Hãy hiểu biết để đánh giá công bằng về dịch bệnh ở Hải Dương
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:11, 20/02/2021
Năm 2020, tỉnh đã nhanh chóng xử lý triệt để mầm bệnh, đặc biệt là ổ dịch nhà hàng Thế giới bò tươi ở số 36 phố Ngô Quyền (TP Hải Dương).
Ở vụ dịch lần ba này, chỉ trong 1 ngày dịch đã bùng phát dữ dội. Ca bệnh đầu tiên sau khi sang Nhật mới được phát hiện trong khi thời gian ủ bệnh đã quá lâu và không rõ nhiễm bệnh từ đâu về TP Chí Linh và tiếp xúc với nhiều người.
Ngay từ khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện tỉnh đã huy động toàn lực quyết dập dịch trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến khôn lường, việc khoanh vùng nhanh ổ dịch không phải là điều dễ dàng.
Hải Dương là địa phương bùng phát dịch đầu tiên của cả nước trong đợt dịch thứ ba này nên nhận được sự chi viện và ủng hộ rất cao từ Bộ Y tế. Sự chi viện của tuyến Trung ương với nhiều chuyên gia hàng đầu về dịch tễ nên tỉnh đã quyết định nhanh chóng cách ly toàn TP Chí Linh sau 1 ngày ca bệnh xuất hiện. Điều không may mắn cho Hải Dương trong vụ dịch này đó là sự xuất hiện của chủng SARS-CoV-2 biến thể với mức độ lây nhiễm đặc biệt cao nên đã bùng phát mạnh tại ổ dịch Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam, nơi F0 đầu tiên từng làm việc.
Đâu đó trên mạng xã hội có những ý kiến so sánh về vụ dịch ở Đà Nẵng năm trước với Hải Dương lần này, nơi làm tốt, nơi chậm chạp là hết sức khập khiễng và thiếu tư duy về y tế.
Xin nhắc Hải Dương là địa phương tự bảo đảm thu chi ngân sách song có lẽ tiềm lực kinh tế cũng như nhiều lĩnh vực khác chưa thể đuổi kịp Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh... Đây là những địa phương có kinh tế phát triển trong tốp đầu cả nước, có vị trí địa lý không quá phức tạp, nguồn nhân lực có chuyên môn, trình độ cao. Đặc biệt đối với lĩnh vực y tế, những địa phương này là những "lá trầu mặt" của nền y tế cả nước với nhiều đơn vị y tế trung ương đóng trên địa bàn nên dễ bề hỗ trợ. Các cụ xưa thường nói "mạnh vì gạo, bạo vì tiền", có tiềm lực kinh tế sẽ dễ xoay xở và định đoạt, quyết định nhanh mọi vấn đề.
Điều không may mắn với Hải Dương đó là làn sóng dịch lần ba rơi đúng vào thời điểm cận Tết, với vị trí nằm giữa những vùng kinh tế năng động, mật độ dân số đông, trong khi giao thông phức tạp, thông thương với nhiều địa phương nên khó trăm bề quản lý và khoanh vùng cách ly.
Không ai mong muốn có dịch bệnh, công dân Hải Dương cũng như các tỉnh, thành phố khác mỗi người đều thấp thỏm sợ hãi khi dịch bủa vây. Khi chưa có vaccine để tiêm chủng biết đâu một ngày nào đó bất cứ ai, ở bất cứ địa phương nào cũng có thể bị nhiễm bệnh. Thời điểm trước, dịch bệnh như giặc ngoại xâm bên ngoài, cứ ai nhập cảnh là ta cách ly… nhưng giờ đã là chuyện khác, bệnh đã có mầm mống ở cộng đồng. Đã ở cộng đồng thì khó có thể nhìn thấy, khó tránh được, nó âm ỉ và bùng phát ở nơi nào thì địa phương đó phải căng mình phòng chống.
Đâu có phải tất cả thôn xóm Hải Dương đều có bệnh nhân và có ổ dịch. Người Hải Dương đâu phải ai cũng mang bệnh và có lẽ cũng không dại gì khi biết mình trong ổ dịch, trong vùng cách ly và tiếp xúc với những trường hợp F0, F1 lại lặng lẽ rời quê hương mang bệnh reo rắc cho người thân hoặc đồng nghiệp cũng như công dân ở địa phương khác. Có lẽ chỉ những trường hợp thật sự đặc biệt thì mới né tránh và mang bệnh đi địa phương khác, khi đó thì pháp luật sẽ không thể tha thứ.
Hải Dương đang được sự chi viện của Bộ Y tế, nhiều chuyên gia đầu ngành bao ngày đêm miệt mài trong tâm dịch sát cánh cùng cả hệ thống chính trị đưa ra những biện pháp tối ưu nhất để tỉnh song hành mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Mọi quyết định để xử lý dập dịch đều có những tính toán mang tính khoa học và phù hợp với diễn biến dịch nên không thể "giá mà" hoặc "sớm" hay "muộn" như cảm tính, tư duy của một số ít người thiếu hiểu biết, cố tình mổ xẻ vấn đề khi chưa hiểu rõ.
ĐỨC THÀNH