Những "người lính áo trắng" trên tuyến đầu chống dịch

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:30, 04/02/2021

Họ là những cán bộ, nhân viên, sinh viên ngành y tế đã và đang đối mặt với sự vất vả, không ngừng nghỉ, dốc hết sức mình vì cộng đồng khi dịch Covid-19 bùng phát.


Các "chiến binh áo trắng" thầm lặng truy vết

Chạy đua với thời gian

Hơn 2 giờ chiều, chị Nguyễn Thị Lý, nhân viên khối y tế dự phòng của Trung tâm Y tế TP Chí Linh mới ăn vội cơm trưa. Đây cũng là khoảng thời gian ít ỏi chị Lý rời khỏi công việc trong suốt nhiều ngày qua, kể từ khi thành phố có ca bệnh Covid-19 đầu tiên.

"Thường thì mọi người hay thấy hình ảnh nhân viên ngành y tế mặc bảo hộ vất vả làm việc trong các khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc bệnh nhân Covid-19, nhưng ít ai nhắc đến công việc những người làm công tác y tế dự phòng trong thời điểm dịch bệnh hoành hành. Bởi chúng tôi vẫn mặc thường phục của ngành, ngồi làm việc bằng máy tính. Công việc của chúng tôi cũng rất vất vả, mệt mỏi, áp lực không thua kém gì các đồng nghiệp. Từ khi thành phố có dịch đến nay, đội thường phải làm 20 tiếng/ngày. Chỉ cần một giây chậm trễ là ngoài kia nguy cơ lây lan dịch bệnh lại tăng cao", chị Lý chia sẻ. 

Khi TP Chí Linh nhận thông tin có 1 ca dương tính là người địa phương xuất cảnh sang Nhật Bản thì những người đầu tiên bắt tay vào công tác chống dịch chính là đội y tế dự phòng. Họ lên các phương án thông báo với những nơi liên quan đến bệnh nhân, xây dựng kế hoạch truy vết, rà soát các trường hợp liên quan, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, đưa người đi cách ly, định hướng khoanh vùng dập dịch... Cứ thế, hàng núi công việc đổ về với họ sau mỗi lần thông báo có ca dương tính. Đã có người kiệt sức ngủ thiếp đi trên bàn làm việc.


Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm tại tâm dịch Chí Linh 

Dịp này, bác sĩ Nguyễn Văn Kiên công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được tăng cường làm việc tại bệnh viện dã chiến số 2 tại Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Khi tiếp nhận những ca bệnh dương tính đầu tiên chuyển đến, bác sĩ Kiên cùng đồng nghiệp tổ chức sàng lọc, phân luồng, giám sát các quy trình chống nhiễm khuẩn y tế tại buồng bệnh. Bác sĩ Kiên cho biết việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 không quá khó khăn nhưng đòi hỏi người thầy thuốc phải có tâm lý vững vàng, bởi họ luôn phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm rất cao.


Không ngại lao vào tâm dịch

Trong cuộc chiến này còn có sự đóng góp thầm lặng của những sinh viên ngành y. Bạn Phạm Văn Lương quê ở Thanh Hóa là sinh viên năm thứ 3 Khoa Phục hồi chức năng của Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương.
Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, Lương cùng nhiều sinh viên trong trường đã tình nguyện ở lại hỗ trợ lực lượng chức năng phòng chống dịch theo lời kêu gọi của trường. Công việc của Lương là truy vết những bệnh nhân dương tính với Covid-19 (F0) để hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Khi cán bộ y tế chuyển danh sách cần truy vết ca F0, cả đội nhanh chóng gọi điện đến từng nơi liên quan đến bệnh nhân xác minh thông tin, từ lịch trình đi lại, tiếp xúc của F0 đến F1, F2. Lương nhanh chóng gạt đi những công việc khác, tập trung cao độ vào truy vết, không kể giờ giấc, thậm chí quên ăn, quên uống. "Công việc này đòi hỏi nhanh nhưng phải chính xác, vì mỗi thông tin đều là một dữ liệu quan trọng. Nếu làm sai sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người", Lương cho biết. Trong quá trình xác minh, nhiều bệnh nhân không nhớ mình đã đi đến đâu, cả đội phải truy từng thông tin sau đó tổng hợp lại thành một hệ thống thông tin chuẩn nhất.


Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm cho người dân cách ly tập trung tại Trường THCS Nguyễn Trãi (Nam Sách)

Sau một ngày mệt mỏi, sinh viên Long A Tiến quê ở Hà Giang vẫn không quên gọi điện về cho bố mẹ. Tết này Tiến đã báo cho bố mẹ không về mà ở lại Hải Dương để hỗ trợ ngành y chống dịch. Tiến là sinh viên khoa xét nghiệm của Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương nên công việc hiện tại gắn liền với chuyên môn đó là lấy mẫu xét nghiệm. Trước diễn biến phức tạp của dịch, CDC tỉnh đã huy động sinh viên của trường đi lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Mỗi ngày, Tiến cùng các bạn đến một địa phương khác nhau để lấy mẫu, hôm thì đến Chí Linh, hôm đi Nam Sách, Kim Thành. Biết là nguy hiểm nhưng là một sinh viên trường y, Tiến luôn nêu cao tinh thần vì sức khỏe cộng đồng, không ngần ngại lao vào tâm dịch.

Mỗi lần lấy mẫu, với người trẻ thì nhanh nhưng với trẻ em và người già khó khăn hơn. Trẻ nhỏ thường quấy khóc, không phối hợp. Mỗi trẻ như vậy phải có vài người giữ chặt mới lấy được mẫu. Hệ hô hấp của người già yếu nên khi đưa dụng cụ vào mũi lấy mẫu nhiều người bị ho, sặc, khạc đờm có khi không kiểm soát được bắn thẳng vào nhân viên lấy mẫu. Nhiều người phải lấy lại nhiều lần mới được. Thế nên, dù vệ sinh kỹ càng nhưng trong lòng Tiến đôi lúc có một thoáng lo lắng vì mình có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào. Tiến chia sẻ: "Dù có mệt nhưng tôi sẽ cố gắng, góp sức mình cùng các bạn đồng hành đánh bay dịch Covid-19".  Với Tiến, đây vừa là niềm tự hào, vừa là một chuyến thực tập thiết thực, bổ ích, nâng cao tay nghề. Vẫn còn rất nhiều địa phương chúng tôi phải đến. Nhiều người đang mong được lấy xét nghiệm từng ngày".

Anh Vũ Đình Hùng, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cho biết trong đại dịch này có 156 sinh viên được huy động lấy mẫu xét nghiệm; 33 sinh viên truy vết F0; 19 sinh viên tình nguyện tham gia kiểm soát nhiễm khuẩn tại khu cách ly tập trung của Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế; 20 sinh viên tăng cường cho khu cách ly tập trung ở Chí Linh. Ngoài ra còn gần 200 sinh viên dự bị sẵn sàng khi được điều động.
Dù là bác sĩ hay sinh viên thì mỗi ngày họ đều nỗ lực hết mình để sớm kiểm soát dịch để cuộc sống trở lại bình thường như trước. 


NGUYỆT NGA