Nét đẹp bơi chiềng ở quê hương Yết Kiêu

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 11:30, 14/02/2021

Bơi chiềng là nét đẹp văn hóa truyền thống trong Lễ hội đền Quát (thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, Gia Lộc) xưa. Nghi thức này chính thức được tái hiện từ năm 2020.


Nghi thức bơi chiềng náo nhiệt trên sông

Lôi cuốn, hấp dẫn

Khác với phần thi bơi chải phải có đội thắng, thua thì bơi chiềng là nghi thức bơi biểu diễn, bơi mừng thánh. Mỗi đội bơi chiềng khoảng 20 người. Tham gia các đội bơi có cả nam và nữ ở các độ tuổi khác nhau. Trước khi xuống thuyền, các đội đều làm lễ dâng hương. Các tay chèo tập trung tại bãi bơi trước sân đền, mặc trang phục lễ hội truyền thống với 2 màu đặc trưng đỏ và vàng, mỗi đội xếp 2 hàng thẳng tắp, nghiêm trang. Kết thúc phần khai hội, các đội tiến vào sân làm lễ dâng hương.

Lễ hội đền Quát mùa thu 2020 có 3 đội tham gia bơi chiềng là Hạ Bì, Hoàng Kim, Khuông Phụ. Đội thôn Hạ Bì (thôn Cả) lên dâng hương lễ thánh đầu tiên. Người cầm lái đứng ở giữa, bên trái là người phất cờ, bên phải là người đánh mõ đứng cùng hàng từ từ tiến lên làm lễ phủ phục. Những người bơi đứng thành 2 hàng dọc và lần lượt lên dâng hương. Trong khi các đội đang dâng hương thì đông đảo người dân và du khách đã tập trung hai bên bờ sông Đĩnh Đào trước cửa đền Quát để chọn vị trí đón xem các đội bơi chiềng. 

Khi xuống thuyền, người cầm lái xuống trước, tiếp đến là người bơi xuống theo hai hàng dọc song song, từng đôi một để tạo sự cân bằng cho thuyền. Khi ổn định vị trí, theo hiệu lệnh của Ban tổ chức, các thuyền bơi lần lượt tiến về phía trước dòng sông theo hàng một để bắt đầu biểu diễn. Theo thứ tự, xếp đầu tiên là thuyền số 1 của đội thôn Hạ Bì, tiếp theo là thuyền số 2 của đội thôn Khuông Phụ và cuối cùng là thuyền số 3 của đội thôn Hoàng Kim. Mỗi thuyền bơi cách nhau khoảng 20 m.

Người phất cờ đứng dưới lòng thuyền, hai tay cầm 2 lá cờ đuôi nheo, lúc phất chéo tay, lúc đưa tay lên tay xuống để tạo nhịp cho người bơi. Phía dưới chân người đánh mõ đặt một tấm gỗ có độ bập bênh, người này một tay cầm mõ, một tay cầm dùi, khi đánh có nhiều động tác lúc giơ lên đầu, lúc luồn xuống khuỷu chân hoặc đưa ra sau lưng trông giống một nghệ sĩ đang múa. Người đánh mõ chân dậm tấm ván, miệng bắt nhịp hò "Giai ơi" còn người phất cờ và người bơi thì đế vào "Dô huậy". Cứ như vậy, cả đội như một dàn nhạc hô đồng thanh: "Giai ơi! Dô huậy. Bổ cho sâu! Dô huậy. Vươn cho dài! Dô huậy. Cố mà lên! Dô huậy. Cô yếm xanh! Dô huậy. Lấy anh đang đánh mõ! Dô huậy. Cô yếm đỏ! Dô huậy. Lấy anh phất cờ! Dô huậy. Các cô ngồi bờ! Dô huậy. Lấy giai bơi chải! Dô huậy. Bét thì bét! Dô huậy. Cố vượt lên! Dô huậy...". Các đội bơi 2 vòng trước cửa đền thì kết thúc.

Chỉ trực tiếp tham gia nghi thức bơi chiềng du khách mới cảm nhận hết sự náo nhiệt và hấp dẫn của nghi thức này. Nhịp dậm chân và đánh mõ khớp với nhịp phất cờ, nhịp dầm bổ, nhịp hò tạo cho chải lượn sóng nhấp nhô vươn lên rồi lại lao xuống trông như đàn ngựa đang chạy. Đông đảo người dân và du khách thập phương ở trên bờ vỗ tay reo hò cổ vũ, đồng thanh hò theo giọng hò của các đội bơi. Tiếng hò hòa cùng tiếng trống thúc, chiêng hồi làm âm vang cả một vùng sông nước. Không khí sôi động trên bến dưới thuyền tạo cho không khí lễ hội tưng bừng, náo nhiệt. 

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bơi chiềng có ý nghĩa tái hiện việc luyện tập thủy quân, thể hiện tinh thần thượng võ trong truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông. Bơi chiềng không chỉ có ý nghĩa tâm linh quan trọng trong đời sống cộng đồng mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá về một miền quê, nơi con người luôn khát khao vươn lên, quyết tâm chinh phục sông nước. Bơi chiềng đã góp thêm vào không gian Lễ hội đền Quát những mảng màu đa sắc.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoạt động bơi chiềng và thi bơi chải không được tổ chức thường xuyên và bị mai một. Khoảng năm1985, giải đua thuyền chải mới được khôi phục và tổ chức thường xuyên đến bây giờ nhưng không có nghi thức bơi chiềng.

Ông Vũ Quý Hỡi, Bí thư Đảng ủy xã Yết Kiêu cho biết năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn địa phương sưu tầm tư liệu và khôi phục lại nghi thức bơi chiềng nhằm bổ sung hồ sơ để công nhận Lễ hội đền Quát là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2020, Lễ hội đền Quát đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và bơi chiềng chính thức được tái hiện.

Nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống bơi chải, những năm gần đây các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm hỗ trợ kinh phí, dụng cụ luyện tập, trao thưởng. Nhân dân và con em xa quê ủng hộ kinh phí động viên. Các cô giáo Trường Mầm non xã cũng thành lập đội bơi chải biểu diễn trong những ngày hội, góp phần “giữ lửa" lễ hội. Nhờ đó, nhiều năm liền đội bơi thuyền chải của xã Yết Kiêu đều giành thành tích cao tại các giải đấu trong và ngoài nước.

Cụ Phạm Hữu Lương (84 tuổi) ở thôn Hạ Bì cho biết lịch sử bơi chiềng có truyền thống lâu đời. Người nào được tham gia bơi chiềng và thi bơi chải đều cảm thấy vinh dự và tự hào. "Chúng tôi rất vui vì nghi thức này đã được khôi phục, con cháu hăng hái tham gia", cụ Lương nói. 

Xã Yết Kiêu có đền Quát thờ danh tướng Yết Kiêu - vị tướng có biệt tài bơi lặn, nhiều lần lập công lớn giúp nhà Trần đại phá quân Nguyên Mông. Trước cửa đền có sông Đĩnh Đào chảy qua, là nơi diễn ra hội thi bơi chải rất sôi nổi của địa phương vào dịp lễ hội. Xã Yết Kiêu cũng nổi tiếng với các đội đua thuyền truyền thống từng "làm mưa làm gió" ở nhiều giải lớn. Từ năm 2018, Lễ hội đền Quát được tổ chức cả mùa xuân (từ ngày 10-20 tháng giêng) và mùa thu (từ ngày 14-16.8 âm lịch). 

THẾ ANH