Hạ viện Mỹ thông qua khoản ngân sách mở đường cho gói cứu trợ COVID-19

Tin tức - Ngày đăng : 06:27, 06/02/2021

Động thái trên diễn ra sau khi Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua dự thảo ngân sách này. Đây không phải là một điều luật và không yêu cầu có chữ ký của Tổng thống.


Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế NYU Langone ở New York, Mỹ, ngày 8.1.2021

Hạ viện nước này ngày 5.2 đã thông qua một dự thảo ngân sách cho phép đảng Dân chủ thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD theo đề xuất của Tổng thống Joe Biden mà không cần sự ủng hộ của một số thành viên đảng Cộng hòa.

Động thái trên diễn ra sau khi Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua dự thảo ngân sách này. Đây không phải là một điều luật và không yêu cầu có chữ ký của Tổng thống.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Joe Biden tuyên bố ông phải “hành động khẩn trương” để thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua một gói kích thích kinh tế nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, ngay cả khi không cần đến sự đồng thuận của đảng Cộng hòa, bởi vì nhiều người Mỹ đang ở tiệm cận “ngưỡng nguy kịch.”.

Ngoài ra, cũng trong ngày 5.2, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết sau một cuộc họp tại Nhà Trắng với Tổng thống Biden, bà hy vọng Hạ viện có thể gửi một dự luật về gói kích thích kinh tế nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đến Thượng viện trong vòng 2 tuần tới.

Phát biểu trước các phóng viên, bà Pelosi cũng cho rằng một dự luật điều chỉnh ngân sách là cần thiết để đảm bảo kết quả của việc giảm thiểu tác động của dịch bệnh COVID-19.

Ngày 14.1, ông Biden đã công bố gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD, bao gồm 415 tỷ USD để cải thiện khả năng ứng phó dịch bệnh và triển khai vắcxin ngừa COVID-19, 1.000 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp các gia đình và khoảng 440 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Mỗi người dân Mỹ dự kiến nhận được 1.400 USD theo gói cứu trợ. Tuy nhiên, gói cứu trợ này đã vấp phải sự phản đối từ các thành viên đảng Cộng hòa khi đảng này chỉ muốn tìm kiếm một thỏa thuận nhỏ hơn nhiều, khoảng 600 tỷ USD, do lo ngại gói cứu trợ của đảng Dân chủ sẽ làm gia tăng nợ công của Mỹ.

Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden ngày 5.2 thông báo rằng Lầu Năm Góc đã thông qua việc triển khai 1.100 binh sỹ tại ngũ để hỗ trợ những nỗ lực tiêm chủng vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Cố vấn cấp cao về dịch COVID-19 của Nhà Trắng Andy Slavitt nhấn mạnh, một phần của lực lượng này sẽ bắt đầu tới bang California trong vòng 10 ngày tới.

Trước đó, Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) đã yêu cầu Lầu Năm Góc sẵn sàng điều khoảng 10.000 binh sỹ để hỗ trợ các địa điểm tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 trên toàn quốc, nhằm mục tiêu tiêm chủng được 45.000 mũi vắcxin ngừa COVID-19 trong 1 ngày.

Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, Chính phủ liên bang dự kiến thiết lập 50 điểm tiêm chủng "quy mô khủng" có khả năng tiêm 6.000 mũi/ngày, cùng với 50 điểm tiêm chủng "lớn" có thể tiêm 3.000 mũi/ngày.


Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế NYU Langone ở New York, Mỹ, ngày 8.1.2021

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Biden cùng ngày tuyên bố ông phải “hành động khẩn trương” để thúc đẩy Quốc hội thông qua một gói kích thích kinh tế nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, ngay cả khi không cần đến sự đồng thuận của đảng Cộng hòa, bởi vì nhiều người Mỹ đang ở tiệm cận “ngưỡng nguy kịch”.

Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden nêu rõ: “Tôi nhận thấy nỗi đau lớn tại đất nước này, nhiều người mất việc làm, nhiều người đang đói. Tôi tin rằng người Mỹ đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và do đó tôi sẽ hành động khẩn trương.”

Những động thái và phát biểu trên đã được Tổng thống Biden cùng các quan chức cấp cao của Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành và tác động nghiêm trọng đến nước Mỹ trong nhiều lĩnh vực.

Ngày 5.2, Cơ quan Quản lý An ninh giao thông vận tải (TSA) đã đề nghị tăng mức phạt có thể từ 250 đến 1.500 USD về hành vi vi phạm nhiều lần đối với yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc của chính phủ liên bang được công bố gần đây.

Trong một tuyên bố, TSA cho biết mức phạt cụ thể sẽ dựa trên các yếu tố có liên quan. Vào cuối tuần qua, TSA được ủy quyền áp dụng hình phạt đối với những hành khách không tuân thủ các yêu cầu mới về việc đeo khẩu trang trên hệ thống giao thông công cộng của Mỹ. 

Ông Darby LaJoye, một quan chức cấp cao của TSA cho biết biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan hơn nữa của đại dịch COVID-19 và khuyến khích phản ứng thống nhất của chính phủ, đồng thời coi biện pháp này là điều cần thiết để bảo vệ cho lực lượng lao động của TSA, các bên liên quan và hành khách tham gia dịch vụ.

Vào ngày 21.1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan liên bang có hành động ngay lập tức bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, trước khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ban hành hướng dẫn yêu cầu đeo khẩu trang tại các trung tâm giao thông và trên phương tiện giao thông.

Các quy định mới yêu cầu người đi lại sử dụng bất kỳ phương tiện giao thông công cộng nào cũng phải đeo khẩu trang. Các quy định này sẽ có hiệu lực kéo dài đến tháng 5.2021.

Ngoài các hình phạt do TSA khuyến nghị, các nhà quản lý giao thông công cộng cũng có thể áp dụng hình phạt riêng đối với hành vi trên.

Theo chuyên trang thống kê worldometers.info, tính đến 14 giờ ngày 5.2 (giờ Mỹ), Mỹ đã ghi nhận 27.288.131 ca dương tính và 467.658 ca tử vong do SARS-CoV-2, trong đó, quân đội Mỹ có 225.753 ca dương tính và 252 ca tử vong do nhiễm chủng virus nguy hiểm này.

Theo TTXVN