Sự kiện nổi bật ngày 18.2

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 19:08, 18/02/2021

Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII tiến hành phiên họp đầu tiên là sự kiện nổi bật ngày 18.2.

TRONG NƯỚC


Sáng 18.2, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII tiến hành phiên họp đầu tiên để cho ý kiến về việc tổ chức Tết Tân Sửu 2021, một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý I.2021; chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp.Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh cấp ủy, chính quyền các cấp đã nghiêm túc triển khai Chỉ thị 48 của Ban Bí thư, nỗ lực cố gắng, có nhiều biện pháp, sáng kiến, quan tâm, chăm lo tổ chức Tết Tân Sửu 2021 cho nhân dân vui tươi, phấn khởi, an toàn, lành mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cả nước phát huy truyền thống đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng đón Tết đầm ấm, yên vui, hạnh phúc. Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN


Chiều 18.2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ trực tuyến với các thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ về Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chủ trì phiên họp. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Ngày 18.2, tại xã Quang Phú (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Tân Sửu 2021”. Đến dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, của tỉnh Quảng Bình một số tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ. Sau lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Tân Sửu, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dâng hương tại đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ tỉnh Quảng Bình; thăm và tặng quà tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật TP Đồng Hới. Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham gia trồng cây sau Lễ phát động. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN


Ngày 18.2, Cuộc họp lần thứ 6 Nhóm Công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE) diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của Quan chức cao cấp các nước ASEAN thuộc ba trụ cột Cộng đồng Chính trị - An ninh, Văn hóa - Xã hội, Kinh tế; các kênh chuyên ngành (Giao thông vận tải, Y tế, Quản lý xuất nhập cảnh…) và đại diện Ban Thư ký ASEAN. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN - Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng tham dự cuộc họp. Ảnh: TTXVN


Bộ Y tế đã cho phép Công ty AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu ngay 204.000 liều vaccine để phục vụ nhu cầu khẩn cấp chống COVID-19.Theo văn bản số 1215/QLD-KD về việc nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng chống dịch COVID-19, vừa được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ký ban hành hôm 17.2, Cục đã chấp thuận cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca, số lượng 204.000 liều. Vaccine ngừa COVID-19 có tên gọi là COVID-19 Vaccine AstraZeneca, do SK Bioscience Co Limited-Hàn Quốc sản xuất. Theo quyết định nói trên, vaccine được nhập khẩu để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch phải đáp ứng các điều kiện đi kèm trong văn bản chấp thuận phê duyệt vaccine ngày 1.2 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trong ảnh: Vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hãng dược AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 18.2 (tức ngày 7 tháng giêng năm Tân Sửu), huyện Hạ Hoà đại diện cho nhân dân cả nước thành kính tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà. Trước anh linh Tổ Mẫu Âu Cơ, chủ lễ đã đọc diễn văn tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, kính cáo về những kết quả đã đạt được trong năm qua và cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho bách gia trăm họ, con dân đất Việt được mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc, đất nước hùng cường, phát triển và thịnh vượng. Tham dự buổi lễ, các đại biểu và người dân đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như đeo khẩu trang và sát khuẩn tay... Trong ảnh: Nghi thức Tế Nữ Quan. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN


Liên quan đến chuyên án buôn lậu, sản xuất xăng giả do Phan Thanh Hữu cầm đầu, ngày 18.2, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra lệnh bắt khẩn cấp Lê Thanh Trung (sinh năm 1983, trú tại xã Long Tuyền, huyện Bình Thủy, TP Cần Thơ) nằm trong đường dây mua, bán hóa đơn giả. Lệnh bắt khẩn cấp Lê Thanh Trung đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phê chuẩn. Khám xét tại nhà Trung, công an thu giữ 6 CPU máy tính, 15 thùng tài liệu, hóa đơn, 1 máy tính bảng, 2 điện thoại, 2 xe ô tô và nhiều tiền mặt (chưa kiểm đếm). Đặc biệt, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Đồng Nai) đã thu giữ 27 con dấu (15 mộc dấu tròn, 12 dấu tên) của nhiều công ty do Lê Thanh Trung thành lập và thuê người khác làm giám đốc công ty. Trong ảnh: Phan Thanh Hữu, kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu, sản xuất xăng dầu giả tại cơ quan công an. Ảnh: TTXVN

TRONG TỈNH


Chiều 18.2, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Đoàn công tác của Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố về phòng chống dịch Covid-19. Dự tại điểm cầu UBND tỉnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Đoàn công tác của Bộ Y tế tại Hải Dương đánh giá Hải Dương đã thực hiện tốt, quyết liệt, nhanh chóng, hiệu quả công tác phòng chống dịch, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi dịch xảy ra ở TP Chí Linh. Tỉnh đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó có các lực lượng là cán bộ, công chức, viên chức, quân đội, công an, đoàn thể... Hải Dương đã thực hiện nhanh, quyết liệt tất cả các chỉ đạo của Trung ương. Tiếp thu ý kiến của đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định Hải Dương luôn quyết liệt, chủ động phòng chống dịch Covid-19. Đến thời điểm này Hải Dương đang từng bước kiểm soát được tình hình dịch, có địa phương kiểm soát tốt như TP Chí Linh. Tỉnh đang dồn các nguồn lực cho Cẩm Giàng vì nếu chặn được nguồn lây ở đây coi như thành công. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Dương kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Công ty TNHH Hitachi Cable Việt Nam (khu công nghiệp Tân Trường, Cẩm Giàng). Ảnh: Thành Chung


Sáng 18.2, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại huyện Ninh Giang. Các đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh cùng dự. Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của huyện Ninh Giang trong truy vết, cách ly các trường hợp liên quan đến ổ dịch. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh yêu cầu huyện Ninh Giang tuyệt đối không được lơ là, thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch. Quan tâm khử khuẩn, xử lý rác thải trong các khu cách ly, giãn cách mật độ trong khu cách ly tập trung để tránh tình trạng lây chéo; bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly. Trong ảnh: Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Thế Hùng kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại điểm cách ly tập trung Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Ninh Giang. Ảnh: Thanh Hoa


Chiều 18.2, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra các khu cách ly, chuẩn bị cho cách ly các trường hợp F1 tại huyện Cẩm Giàng. Kiểm tra thực tế tại các Trường THPT Cẩm Giàng, Tiểu học Cẩm Điền, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất cho những người thuộc diện F1 có khả năng xuất hiện thêm trong thời gian tới, bảo đảm hệ thống nhà ở, điện, nước sinh hoạt. Các trường thực hiện thật tốt việc cách ly theo đúng yêu cầu của ngành y tế, quy định và nội quy của cơ sở cách ly. Bảo đảm giãn cách cao hơn yêu cầu chung... Trong ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản kiểm tra công tác phòng chống dịch tại điểm cách ly Trường THPT Cẩm Giàng. Ảnh: Hoàng Kế


Ngày 18.2, đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội thay mặt Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã đến thăm, động viên, hỗ trợ tỉnh Hải Dương 2 tỷ đồng và 50.000 khẩu trang y tế để phòng chống dịch Covid-19. Cùng đi có Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội - một người con quê hương Hải Dương đã ủng hộ TP Chí Linh 20.000 khẩu trang y tế. Trong ảnh: Đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương trao tiền và khẩu trang hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 cho tỉnh Hải Dương. Ảnh: Tiến Mạnh


QUỐC TẾ


Ngày 17.2, các bộ trưởng quốc phòng NATO đã bắt đầu cuộc họp trực tuyến hai ngày thảo luận về các vấn đề an ninh quan trọng như sự thích ứng của liên minh thông qua sáng kiến NATO 2030, tiến tới chia sẻ gánh nặng công bằng hơn và tăng cường khả năng răn đe cũng như phòng thủ. Phát biểu tại cuộc họp báo sau ngày làm việc đầu tiên, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết đây là cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của liên minh quân sự này với chính quyền mới của Mỹ và là một dấu mốc quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến tổ chức vào cuối năm nay. Trong ảnh: Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu họp báo trước cuộc họp trực tuyến với các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels, Bỉ ngày 15.2. Ảnh: AFP/TTXVN


Iran đã thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) về kế hoạch lắp đặt thêm các máy ly tâm tân tiến IR-2m tại một nhà máy làm giàu urani dưới lòng đất ở cơ sở Natanz của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Báo cáo ngày 17.2 của IAEA gửi các quốc gia thành viên nêu rõ: “Iran đã thông báo kế hoạch lắp đặt thêm hai tổ máy ly tâm 174 IR-2m tại Nhà máy làm giàu nhiên liệu (FEP) để làm giàu urani-235 lên độ tinh khiết 5%. Động thái này sẽ nâng tổng số tổ máy ly tâm IR-2m dự kiến, đang được lắp đặt hoặc đang được vận hành tại FEP lên 6 máy”. Trong ảnh (tư liệu): Lối vào trung tâm hạt nhân Natanz ở tỉnh Isfahan, miền Trung Iran. Ảnh: AFP/TTXVN


Các nhà khoa học mới đây đã khôi phục và giải mã được ADN từ răng của những con voi ma mút sống tại Đông Bắc Siberia cách đây gần 1,2 triệu năm trước, theo đó đây là ADN lâu đời nhất thế giới được giải mã. Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Nature ngày 17.2, mở ra cánh cửa cho giới khoa học tìm hiểu sâu hơn về các loài tuyệt chủng. Các nhà nghiên cứu cho biết đã khôi phục và giải mã ADN từ hóa thạch của 3 con voi ma mút bị chôn vùi trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu. Các mẫu hóa thạch này được phát hiện vào những năm 70 của thế kỷ XX tại Siberia và được cất giữ tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga ở Moskva. Trong đó, mẫu hóa thạch lâu đời nhất được phát hiện gần sông Krestovka có niên đại gần 1,2 triệu năm. Một mẫu được tìm thấy gần sông Adycha có niên đại xấp xỉ 1 - 1,2 triệu năm trong khi mẫu còn lại được phát hiện gần sông Chukochya tồn tại cách đây khoảng 700.000 năm. Trong ảnh: Hình ảnh phục dựng voi ma mút thảo nguyên do tạp chí Nature công bố ngày 17.2. Ảnh: AFP/TTXVN