Người Hà Nội hỗ trợ bà con Hải Dương tiêu thụ rau củ
Kinh tế - Ngày đăng : 19:02, 20/02/2021
Trước tình trạng hàng ngàn tấn nông sản tại Hải Dương đến kỳ thu hoạch đang bị ùn ứ, đứng trước nguy cơ phải vứt bỏ do không tiêu thụ được, những ngày qua, nhiều người đã chung tay giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản. Trong đó, tại Hà Nội, một số nhóm các tình nguyện viên đã kết nối để hỗ trợ bà con phần nào.
Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội nhằm hỗ trợ bà con Hải Dương tiêu thụ nông sản
"Không nên phí thời gian để than vãn hay chờ đợi, nhóm chị em em muốn góp chút công sức để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con Hải Dương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang bị phong toả. Sản phẩm sẽ được một số HTX trên địa bàn tỉnh thu gom của bà con và đội xe của HTX cũng hỗ trợ chi phí vận chuyển, đảm bảo đúng các quy trình khử khuẩn theo quy định của các chốt dịch và theo quy chuẩn của phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ!" - đại diện một nhóm tình nguyện chia sẻ trên mạng xã hội.
"Covid-19 đã khiến đồng ruộng của người dân Hải Dương đã bỏ mấy chục ngày nay. Họ không phải là người nhiễm bệnh, đa phần là vì thực hiện giãn cách nên hàng trăm tấn hành, tỏi, cà rốt, hàng ngàn hec-ta su hào, bắp cải, cà chua, ổi... phá bỏ vì không tiêu thụ được. Hiện lượng hàng hoá tồn đọng trên địa bàn ước khoảng 90.760 tấn. Nhiều đơn hàng buộc phải huỷ bỏ do ngăn sông cấm chợ, và cả do tâm lý e ngại.... Mong các anh chị và các bạn cùng chung tay giảm thiểu tối đa mất mát cho bà con nông dân Hải Dương để họ vơi bớt nhọc nhằn sau mùa vụ trên đồng ruộng"- chị H. (ở Hà Nội, một người tình nguyện, chia sẻ).
Chỉ sau một thời gian ngắn kêu gọi, đã có rất nhiều người trên địa bàn Hà Nội đặt hàng. Lượng hàng nhóm tình nguyện chị H. tham gia đã được mọi người đặt hết trong vòng 1 ngày. Chị H. cho biết riêng số đơn chị nhận trong chưa đến 1 ngày là gần 100 đơn, tính ra gần 2,5 tấn rau củ. Sau khi tập hợp, nhóm tình nguyện sẽ liên hệ với các đơn vị vận chuyển (trong đó phần đa là các bác thương binh) để chuyển tới khách hàng, còn những người đến lấy hàng trực tiếp được sắp xếp để phân bổ thời gian giao nhận hàng, tránh tình trạng lộn xộn và tập trung đông người
Trước đó, như báo chí đã đưa tin, hàng chục ngàn tấn nông sản tại Hải Dương, trong đó có hàng ngàn tấn đang nằm trong kho lạnh chờ xuất khẩu, đã bị ùn ứ sau khi UBND TP Hải Phòng ra thông báo tạm dừng tiếp nhận hàng hóa từ Hải Dương. Đặc biệt, theo yêu cầu của TP Hải Phòng, lái xe của địa phương này đi từ Hải Dương về sẽ phải được cách ly tập trung khiến cho việc vận chuyển hàng hóa bị "đóng băng".
Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, cho biết địa phương này đang có khoảng 10.000 tấn cà rốt và 3.000 tấn rau đang bảo quản trong kho mát, chưa kể 30.700 tấn cà rốt và 5.500 tấn rau đến kỳ thu hoạch. Ngoài ra còn có 1.000 tấn heo sữa, rau chế biến bảo quản trong kho cấp đông cùng nhiều mặt hàng khác đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, thương lái không đến thu mua do việc đi lại phải trải qua quá nhiều thủ tục.
Theo kế hoạch, 80% lượng nông sản nói trên sẽ được xuất khẩu qua cảng Hải Phòng từ nay đến cuối tháng 2.2021, các doanh nghiệp (DN) cũng đã ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài để đặt lịch tàu biển. Tuy nhiên, từ ngày 16.2, UBND TP Hải Phòng ra thông báo tạm dừng tiếp nhận tất cả hàng hóa từ Hải Dương và có quy định lái xe Hải Phòng nếu đi từ Hải Dương về sẽ phải cách ly tập trung khiến các doanh nghiệp, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh này lao đao.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 chiều 19-2, lãnh đạo Hải Dương cũng phản ánh tình trạng "ngăn sông, cấm chợ". Lưu ý việc không thể coi cả tỉnh Hải Dương là vùng dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh việc Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn tỉnh là giải pháp phòng ngừa nâng cao 1 mức để ngăn chặn, bởi Hải Dương là đầu mối giao thông, liên quan đến nhiều địa phương. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các tỉnh lân cận thực hiện "ngăn sông, cấm chợ". Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi các tỉnh và báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.
Theo Người lao động