Người mắc COVID-19 không có triệu chứng sẽ không làm lây nhiễm?
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:14, 31/01/2021
Virus SARS-CoV-2 (màu vàng) bám trên bề mặt tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm - Ảnh: NEWS-MEDICAL.NET
Thay vì phong tỏa toàn dân, chỉ cần cách ly những người mắc bệnh COVID-19 có bộc lộ triệu chứng. Báo France Soir (Pháp) đề nghị như trên và dẫn chứng bằng bài viết của TS Gérard Delépine.
Bài viết trích dẫn "một nghiên cứu của Trung Quốc trên 10 triệu người" đi đến kết luận "người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng sẽ không lây bệnh, vì vậy không cần cách ly"!
Nghiên cứu trên 10 triệu người ở Trung Quốc là sự kiện có thật, do ba nhà khoa học tại Đại học Khoa học kỹ thuật Hoa Trung ở Vũ Hán (còn gọi là Hoa Trung Đại) thực hiện và được công bố trên tạp chí Nature Communications (Anh) ngày 20.11.2020.
Chính xác là có 9.899.828 người từ 6 tuổi trở lên được lấy mẫu xét nghiệm từ ngày 14.5 đến 1.6.2020 để đánh giá tác động của biện pháp phong tỏa đối với quá trình lây lan dịch.
Cuộc sàng lọc quy mô lớn này được thực hiện vào thời điểm COVID-19 hầu như không còn phát tán rộng rãi trong khu vực.
Điều này giải thích vì sao trong gần 10 triệu người mà chỉ có 300 người có kết quả dương tính, trong đó 107 người dương tính nhưng không bộc lộ triệu chứng.
Công tác truy vết cho thấy không ai trong 1.174 người tiếp xúc gần với 107 người này bị nhiễm virus.
Từ kết quả này, báo France Soir đưa ra suy diễn "những người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng sẽ không lây nhiễm cho ai".
Báo Le Monde vì thế dẫn lời các chuyên gia Pháp khẳng định nhiều nghiên cứu khoa học đã kết luận bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng ít lây nhiễm hơn người có triệu chứng nhưng vẫn lây nhiễm, thậm chí còn lây nhiễm ở mức cao trong giai đoạn trước khi có triệu chứng.
TS Guy Gorochov phụ trách Trung tâm Miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm (CIMI-Paris) giải thích: "Chúng ta đã biết những người không có triệu chứng có tải lượng virus thấp hơn, do đó truyền virus ít hơn, vì vậy ít ca nhiễm bệnh khác được phát hiện xung quanh họ".
Người mắc COVID-19 không có triệu chứng vẫn có thể lây. Xét nghiệm truy vết ở Bắc Kinh ngày 26.1 - Ảnh: REUTERS
Một nghiên cứu ở Singapore được thực hiện trên 628 người nhiễm SARS-CoV-2 bị cách ly và 3.790 người tiếp xúc gần với các ca này.
Kết quả công bố trên tạp chí The Lancet khẳng định mức độ lây lan của những người có triệu chứng cao gấp 3,85 lần so với người không có triệu chứng. Tuy nhiên, một bệnh nhân không có triệu chứng vẫn lây nhiễm cho 50 ca tiếp xúc gần.
TS Guy Gorochov cảnh báo giai đoạn trước khi có triệu chứng thậm chí là giai đoạn dễ lây lan nhất. Đây là lúc người mắc bệnh mới bắt đầu nhiễm khi các triệu chứng sốt, ho, đau cơ chưa xuất hiện.
Theo quan điểm dịch tễ học, giai đoạn này rất đáng sợ. Giảng viên Mircea Sofonea chuyên về dịch tễ học và tiến hóa bệnh truyền nhiễm tại Đại học Montpellier (Pháp) cho biết một nghiên cứu vào tháng 4.2020 đã cho thấy 44% số ca lây nhiễm xảy ra trong giai đoạn này.
GS dịch tễ học Mahmoud Zureik tại Đại học Versailles-Saint-Quentin-en-Yvelines giài thích: "Điều khác biệt giữa SARS-CoV-2 và các virus khác là người mắc COVID-19 có thể lây nhiễm trong ba trường hợp gồm trước khi có triệu chứng, không có triệu chứng và từ 7-10 ngày sau khi triệu chứng xuất hiện".
Ngay chính các tác giả của nghiên cứu Trung Quốc đăng trên tạp chí Nature Communications cũng khẳng định cách ly người không có triệu chứng là biện pháp hữu ích theo quan điểm dịch tễ học.
Theo Tuổi trẻ