân cao tuổi mới cần bổ sung vitamin D một khi đã chẩn đoán nhiễm COVID-19, còn các thành phần khác thì không.
Ngày 28.1, Hội đồng Y tế cấp cao (CSS) của Bỉ ra thông báo khẳng định các loại vitamin và khoáng chất không phải là phương pháp thần kỳ chống lại SARS-CoV-2. CSS nhấn mạnh nhiều nghiên cứu về vitamin D và/hoặc kẽm đã được tiến hành nhưng không đưa ra kết quả thực sự thuyết phục. Tại cuộc họp báo hôm sau, TS Yves Van Laethem giải thích vitamin D hoặc kẽm là hai nguyên tố quan trọng đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, nhưng không phải là thuốc thần kỳ trong ngăn ngừa hay điều trị COVID-19 cũng như các bệnh lý khác. |
Theo Tuổi trẻ