Bảo đảm công bằng trong tiêm vaccine COVID-19
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:32, 26/02/2021
Phun khử khuẩn lô vaccine đầu tiên về đến Việt Nam ngày 24.2
Sáng 24.2, chuyến bay chở theo những liều vaccine phòng bệnh COVID-19 do hãng dược AstraZeneca (Anh) cung cấp đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh. Với chuyến bay này, chúng ta đã nhận được 117.000 liều vaccine COVID-19 đầu tiên, mở đầu cho những chuyến hàng dự kiến sẽ đưa 60 triệu liều vaccine đã ký bảo đảm tới Việt Nam và tiếp đó là số lượng vaccine đủ để tiêm cho toàn bộ dân số.
Những liều vaccine COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca đã có mặt kịp thời trong bối cảnh nước ta đang ứng phó với một đợt bùng phát mới, mang lại niềm tin tưởng và phấn chấn cho người dân cả nước. Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên ở khu vực châu Á được tiếp cận vaccine phòng COVID-19 – giải pháp triệt để nhất để ngăn chặn đại dịch đang càn quét toàn cầu trong năm thứ hai liên tiếp và đã cướp đi trên 2,5 triệu sinh mạng. Với một lộ trình triển khai tiêm chủng đã được Đảng và Chính phủ ta vạch ra cụ thể, vaccine COVID sẽ đưa Việt Nam tiến một bước gần hơn tới vượt qua đại dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Ngay trong cuộc họp với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 diễn ra cùng ngày 24.2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Chiến lược của chúng ta là 100 triệu dân được tiêm vaccine”.
Toàn bộ dân số Việt Nam sẽ được tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 một cách công bằng, minh bạch. Tuy nhiên, trong điều kiện tình hình cung ứng vaccine vô cùng khan hiếm trên toàn cầu, cũng như xét bối cảnh thực tế của tình hình dịch bệnh trong nước, chúng ta không thể cùng một lúc tiêm phòng cho cả trăm triệu dân. Lúc này, công bằng trong tiêm vaccine COVID-19 chính là phải tôn trọng và tuân thủ những thứ tự ưu tiên đã được cơ quan chức năng xây dựng dựa trên những đánh giá khoa học và thực tế.
Cụ thể, theo hướng dẫn mới ban hành của Bộ Y tế, 11 nhóm đối tượng nguy cơ cao được ưu tiên tiêm vaccine trước gồm: Nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng công an; lực lượng quân đội; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...; người mắc các bệnh mãn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.
Tiêm phòng COVID-19 dựa trên các nhóm đối tượng ưu tiên cũng chính là nguyên tắc được áp dụng ở các quốc gia có dịch trên thế giới. Tất nhiên, ở mỗi nước lại có những ưu tiên khác nhau dựa trên tình hình và điều kiện thực tế, cụ thể ở quốc gia đó.
Vương quốc Anh, quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech, đã xác định các nhóm ưu tiên trong giai đoạn 1 của chiến dịch chủng ngừa là: Cư dân các viện dưỡng lão và nhân viên chăm sóc; nhân viên y tế tuyến đầu; người trên 80 tuổi; trên 75 tuổi; trên 70 tuổi; người đặc biệt dễ tổn thương; người trên 65 tuổi; người 16-64 tuổi có bệnh nền; tiếp đó lần lượt là các nhóm trên 60, trên 55, trên 50 tuổi.
Israel, quốc gia đã trở thành hình mẫu thành công với chiến dịch tiêm phòng COVID, cũng tập trung vào các đối tượng ưu tiên tiêm chủng đầu tiên là người cao tuổi, người có nguy cơ cao về sức khỏe, nhân viên y tế và nhân viên các lực lượng khẩn cấp. Nhờ chiến dịch tiêm chủng “thần tốc” đã thực hiện với hơn một nửa dân số, đến nay Israel đã mở cửa lại một số hoạt động kinh tế để dần quay lại nhịp sống bình thường.
Tại Mỹ, quốc gia hứng chịu tổn thất nặng nề nhất của đại dịch, giới chức đã đưa ra hướng dẫn tiêm chủng trong giai đoạn đầu nhắm đến các nhóm đối tượng ưu tiên cao nhất là: nhân viên y tế và cư dân viện dưỡng lão; tiếp đó là nhân viên các ngành thiết yếu; người từ 65 tuổi trở lên; người có bệnh nền và nguy cơ mắc COVID thể nặng… Sau các giai đoạn ưu tiên, vaccine COVID-19 sẽ được tiêm phòng đại trà cho tất cả người dân Mỹ có nhu cầu.
Với Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo một nguyên tắc quan trọng trong triển khai tiêm vaccine là “đối tượng có nguy cơ cao tiêm trước, nguy cơ thấp tiêm sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau". Thủ tướng yêu cầu vaccine cần “tiếp cận nhiều vùng chứ không phải chỉ có một vùng” và tỉnh nào quá khó khăn về kinh phí phục vụ cho chống dịch thì Bộ Tài chính cần sớm trình Thủ tướng để có biện pháp xử lý.
Vaccine phòng COVID-19 đã có và sắp tới sẽ được chuyển giao với số lượng nhiều hơn để kịp thời phục vụ đông đảo nhân dân. Bộ Y tế đã cam kết sẽ cung cấp 90 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân trong năm 2021. Các nhà lãnh đạo chính phủ cũng đã đề xuất xã hội hóa hoạt động cung ứng và triển khai tiêm vaccine thông qua kênh tư nhân để vừa giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, vừa tăng độ bao phủ tiêm vaccine.
Việc Chính phủ ta sớm ký kết bảo đảm cung cấp hàng chục triệu liều vaccine chất lượng, hiệu quả trong bối cảnh khan hiếm toàn cầu, đồng thời với việc lên kế hoạch đưa vaccine đến người dân một cách công bằng, theo đúng lộ trình khoa học, đã cho thấy tầm nhìn chính xác của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng một chiến lược toàn diện để ngăn chặn dịch bệnh, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường đi đôi với khôi phục, phát triển kinh tế.
Lúc này, trong khi chờ đợi vaccine được triển khai rộng khắp nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng, các cấp chính quyền và người dân cả nước vẫn không một giây phút nào được phép lơ là phòng ngừa dịch bệnh. Dù có vaccine, công tác phòng bệnh bằng thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế - “Khẩu trang - Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế” - vẫn là vô cùng cần thiết để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Mỗi người dân cần làm tròn, làm chuẩn trách nhiệm của mình trong phòng ngừa dịch bệnh, trước khi đón nhận liều vaccine COVID-19!
THU HẰNG