Gỡ khó tiêu thụ rau màu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:00, 05/02/2021
Nông dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng) thu hoạch cà rốt
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến nay toàn tỉnh còn gần 8.000 ha rau màu chưa thu hoạch, tập trung ở thị xã Kinh Môn (3.700 ha), các huyện Cẩm Giàng (400 ha), Kim Thành (300 ha), Tứ Kỳ (200 ha), Gia Lộc (200 ha)... Thị trường tiêu thụ rau màu của tỉnh chủ yếu là các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình... Khi dịch Covid-19 bùng phát, việc vận chuyển hàng hóa ra ngoài tỉnh tiêu thụ gặp khó vì một số địa phương thực hiện phương án cấm người và phương tiện của Hải Dương lưu thông để phòng chống dịch. Trong khi đó, đặc trưng của rau màu mang tính thời vụ, nếu để quá lứa sẽ ảnh hưởng tới chất lượng. Do đó, việc tiêu thụ rau màu trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến rau màu của tỉnh xuống giá nhanh.
Nếu như tháng trước, người dân Gia Lộc vẫn kỳ vọng về vụ rau Tết được mùa, được giá thì hiện tại họ chỉ mong bán được số lượng rau màu đang đến kỳ thu hoạch. Ông Lê Văn Am vừa là người trồng vừa là người thu mua su hào, cải bắp, su lơ cho bà con ở xã Lê Lợi cho biết: "Hiện chúng tôi chỉ xuất được cải bắp, su hào vào các tỉnh miền Trung nhưng giá mua cũng chỉ từ 1.500-2.000 đồng/kg, giảm từ 4.000 - 5.000 đồng so với thời điểm trước dịch. Còn su-lơ tại huyện chủ yếu tiêu thụ ở Quảng Ninh mà tỉnh này đang thắt chặt việc đi lại từ nơi khác tới nhất là vùng dịch Hải Dương nên hầu hết su lơ chỉ bán tại chỗ".
Cũng theo ông Am, trên thực tế việc tiêu thụ rau màu không thuận thì thương lái bị thiệt hại nhiều hơn người trồng. Bởi thường thì người mua muốn giữ mối đều phải đặt tiền cọc cho nông dân. Trước lúc xảy ra dịch, giá bán các loại rau rất cao, thương lái phải cọc nửa số tiền, khoảng 4 - 5 triệu đồng/sào, nếu không mua coi như mất cọc. Ông Am nói thêm;"Dịch bệnh bất ngờ ập tới, hàng hóa không lưu thông được nên người mua và người trồng cũng chia sẻ với nhau để giảm lỗ. Vì là mối làm ăn quen nên có hộ trả lại toàn bộ hoặc một nửa số tiền cọc và tự tìm cách tiêu thụ. Điều này không ai mong muốn cả". Bà Tăng Thị Hạnh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Gia Lộc thông tin do thời điểm này trùng với lịch sản xuất vụ chiêm xuân nên số lượng rau màu đến kỳ thu hoạch trên địa bàn không còn nhiều. Đáng lo nhất là 200 ha rau màu cho thu hoạch vào thời điểm sau Tết của huyện. Nếu lúc đó dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát thì việc mua bán mới khó khăn vì hiện vẫn chưa có thương lái nào đặt mua diện tích này.
Toàn tỉnh còn dư khoảng 100.000 tấn rau củ quả
Tại xã Đức Chính (Cẩm Giàng), việc mua bán, tiêu thụ cà rốt vẫn diễn ra bình thường nhưng giá bán giờ chỉ còn 5.000 - 5.5000 đồng/kg, giảm từ 1.000 - 1.500 so với thời điểm trước dịch và việc vận chuyển cũng khó khăn hơn. Theo ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã, không những trồng tại địa phương mà người dân Đức Chính còn trồng ở nhiều khu vực khác trong tỉnh là Chí Linh, Nam Sách, Ninh Giang và một số tỉnh ngoài.. Vì thế, người dân lo lắng nhất là việc vận chuyển cà rốt ở khu vực bị phong tỏa. Hàng nông sản nếu không đem đi ngay thì sẽ hỏng và khó tiêu thụ. Hiện tại, việc vận chuyển đã được tháo gỡ song vẫn chưa thuận lợi nên bà con vẫn lo ngại.
Ở các xã khu C của huyện Kim Thành, rau màu chủ yếu được bán ở tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng. Sau khi tỉnh có văn bản đề nghị 2 địa phương tạo điều kiện cho rau màu của nông dân Hải Dương được vào địa bàn thì thay vì cấm như trước, họ đã nới lỏng hơn song vẫn kiểm soát chặt nên cũng ảnh hưởng tới việc tiêu thụ sản phẩm. "Hiện bà con đang bán từ 4 - 5 triệu đồng/sào su hào, từ 4.000 - 5.000 đồng/kg củ đậu, từ 8.000 - 10.000 đồng/kg rau ăn lá. Giá có thấp hơn nhưng không còn bí đầu ra. Lượng tiêu thụ cũng giảm 50% so với trước", ông Nguyễn Đăng Bậc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đồng Cẩm cho biết.
Hiện nay, ngoài lượng rau màu phục vụ nhu cầu trong tỉnh thì Hải Dương còn dư khoảng 100.000 tấn rau, củ, quả. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới việc tiêu thụ, Sở NN-PTNT đã thực hiện nhiều giải pháp. Ngoài trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp, đầu mối thu mua nông sản, sở đã đề nghị các địa phương quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp vận tải lưu thông hàng hóa nếu bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch. Đề nghị ngành y tế ưu tiên xét nghiệm và cấp giấy xác nhận cho lái xe chở nông sản đi tiêu thụ thuận lợi. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trong tỉnh hạn chế nhập nông sản ngoài tỉnh, tăng cường thu mua, dự trữ nông sản của tỉnh. Đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi ép giá nông sản để trục lợi...
PV