Vượt thách thức để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 07:31, 14/02/2021

Năm 2020 là một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành giáo dục khi là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới trong các nhà trường trên cả nước, bắt đầu với lớp 1.


Giờ học của cô Bàn Thị Hương và các học sinh lớp 1 trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-Trung học cơ sở Đồng Lâm 2

Nhìn những nét chữ tròn trịa của con, chị Minh Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Suốt một học kỳ qua, chị đã trải qua rất nhiều lo lắng, căng thẳng khi cậu con trai vào học lớp một đúng năm ngành giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình mới, sách mới, cách học mới

Năm 2020 là một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành giáo dục khi là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới trong các nhà trường trên cả nước, bắt đầu với lớp 1.

Chương trình mới với mục tiêu mới, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực cho người học. Sách giáo khoa hoàn toàn mới khi lần đầu tiên ngành giáo dục Việt Nam thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa, một chương trình nhưng có tới 5 bộ sách khác nhau. Các giáo viên, nhà trường được quyền lựa chọn dạy sách nào. Phương pháp giáo dục cũng thay đổi khi giáo viên chỉ đóng vai trò gợi mở, hướng dẫn, những tiết học không còn khô cứng mà phải tạo được sự hào hứng cho học sinh.

Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1 trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-Trung học cơ sở Đồng Lâm 2 (Quảng Ninh), cô giáo chiếu lên màn hình hình ảnh một số loài vật. Tương ứng với mỗi vần mà học sinh vừa được học, cô “đố” trò tìm được con vật nào mà tên gọi có chứa vần đó. Phía dưới lớp, hàng loạt cánh tay học sinh giơ lên. Nhiều em còn đứng hẳn dậy giơ tay để cô chú ý và gọi lên bảng giải đố.

Vuot thach thuc de thuc hien doi moi can ban toan dien giao duc hinh anh 1
Những em học sinh người Dao của cô Hương đã trở nên mạnh dạn hơn, không khí lớp học sôi nổi

Sự hào hứng, vui vẻ, tự tin, thích được phát biểu ý kiến này là điều mà trước đây cô giáo Bàn Thị Hương ít thấy ở học trò trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-Trung học cơ sở Đồng Lâm 2 trong những tháng đầu vào học lớp 1. Ở đây, 100% học sinh là người dân tộc Dao. Các em thường rụt rè, nhút nhát, ít thể hiện bản thân.

“Chương trình giáo dục phổ thông mới tăng tính thực hành, tăng cường hoạt động trải nghiệm, giúp học trò hứng thú học tập, hoạt bát, tự tin trong giao tiếp hơn. Đó là điểm rất tích cực mà chương trình bước đầu đã mang lại cho học sinh người dân tộc thiểu số”, giáo viên Bàn Thị Hường nói.

Nỗ lực và sẵn sàng chỉnh sửa

Chương trình giáo dục phổ mới với rất nhiều điều chỉnh tích cực so với chương trình hiện hành, nhưng cũng vì chương trình mới, sách mới, phương pháp mới và lần đầu tiên được triển khai nên ngành giáo dục đã vấp phải rất nhiều khó khăn khi bên cạnh những ưu điểm, những hạn chế cũng bộc lộ khi vận dụng trong thực tiễn.

Chỉ đưa vào trong trường học được hơn một tháng, chương trình đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phụ huynh và cả một số giáo viên, nhà trường đánh giá là quá nặng với môn Tiếng Việt. So với chương trình cũ, thời lượng môn Tiếng Việt tăng thêm 70 tiết. Yêu cầu về khả năng đọc, viết của học sinh theo đó cũng được đẩy nhanh hơn về tiến độ.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết môn Tiếng Việt tăng 70 tiết nhưng môn Toán cũng giảm 70 tiết. “Việc tăng cường dạy Tiếng Việt nhằm giúp học sinh sớm biết đọc, là cơ sở để học các môn học khác,” ông Tài nói. Cũng theo ông Tài, khác với chương trình trước, ở chương trình mới, trong quá trình thực hiện có điều chỉnh, phát triển chương trình. “Có nghĩa là trong quá trình thực hiện, bộ sẽ tiếp tục lắng nghe các phản biện các vấn đề phát sinh trong thực tế. Khi có đầy đủ các đánh giá trên cơ sở khoa học thì bộ sẽ có điều chỉnh phù hợp,” ông Tài nói.

Vuot thach thuc de thuc hien doi moi can ban toan dien giao duc hinh anh 2
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay sẽ có những nghiên cứu khoa học để kịp thời điều chỉnh chương trình mới nếu có điểm chưa phù hợp

Trong khi những băn khoăn về chương trình còn chưa lắng xuống thì dư luận lại dậy sóng về ngữ liệu của môn Tiếng Việt, đặc biệt là ở bộ sách Cánh Diều. Ngữ liệu vay mượn và chưa phù hợp, dễ gây hiểu nhầm trong nhận thức cho học sinh, từ ngữ thiếu trong sáng... Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải yêu cầu các nhà xuất bản rà soát lại toàn bộ sách giáo khoa lớp 1. Kết quả là 5 bộ sách đều phải chỉnh sửa ngữ liệu, trong đó bộ sách Cánh Diều phải in hẳn tài liệu chỉnh sửa gửi đến các học sinh, giáo viên, nhà trường đang dùng bộ sách này.

Việc tồn tại những “hạt sạn” trong sách giáo khoa cũng cho thấy khâu thẩm định sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa hiệu quả. Bộ đã phải điều chỉnh lại quy trình thẩm định sách, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của dư luận, đặc biệt là giáo viên đồng thời chặt chẽ hơn trong việc dạy thực nghiệm trước khi thẩm định.

Chia sẻ về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay bất cứ đổi mới nào cũng sẽ có những mặt chưa hoàn chỉnh, nhưng phải kiên định với các mục tiêu lớn, nhiệm vụ lớn của ngành. “Cái gì chưa chuẩn thì cần phải chỉnh. Chúng ta phải kiên định, kiên trì, thậm chí là kiên nhẫn để thực hiện từng bước thì sự nghiệp đổi mới giáo dục chắc chắn thành công,” ông Nhạ nhấn mạnh khi chia sẻ với các giáo viên trong dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2020.

Trong năm 2021, ngành giáo dục tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 2 và lớp 6. Chỉ đạo các địa phương tại hội nghị sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2020-2021 vừa được tổ chức trực tuyến ngày 5.2, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nói: “Tuy đây không phải lớp đầu tiên thực hiện chương trình này, nhưng với nhiều môn học mới và những đòi hỏi cao hơn về phương pháp, nên rất cần sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các địa phương và toàn ngành giáo dục”.

Theo Vietnam+