Tết về, tặng lông công mong tài lộc cả năm

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 20:00, 09/02/2021

Thú chơi công hay trưng lông công vào dịp Tết thu hút nhiều người bởi theo quan niệm của dân gian, thứ lông này là biểu tượng cho sự hưng thịnh, mang lại tài lộc.


Các tiêu bản chim công bán với giá 25 triệu/con được một số người mua

Vào mỗi dịp cận Tết, trang trại nuôi công của anh Nguyễn Đình Quỳnh thu lãi cả trăm triệu đồng từ việc bán công và lông công.

Đa dạng sản phẩm

Trang trại nuôi công rộng 3.600 m2 của anh Nguyễn Đình Quỳnh 36 tuổi ở khu dân cư Ngư Uyên, phường Long Xuyên là trang trại nuôi công duy nhất của thị xã Kinh Môn.

Trước đây cứ vào khoảng 20 tháng Chạp, khách hàng sẽ đổ về đây đông nhất để mua công và lông công. Với người có kinh nghiệm bán công lâu như anh Quỳnh, lông công đẹp nhất là khi đã phát triển toàn diện, độ dài từ 20 - 120 cm, bề rộng của mắt công sẽ từ 4 - 6 cm. Tùy theo mục đích mà khách hàng mua số lượng sợi khác nhau. Nếu cắm để phòng khách, khách sẽ mua từ 30 - 50 lông, còn để ở phòng làm việc sẽ mua từ 55 - 108 lông. Mỗi con số đều có ý nghĩa riêng, ví như cắm 30 lông là "đại cát đại lợi", 55 lông sẽ là "Trường thọ - Phú quý - An khang" hay 108 lông sẽ là "thập toàn đại phát"...  

Giá công con thời điểm chưa có dịch là là 2 triệu đồng/cặp, công xanh từ 16 - 18 triệu đồng/cặp, công trắng từ 30 - 45 triệu đồng/cặp, công ngũ sắc 30 - 45 triệu đồng/cặp, chim trĩ 7 - 9 triệu đồng/cặp... Trong đó đắt nhất là chim công trắng, công ngũ sắc và chim trĩ 7 màu vàng. Riêng lông công, giá bán là 25.000/sợi. Theo thị hiếu người tiêu dùng, việc trưng lông công đang ngày càng phổ biến bởi phần đuôi chim công có các hình đồng tiền, tượng trưng cho tài lộc và may mắn, giá thành tương đối rẻ nên được ưa chuộng. Những năm trở lại đây, không cứ ngày Tết mà ngày thường nhiều người trưng ở phòng làm việc, cửa hàng kinh doanh... Đáp ứng nhu cầu của khách, trang trại của anh Quỳnh có sẵn nguồn hàng bán quanh năm. Tuy nhiên hai năm trở lại đây, anh chú trọng vào bán công hơn vì lượng lông công bán ra thị trường đang nhiều, ít người bán lại cho anh. Dịp Tết nguyên đán năm trước, trang trại của anh bán được 40 con chim công cho khách chơi và biếu quà, thu lãi trên 100 triệu đồng cả tiền bán công và lông công.

Trước khi Hải Dương ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng hồi tháng 1.2021, trang trại nuôi công của anh Quỳnh vẫn xuất được các chuyến hàng gửi đi trong tỉnh, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh… Khách chủ yếu mua lông công làm quà tặng đối tác, trưng nhà. Hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó khu dân cư Ngư Uyên lại bị phong tỏa nên trang trại của anh ảnh hưởng không ít. Dịp cận Tết là lúc khách hàng mua nhiều nhất thì nay các đơn hàng bị hoãn hoặc hủy.

Năm 2014, anh Quỳnh được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng dành cho những nhà nông trẻ xuất sắc

Kỳ công chăm sóc

Ngoài 100 con công, trang trại của anh Quỳnh còn nuôi 200 con chim trĩ, trên 10 con gà lôi. Khách mua hàng của anh chủ yếu là từ khu du lịch và nuôi trang trại, có đơn hàng trăm con. Khách mua chơi, mua lẻ thường từ 2-3 đôi. Năm 2020, riêng chim trĩ con anh bán được cả trăm triệu đồng. Tổng thu lãi từ trang trại trên 400 triệu/năm.

Từ năm 2019, anh Quỳnh đã bắt đầu nhân giống chim trĩ, vì nhiều người mua, giá từ 7 -9 triệu đồng/cặp. Hiện nay anh còn nhập giống chim trĩ từ nước từ Thái Lan, Đức... sau đó bán cho các trang trại. Những người mua con giống của anh đều được bao tiêu đầu ra sau này.

Quen việc nên anh chia sẻ "Việc nuôi chim công, chim trĩ dễ nên một người có thể quản lý hết. Buổi sáng tôi chỉ cần thay nước và đổ cám, trước kỳ giao mùa theo dõi chim có bệnh gì thì điều chỉnh thuốc. Chỉ mất một tiếng đồng hồ là xong việc thay nước và cho chim ăn".

Thế nhưng để được trơn tru như vậy là cả quá trình học hỏi và tích lũy kinh nghiệm suốt 10 năm qua. Cuối năm 2013, anh vay hơn 100 triệu để nhập công nhưng công chết gần hết. Anh tiếp tục vay vốn làm lại. Tháng 8.2019, trang trại của anh thiệt hại khoảng 1 tỷ  đồng vì chết 200 con chim trĩ, 30 con gà lôi.

"Tạm gác lại những thất bại, tôi nghĩ đến kinh nghiệm mình có 8 năm trời nên tiếp tục đi theo bởi làm kinh tế thì không nên nhát. Những con thường như gà, vịt dễ nuôi, dễ chăm, dễ bán đồng nghĩa dễ rủi ro về giá. Đường dễ thì mình không còn chỗ", anh Quỳnh nhớ lại.

Hiện anh Quỳnh đang tìm thêm đất xây trang trại khoảng 2.000 m2 để nuôi thiên nga.

HẢI HÒA