Thưởng Tết giáo viên thời Covid
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 14:26, 07/02/2021
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giáo viên nhiều trường học trong tỉnh có thể không được thưởng Tết. Trong ảnh: Một buổi học ngoại khóa của cô và trò Trường Mầm non Liên Hồng, TP Hải Dương
Hiệu trưởng nhiều trường học khẳng định mức thưởng Tết của giáo viên năm nay sẽ thấp hơn mọi năm do năm qua, các trường phải chi một khoản khá lớn cho công tác phòng dịch Covid-19.
“Tết năm ngoái, mỗi người chúng tôi được nhà trường cho một suất quà cộng với 500.000 đồng tiền mặt. Vừa rồi nghe hiệu trưởng nói do ảnh hưởng của Covid-19 nên Tết này khả năng không có quà Tết làm ai cũng buồn”, một giáo viên ở TP Hải Dương chia sẻ.
Không có nguồn
Cô giáo Vũ Thị Thùy Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết Tết này, trường dự kiến thưởng cho mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng. Đây là số tiền mà trường đã cố gắng tiết kiệm chi tiêu nội bộ trong 1 năm vừa qua. “Gọi là có chút quà động viên các thầy cô sau 1 năm cống hiến vì công việc thôi chứ so với mức thưởng Tết của các ngành nghề khác thì thấy ngậm ngùi lắm”, cô Hương bộc bạch.
Nhưng không phải giáo viên trường nào cũng có được niềm an ủi như trên. Hiệu trưởng nhiều trường học ở TP Hải Dương, các huyện Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Gia Lộc khẳng định mức thưởng Tết của giáo viên năm nay sẽ thấp hơn mọi năm. Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) thông tin năm ngoái trường có một phần quà trị giá 300.000-400.000 đồng động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên dịp Tết. Năm nay, tình hình khó khăn hơn, trường sẽ cố gắng huy động các nguồn tiết kiệm để tặng mỗi người một phần quà nhưng chắc chắn không thể bằng Tết năm ngoái.
Một số cơ sở giáo dục còn chưa biết lấy đâu ra nguồn để tặng quà Tết cho giáo viên. Ngân sách nhà nước giao cho các trường chủ yếu chi cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và trả lương, không có khoản nào chi thưởng Tết. Trường nào cũng có Quỹ “Cha mẹ học sinh” nhưng không được phép chi cho giáo viên mà chỉ để phục vụ chăm lo cho học sinh. Mọi năm các trường còn có tiền tiết kiệm từ chi tiêu nội bộ để tặng quà Tết động viên các thầy cô. Năm nay do dịch Covid-19, nhiều trường phải lắp đặt thêm bồn rửa tay, mua khẩu trang, nước sát khuẩn, xà phòng. Không ít trường phải đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất để bảo đảm điều kiện giảng dạy, học tập và xây dựng trường chuẩn quốc gia... nên gần như không có khoản tiết kiệm. Do dịch bệnh, học sinh phải nghỉ học dài, nhà trường không thu học phí. Giáo viên chỉ ở nhà dạy trực tuyến, đồng nghĩa với việc ngoài lương họ không có thêm các khoản thu nhập từ dạy buổi 2, tiền thừa giờ…
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiệu (TP Hải Dương) Vũ Thị Thanh Huế chia sẻ: “Tết năm ngoái trường cũng có một phần quà và vài trăm nghìn đồng động viên các thầy cô. Năm nay tình hình khó khăn nên Tết đã cận kề rồi mà nhà trường chưa nhìn thấy có khoản nào để động viên các giáo viên”.
Năm 2020, các trường dân lập cũng phải đóng cửa nhiều tháng để phòng chống dịch Covid-19. Học sinh không đi học đồng nghĩa với việc không thể thu học phí. Có những đơn vị phải nợ hoặc tạm thời giảm lương đối với giáo viên. May mắn là nửa cuối năm 2020, tình hình dịch bệnh ở tỉnh ta được kiểm soát tốt nên các trường đón học sinh trở lại, nhưng so với năm trước thì nguồn thu đã giảm nhiều, kéo theo khoản thưởng Tết cũng sẽ sụt giảm. Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cho biết: “Năm ngoái mỗi giáo viên của trường được thưởng 2 triệu đồng. Năm nay do dịch, mức thưởng Tết có thể sẽ giảm”.
Bán hàng lấy tiền lo Tết
Với tình hình thưởng Tết năm nay, những giáo viên hoàn cảnh khó khăn không còn cách nào khác là phải tranh thủ làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống.
Một trong những nghề được không ít giáo viên lựa chọn là tận dụng mạng xã hội Facebook, Zalo để bán nhiều loại mặt hàng như quần áo, hải sản, bánh kẹo… Chị N. - một giáo viên ở huyện Tứ Kỳ cho biết từ cách đây 2 tháng, chị đã bắt đầu mở 1 “gian hàng” trên Facebook để bán các mặt hàng phục vụ Tết như miến dong, mộc nhĩ, vỏ ram (dùng để cuốn bánh đa nem), rươi. Chồng chị N. làm công nhân, thu nhập của 2 vợ chồng mỗi tháng chỉ được 9-10 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ nuôi 2 con đang tuổi ăn học và chi phí sinh hoạt hằng ngày. “Tết đến áp lực chi tiêu càng lớn nên tôi quyết định bán hàng. Trong giờ hành chính tôi đi dạy, buổi trưa và tối tranh thủ đi giao hàng. Cũng may nhiều người mua ủng hộ nên có thêm thu nhập”, chị N. nói.
Thế nhưng không phải giáo viên nào cũng đắt hàng như chị N. Cách đây 1 tháng, chị P. - một giáo viên tiểu học ở TP Hải Dương nghe lời bạn đã vay mượn gần chục triệu đồng nhập hạt bí, rượu, dầu ăn… về bán trên mạng xã hội để kiếm thêm tiền tiêu Tết. Ngày nào chị cũng đăng bài nhưng số lượng người đặt hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tết đã cận kề chị P. lại càng sốt ruột. “Ông xã tôi lương thấp. Mấy năm trước tôi còn dạy thêm ở nhà nên có thu nhập. Bây giờ không còn được dạy thêm nên ngoài lương với mấy khoản phụ cấp thì cũng chẳng có thu nhập gì. Nếu không bán hết đống hàng này chắc Tết năm nay cả nhà phải ăn dè hà tiện”, chị P. giãi bày.
BÌNH MINH