Rap Việt và ngôi nhà ngôn từ của giới trẻ

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 10:53, 18/02/2021

Rốt cuộc chúng ta cần gì ở nhạc rap?


Một trong những rapper tiên phong trên thế giới, một trong những hiện thân đầu tiên của văn hóa hip hop, theo nhiều nhà văn hóa, là huyền thoại quyền anh Muhammad Ali cùng album "nói nhảm" I am the greatest (Tôi là vĩ đại nhất) mà ông phát hành năm 1963, chỉ 6 tháng trước khi trở thành nhà vô địch thế giới.

Một người da đen đầy sức mạnh, ngạo mạn, phức cảm, mạo hiểm - đó chính là Ali, cũng là khởi nguyên của rap và bản chất của rap.

Nghe thế thì có vẻ tinh thần rap không liên quan tới văn hóa Việt. Nhưng nhạc rap, cũng giống như pizza hay ramen, đã trải qua một quá trình nêm nếm đến khi hoàn toàn vừa vặn với khẩu vị của người Việt và trong khoảng 2 năm qua, ta chứng kiến rap tạo ra những ngôi sao đình đám, rap lên truyền hình, rap "dọn" ra riêng với các sản phẩm độc lập, rap chiếm giữ nhiều bảng xếp hạng.

Đỉnh cao có lẽ là khi rap đường hoàng bước vào "thánh đường" âm nhạc đối với người Việt - nhạc Trịnh - mà không gây nên vụ xìcăngđan đòi trả lại sự trong sáng nào cho bản gốc, có khi còn ít gây tranh cãi hơn thời Hồng Nhung hát Trịnh. Ngược lại, sự sáng tạo còn được rất nhiều người ủng hộ.

Rap Việt lên đỉnh cao vào cùng một khoảng so với thời kỳ rap bùng nổ ở các thị trường lớn nhất, dù cũng có độ trễ nhất định. Mặc dù vậy, cách mà nhạc rap dần chiếm lĩnh thị trường Việt rất đáng để xem xét, vì nó có phần khác biệt so với những xu hướng âm nhạc trước đó.

Người Việt mê Beatles hay Queen trước khi họ có những ban nhạc rock của riêng mình. Người Việt mê nhạc Hong Kong của Trương Học Hữu, Lưu Đức Hoa trước khi có Lam Trường. Người Việt mê SNSD, Big Bang trước khi có những nhóm nhạc Việt ăn theo công thức đó. Nhưng những rapper lớn nhất thế giới hiện nay như Jay Z, Kendrick Lamar, Drake chưa bao giờ là thần tượng ở Việt Nam. Nhưng chúng ta vẫn thích rap Việt. Cùng lắm có Eminem khá được hâm mộ ở Việt Nam, nhưng từ thời đỉnh cao của Eminem đến thời đỉnh cao của rap Việt quá xa để có thể nói có một mối liên hệ trực tiếp.

Điều đó phải chăng hàm nghĩa rằng chúng ta yêu thích rap Việt không hẳn vì xu hướng bên ngoài, mà vì nhu cầu nào đó rất tự nhiên ở bên trong, vậy nhu cầu này là nhu cầu gì?

Rap đã được chuyển thể hết sức khéo léo vào Việt Nam. Chúng ta rất khó đồng cảm với tâm sự của một người da đen đầy sức mạnh, đầy ngạo mạn, phức cảm, mạo hiểm nhưng nếu thay một người "da đen" thành một người "trẻ bên lề", chẳng phải nó đã bắt chuẩn mạch?

Có lẽ chưa từng có một thế hệ trẻ nào cảm nhận được rõ sự "bên lề" hơn thế hệ trẻ ngày nay. Bởi chưa bao giờ có một thế hệ nào cảm nhận được sự rộng lớn của thế giới như vậy, cũng như có ý niệm về "cái tôi" rõ ràng đến thế.

Và trong một xã hội phương Đông với rất nhiều vòng kim cô, thế hệ trẻ quẫy đạp tìm bản ngã đã tìm được rap như gậy Như Ý thần thông quảng đại để thét lên tiếng nói cá nhân. Từ Binz "anh chàng hư hỏng" đến Đen Vâu lãng mạn và triết lý, âm nhạc của họ dù khác nhau như trăng và sao nhưng đều vọng tưởng về những điều khó được chấp nhận trong xã hội.

Chẳng hạn, với Binz là một đời sống tình dục cởi mở, còn với Đen Vâu là đời sống mộng mơ, tự tại, đi ngược với sự thực dụng và đồng tiền.

Chưa hết, rap - thứ âm nhạc mà sức mạnh chủ yếu ở nghệ thuật ngôn từ - đã có cuộc gặp gỡ hoàn hảo với bộ ngôn ngữ mới của giới trẻ Việt được khai sinh trong thời đại Internet. Việt Nam có tỉ lệ sử dụng Internet khá cao trên thế giới.

Giới trẻ Việt cuồng Internet. họ nhạy cảm với mọi thứ, từ việc một vài du khách Hàn chê bánh mì Việt đến New Yorker bình luận về ca bệnh COVID-19 tại Việt Nam, từ một trọng tài quốc tế xử phạt một cầu thủ Việt đến bình chọn cho hoa hậu nước nhà đi thi thế giới - tất cả những gì về Việt Nam đều có thể được viral trên mạng nhờ những người dùng trẻ.

Trong thế giới ấy, họ tạo ra bộ ngôn ngữ vừa tào lao vừa châm biếm, vượt thoát mọi khuôn khổ từ điển.

Rap vừa mượn vừa làm giàu cho những bộ ngôn ngữ này. Khía cạnh thứ hai rất quan trọng. C

ùng là một câu nói từng gây sốt của một nhà kinh doanh nổi tiếng "tiền nhiều để làm gì?" được giới trẻ nhanh chóng thu nạp vào vốn từ vựng giễu nhại của họ, khi được Huỳnh Hiền Năng, nhạc sĩ nhạc pop, mượn để đưa vào âm nhạc, cả một ca khúc cũng chỉ quẩn quanh câu đó mà không triển khai được gì nhiều.

Còn khi được một rapper trong chương trình Rap Việt lấy làm nguồn cảm hứng, đã ra thêm được rất nhiều lời sâu cay khác, chẳng hạn như: "Tiền thật nhiều trong ví / Ta vẫn cứ lao động / Đến khi nước mắt rơi lấy tiền mà lau".

Và nếu như Heidegger so sánh "ngôn từ là ngôi nhà mà ta sống trong đó", rap giống như bêtông, như cột kèo trong ngôi nhà của ngôn ngữ trẻ. Họ đang trên đường tạo ra thế giới của riêng họ, vì thế họ cần rap.

Theo Tuổi trẻ