Độc đáo tục lên lão ở Phương Khê

Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 10:38, 17/02/2021

Từ nhiều đời nay, người dân thôn Phương Khê, xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) vẫn giữ gìn tục lên lão được tổ chức vào mùng 6 tháng giêng. Đây là địa phương duy nhất ở Thanh Miện có tục lệ độc đáo này.


Đoàn lễ rước kiệu đi quanh làng. Ảnh tư liệu

Tục lệ lâu đời

Với người dân Phương Khê, lễ lên lão vào mùng 6 tháng giêng và ngày dâng lễ thành hoàng làng 1.12 âm lịch là hai sự kiện quan trọng nhất. Bà con chuẩn bị chu đáo có khi trước cả năm trời. Ông Vũ Văn Đình 68 tuổi, trưởng lão làng cũng là người đã nhiều năm tham gia chuẩn bị cho tục lên lão cho biết, tục có từ xa xưa nhằm tỏ lòng biết ơn của dân làng Phương Khê với thành hoàng làng Vũ Vị Phủ.

Khi Vũ Vị Phủ về làng dẹp nạn hỏa tai, làng đã cử 7 người cao tuổi nhất lúc bấy giờ ra nghênh đón, trong đó người thấp tuổi nhất là 55 tuổi. Từ đó về sau, cứ ai 55 tuổi sẽ làm lễ ra đình lên lão. Hằng năm, dân làng Phương Khê tổ chức tục lên lão vào 6.1 âm lịch.

Trước đây, những người chuẩn bị lên lão làng sẽ thi nuôi lợn. Lợn thi phải là lợn đen, không được có đốm trắng và nuôi bí mật giữa người trình lão, bảo đảm sự bất ngờ khi thi.

Vào sáng mùng 5, những người lên lão và những người từ 55 tuổi trở lên tập trung tại đình rước lễ vật gồm 1 cái bánh chưng, 1 bình rượu và 3 quả cau cùng với đội cầm cờ, trống của làng ra lần lượt 5 miếu: Hàng Trào, Anh Tràng, Mả Lâu, Tính Mộ Đồng Lâm, Thiên Quan thờ các vị thổ thần.

Chiều 5.1, lợn của từng gia đình lên lão được tắm rửa sạch sẽ, đặt trong cũi, lưng phủ vải đỏ đợi đoàn người cầm cờ và cầm trống của làng đến rước ra đình. Lợn do 4 người trong gia đình có người lên lão mặc quần áo màu đỏ, thắt lưng màu vàng, đầu chít khăn đỏ khiêng theo sau đoàn người cầm cờ và cầm trống.

Lợn rước ra đình sẽ được xếp thành hàng ngay ngắn trên sân đình để đo bằng gang tay xem con lợn nào dài nhất. Gia đình lên lão có con lợn thắng cuộc sẽ được hưởng toàn bộ lá mỡ và một khoanh bí (cổ lợn).

Đúng 7 giờ sáng 6.1, lễ rước kiệu được tổ chức. Lợn được làm thịt sẵn và đặt trên mâm xà, khiêng ra sân đình làm lễ tế. Lễ tế thần được tiến hành trang trọng. Đoàn tế gồm 22 người do làng bầu từ trước (gồm những người từ 55-65 tuổi, khỏe mạnh, gia đình song toàn, có con trai, con gái).

Về trang phục, những người lên lão đều mặc giống nhau: áo tế màu xanh, quần trắng. Chủ tế mặc áo màu đỏ, đội mũ đỏ, đi hia đỏ và tế theo nghi thức. Tế xong, phần lễ vật gồm sỏ lợn, nây bụng và khoanh bí biếu các cụ cao tuổi nhất làng; 1 cân thịt và 1 cân xôi biếu các bà góa thờ chồng nuôi con; số thịt và xôi còn lại chia cho 8 giáp và dân làng tại đình.

Từ khi trình làng lên lão, trong suốt một năm đó, vợ chồng lão làng mới sẽ tham gia vào công việc của đình làng như dọn dẹp, tu bổ, làm cỗ... Có năm làng có tới 50 người đến tuổi lên lão, tổ chức khao 70 mâm cỗ. Những người làm ăn ở xa không về được cũng nhờ họ hàng đóng góp.


Những người trình lão dâng lễ thành hoàng làng 

Giữ cho đời sau

Ngày nay, lễ lên lão có phần rút gọn hơn so với trước, trong đó không còn phần thi lợn và nghi thức đơn giản hơn. Về trang phục, nam giới từ 55-70 tuổi sẽ mặc áo the đen, từ 71-80 tuổi sẽ mặc áo the vàng và trên 80 tuổi sẽ mặc áo the đỏ. Việc tiếp nước, mời cỗ cũng theo thứ tự từ các cụ mặc áo the đỏ đến áo the vàng rồi đến áo the đen.

"Tục lên lão là nét đẹp văn hóa của người dân thôn Phương Khê. Tham gia tục lệ này, các gia đình luôn răn dạy con cháu hướng về quê hương, hiếu thảo với ông bà, bố mẹ và thắt chặt tình đoàn kết giữa dân làng với nhau", ông Vũ Văn Hanh, Trưởng thôn Phương Khê cho biết.

Từng có thời gian, tục lệ này bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nên quy mô thu nhỏ. Năm 1953, đình làng bị giặc Pháp phá, dân làng không còn nơi sinh hoạt văn hóa. Hơn nửa thế kỷ, nhân dân Phương Khê tổ chức tục lên lão đơn giản, bí mật ở chùa Hoa Diên trong thôn. Hình thức tổ chức chỉ là dâng hương và tế lễ. Năm 2007, khi ông Vũ Văn Tiệp (70 tuổi) là người làng ủng hộ 10 triệu đồng và dân làng đóng góp xây đình thì tục lên lão được khôi phục lại quy mô. Kể từ đó, bà con làng trên xóm dưới có dịp gặp gỡ nhau, thắt chặt thêm tình đoàn kết.

Năm nay, dù dân làng đã kỳ công chuẩn bị nhưng việc tổ chức lên lão phải tạm hoãn do dịch Covid-19. 

HẢI HÒA