Tranh dân gian: Từ thú chơi ngày Tết đến nguồn sáng tạo bất tận

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 16:37, 13/02/2021

Do sự ngắt quãng lịch sử, xã hội và sự thay đổi thị hiếu của người dân, thú chơi tranh dân gian ngày Tết đã giảm hẳn, tuy nhiên tranh dân gian không hề biến mất mà chỉ chuyển hóa thành nhiều dạng khác.

Áo in hình ‘‘Xích hổ thần tướng’’ (tranh Hàng Trống), tranh ‘‘Tố nữ’’ trên 4 bức bình phong trang trí nhà, túi tote in hình ‘‘Lưỡng nghi sinh tứ tượng’’

Những năm trở lại đây, người ta được chứng kiến sự hồi sinh của nhiều giá trị văn hóa truyền thống với hơi thở của hiện đại.

Từ những loại hình nghệ thuật tưởng chừng không một chút liên quan, những pha “góp gạo thổi cơm chung” của xiếc-cải lương (“Cây gậy thần”, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam), nhạc điện tử-ca trù (nhóm Limebócx), nhạc điện tử, nhảy hip-hop và tuồng (“Sơn Hậu-Beyond the mountain”, dự án Lenngan)... đều gây chú ý mạnh mẽ.

Sự kết hợp giữa tranh dân gian hay các họa tiết mỹ thuật, trong đó được làm mới qua những sản phẩm thiết thực trong đời sống hiện đại, cũng không phải ngoại lệ. Đây chính là kết quả sáng tạo của lực lượng người trẻ năng động, sáng tạo với tinh thần tự hào dân tộc.

Tranh dân gian trong hơi thở hiện đại

“Phần lớn văn hóa đại chúng mà thế hệ 9X tiếp xúc từ trước tới nay đều từ Âu-Mỹ hoặc các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... Cá nhân tôi là một người chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa đại chúng phương Tây, nhưng luôn có cảm giác là một người ngoài cuộc khi tiếp nhận những đặc trưng văn hóa ấy” họa sỹ trẻ Nguyễn Xuân Lam chia sẻ.


Nguyễn Xuân Lam (áo vàng) trong một workshop hướng dẫn trang trí túi tote cá nhân bằng họa tiết dân gian

Là tác giả của loạt áo phông, áo nỉ in hình tranh dân gian và được các bạn trẻ yêu thích, ủng hộ nhiệt tình, anh nhận định: “Dường như mọi việc sẽ quay vòng. Chúng ta có xu hướng quay về những thứ thân thuộc với bản thân mình hơn - những giá trị truyền thống như dân gian”.

“Và hiện nay, sự tự hào với giá trị truyền thống của chúng ta dường như cũng đang tăng lên theo sự phát triển của đất nước, mọi người có vẻ hứng thú nhiều hơn với tranh dân gian hơn”, một họa sỹ trẻ nhận xét.

Ông Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cũng cho biết sau năm 1954, thói quen sắm tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ dần biến mất do nhiều lý do khác nhau; trong đó có sự thay đổi về thị hiếu, do chịu ảnh hưởng từ chiến tranh... khiến dần dần người dân mất đi thói quen này.

Quay trở lại ngày nay, tục chơi tranh có thể giảm nhưng nguồn cảm hứng từ tranh dân gian nói riêng, tư liệu dân gian nói chung thì không bao giờ biến mất. Nó chỉ chuyển hóa từ dạng tranh treo tường sang những sản phẩm với tính ứng dụng cao như áo phông, túi xách, tranh lụa, bức bình phong…


Tác phẩm tranh lụa ứng tác từ nguyên gốc ‘‘Cá chép trông trăng’’ được sử dụng như rèm cửa tại đình Nam Hương, Hà Nội

Bằng sự sáng tạo, lòng tự hào với truyền thống, các bạn trẻ không ngừng nhìn ra sự dồi dào của vốn văn hóa dân tộc, đặc biệt là ở các sản phẩm tranh vẽ dân gian.

Hãng quần áo Tired City tái hiện những bức tranh hay họa tiết tranh dân gian lên áo nỉ, áo phông, thiệp, ghim cài trang trí... hợp với thị hiếu người trẻ đã được quan tâm, yêu thích và nhiệt liệt đón mừng.

Tranh Tết xưa trong không gian nhà cổ

Trong tâm trạng của những ngày Tết, người ta tĩnh lại trong không khí hoài niệm. Đây chính là một dịp tốt để tìm hiểu về một thú chơi tranh dân gian đậm chất văn hóa Việt khi xưa.

“Ngày xưa, các món ăn tinh thần của người Việt không phong phú như bây giờ, để đón năm mới, mọi người lại trang trí nhà cửa cho đẹp. Từ đó dần hình thành phong tục mua tranh ngày Tết để tô điểm cho ngôi nhà”, bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, tác giả/chủ biên loạt sách về trang dân gian Kim Hoàng, Hàng Trống và Đông Hồ giải thích nguồn gốc của tục chơi tranh.


Đôi ảnh chim công-cá chép của dòng tranh Hàng Trống treo hai bên bàn thờ tại nhà cổ 87 Mã Mây

Hiện nay, mỗi dịp Tết đến lại là lúc để nhắc lại về tranh dân gian, đong đầy trong đó là quan niệm, mong ước của người Việt xưa về cuộc sống, thể hiện qua các dòng tranh Việt đồng thời đây cũng là dịp để chiêm ngưỡng những nét vẽ và gam màu “đằm” đặc trưng của tranh Việt.

Tại Hà Nội, các không gian nhà cổ được thành phố bảo tồn cũng được chọn là nơi trưng bày, lưu trữ nhiều bức tranh dân gian, gồm có nhà cổ 87 Mã Mây, 28 Hàng Buồm hay gần đây nhất là đình Nam Hương.

Bà Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết ba dòng tranh dân gian của khu vực phía Bắc là tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng đều có những nhóm khách hàng riêng của mình. Tranh Hàng Trống hướng đến nhu cầu chơi tranh cao cấp của tầng lớp thị dân, nhiều tác phẩm thuộc dòng tranh này được dùng làm tranh thờ.

Trong khi đó, người dân ở nông thôn thường chọn mua tranh Kim Hoàng và tranh Đông Hồ với những hình tượng gần gũi của gia súc, gia cầm, hình ảnh gắn liền với cuộc sống nông nghiệp. Tất cả đều gửi gắm những ý nghĩa tượng trưng, mong muốn tốt đẹp trong cuộc sống.


Tranh Kim Hoàng treo trưng bày tại nhà cổ 28 Hàng Buồm

Ví dụ cặp tranh chim công, cá chép đi đôi với nhau, công thể hiện mong muốn công thành danh toại còn cá đại diện sự sung túc, no đủ... Khi dùng với mục đích thờ cúng, tranh dân gian Hàng Trống còn thể hiện mục đích trấn an bản mệnh, giúp cuộc sống bình an, no đủ.

Xa hơn những ước mơ thông thường còn có những tác phẩm như bức cá chép trông trăng, thể hiện sự suy tư về những giá trị thực, ảo trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Thế Sơn cho biết khi mua tranh về, đặc biệt là tranh Hàng Trống, có nhiều cách cải tiến để bức tranh làm đẹp cho căn nhà. “Họ có thể không dán lên tường, mà sẽ bồi thành tranh trục, tranh cuộn để treo. Gia đình có điều kiện thì có thể đóng kính trong khung gỗ, trông sẽ hợp với nội thất trong nhà”.

Hiện nay, khi tranh dân gian không còn trên tường vôi vách đất của mỗi gia đình, thầy Nguyễn Thế Sơn và các học trò của mình tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã và đang làm mới các tác phẩm dân gian trong các triển lãm mang tên “Từ truyền thống tới truyền thống chương 2: Tranh Tết Hàng Trống” tại đình Nam Hương trên chính con phố Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Nhiều tranh vẽ dân gian được hiện nhờ sơn mài, lụa… xuất hiện ở dạng tranh treo tường, rèm cửa… hoàn toàn có thể ứng dụng trong cuộc sống, từ mục đích trang trí tới sử dụng.

“Hy vọng triển lãm giúp gợi lại 3 tháng Tết ăn chơi của người Việt trước đây đồng thời là cơ hội trải nghiệm lại một thú chơi trang truyền thống xưa kia trên tinh thần sáng tạo của người trẻ”, ông Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.

Theo Vietnam+