Mùng 3 Tết Thầy - nét đẹp truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của người Việt
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:10, 14/02/2021
Tết Thầy là nét đẹp thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc
Theo quan niệm dân gian, "mùng một tết Cha", con cháu sẽ tập trung, tựu tề về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi chúc Tết, mừng thọ ông bà nhà nội. "Mùng hai tết mẹ" có nghĩa con cháu tập trung, tựu tề về từ đường bên họ ngoại cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi chúc Tết, mừng thọ ông bà nhà ngoại.
Còn "mùng 3 Tết thầy" là nhắc nhớ truyền thống tôn sư trọng đạo với ý nghĩa "Bán tự vi sư, nhất tự vi sư" (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Tôn vinh người thầy đã truyền chữ, dạy nghề... cho học trò để thành danh, thành tài, thành người.
Ngày xưa cho dù làm quan đến tể tướng thì ngày Tết người học trò đến thăm thầy cũng vẫn một lòng tôn sư trọng đạo như thế. Thường thì ngày mùng ba Tết, người đứng đầu hàng môn sinh – những người cùng học, không phân biệt tuổi tác, chức vị, vị trí xã hội, thường tụ họp ở gia đình thầy giáo, chúc Tết thầy. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô đã dạy dỗ, vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chúc nhau gặp nhiều điều may trong những ngày Tết đến, xuân về.
Thầy ở đây cũng không bó hẹp trong phạm vi thầy giáo dạy chữ mà cả những người thầy dạy nghề, thầy dạy các bộ môn nghệ thuật như đàn, hát, vẽ, múa...
Lễ vật mang theo để dâng kính thầy cô khi xưa không nặng về vật chất. Không phân biệt chức vụ, vị trí xã hội, học trò cứ tự phục vụ bánh kẹo, rồi ngồi quây quần tâm sự, nghe thầy cô hỏi chuyện và thông báo cho thầy cô về công việc, gia đình năm qua cũng như những dự định sắp tới…
Mùng 3 Tết thầy trôi qua trong bầu không khí đầm ấm tình thầy trò như vậy và nó đã trở thành nét đẹp truyền thống không thay đổi trong tâm thức của những học trò năm xưa.
Tri ân thầy cô thế nào?
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Tết Thầy là nét đẹp truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.
Chúng ta đang trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế, xã hội, những truyền thống tốt đẹp bảo lưu và những yếu tố khác bị cơ chế thị trường chi phối. Vì vậy, nhiều người đã làm biến tướng đi ý nghĩa của Tết thầy. Nhiều phụ huynh nghĩ biếu thầy ngày Tết sẽ khiến con được quan tâm hơn hay học hành suôn sẻ hơn.
PGS.TS Lê Quý Đức cũng cho rằng, hiện đời sống vật chất ngày càng tốt hơn, thì con người nên sống với nhau tình cảm hơn. Dù ở thời nào, đạo lý kính thầy cần củng cố, lưu truyền và khẳng định là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Không chỉ với bản thân người lớn, mà chính những em bé trong gia đình cũng nên được học, tiếp nối truyền thống Tết Thầy.
Đơn giản chỉ là những lời chúc Tết, có thể kèm theo phong bao chúc lì xì nếu như thầy cô đã cao niên. Trong trường hợp thầy cô vẫn chưa quá nhiều tuổi thì thường chỉ là dịp chơi xuân, thăm hỏi. Ý nghĩa của việc giữ gìn truyền thống tết Thầy luôn phải xoay quanh tấm lòng chân thành tri ân người dạy dỗ mình.
Theo Lao động