Nguy cơ thiếu máu điều trị dịp Tết

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 11:21, 09/02/2021

Đến ngày 7.2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn khoảng 30 đơn vị máu. Số lượng này chỉ có thể duy trì truyền máu cho người bệnh trong vài ngày.


Bác sĩ Thắng hiến máu trước đi vào "tâm dịch" TP Chí Linh

Nếu không có nguồn máu hiến, từ nay qua Tết Nguyên Đán, các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh sẽ không có máu phục vụ cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.

Người nhà, bác sĩ phải hiến máu

Bị bệnh ung thư đại tràng, điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ ngày 27.1, đến nay, bà Nguyễn Thị Lạp, 65 tuổi ở xã Gia Tân, Gia Lộc, đã phải truyền 2 đơn vị máu trong khi phẫu thuật. Trong dịp này, bệnh viện thiếu máu nên 2 con trai của bà Lạp đã hiến 2 đơn vị máu đổi với máu từ kho dự trữ để các y, bác sĩ truyền máu cho bà. Cũng như bà Lạp, con dâu của ông Phạm Ngọc Tụ, 65 tuổi ở xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, đang điều trị tại Khoa Ngoại 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phải hiến 1 đơn vị máu đổi cho bệnh viện để ông Tụ được truyền máu phẫu thuật.

Ngày 5.2, trước khi tăng cường cho bệnh viện dã chiến số 3 tại tâm dịch TP Chí Linh, bác sĩ Phạm Tuấn Thắng, 38 tuổi, công tác tại Khoa Nội tiết đã tranh thủ đến Khoa Huyết học lâm sàng – Truyền máu hiến 1 đơn vị máu. 

Việc người nhà bệnh nhân và các y, bác sĩ hiến, đổi máu là biện pháp tạm thời của Bệnh viện Đa khoa tỉnh với tình hình thiếu máu nghiêm trọng hiện nay. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào các y, bác sĩ cũng vận động được người nhà hiến máu vì lý do sức khỏe hoặc người nhà bệnh nhân ở khu vực cách ly không thể hiến nên tình hình thiếu máu ngày càng nghiêm trọng. Ngày 5.2, bệnh viện Đa khoa tỉnh còn khoảng 50 đơn vị máu, chỉ trong ngày 6.2 đã có 25 đơn vị được truyền cho bệnh nhân, trong đó chỉ có 4 bệnh nhân có người nhà hiến máu đổi lại cho bệnh viện. Bệnh viện chỉ còn khoảng 30 đơn vị,. Lượng máu này chỉ có thể duy trì truyền cho bệnh nhân trong vài ngày.

Do đâu?

Thực tế từ năm 2017 trở lại đây, lượng máu sử dụng tại các cơ sở y tế trong tỉnh dịp Tết Nguyên đán tăng dần theo từng năm. Cụ thể từ mùng 10 tháng Chạp đến mùng 10 tháng giêng các năm từ 2017- 2019, con số này lần lượt là 650, 751, 850. Năm nay dự kiến sử dụng 950 đơn vị máu. 

Trong tháng 1 trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều chương trình hiến máu tình nguyện (HMTN) tại huyện Tứ Kỳ, TP Hải Dương, huyện Thanh Miện, nhưng các chương trình này do các viện, bệnh viện trung ương thu nhận. 

Nguồn máu tiếp nhận được Bệnh viện Đa khoa tỉnh không chỉ sử dụng tại bệnh viện mà còn là đầu mối phân bổ máu để cấp cứu và điều trị cho tất cả các cơ sở y tế trong tỉnh. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh, lượng máu thu nhận các năm từ 2018 - 2020 là 12.150, 12.954, 15.089 đơn vị. Lượng máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận từ nguồn hiến nhân đạo lần lượt theo các năm là 5.371, 6.144, 6.266, 6.927 đơn vị, chỉ đáp ứng từ 43-53% nhu cầu sử dụng và phân bổ máu. Có thể thấy Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh chưa ưu tiên cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận nguồn máu nhân đạo so với các cơ sở y tế trung ương. 

"Tôi đề nghị thời gian tới Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh quan tâm ưu tiên cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận nguồn máu hiến tình nguyện, trước hết sớm tổ chức chương trình HMTN tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh để có nguồn máu phục vụ người dân trong dịp tết", thạc sĩ, bác sĩ Đặng Xuân Hoàng, Trưởng Khoa Huyết học lâm sàng - Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đề nghị.

VIỆT QUỲNH