15 ngày đếm ngược của người trồng sắn dây Thượng Quận

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:28, 27/02/2021

Những người trồng sắn dây ở xã Thượng Quận (Kinh Môn) đang đếm ngược đến ngày hết giãn cách xã hội để việc tiêu thụ sắn dây thuận lợi hơn.


Sắn dây đến ngày thu hoạch nhưng việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn

Cùng là đặc sản nhưng chuối Bãi Mạc đắt chợ dịp Tết thì nay sắn dây của xã Thượng Quận (Kinh Môn) lại chịu phận "nằm im thở khẽ" bởi toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách nên việc thông thương gặp nhiều khó khăn. Trong khi thị trường đầu ra của sắn dây Thượng Quận chủ yếu ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình và một số tỉnh miền Trung.

Nguy cơ sắn bị bỏ đi

Tất tả đi các phòng ban làm thủ tục xin giấy vay vốn đầu tư thiết bị làm bột sắn dây, anh Nguyễn Phúc Khẩn, thôn Bãi Mạc lo lắng: “Sắn dây giờ không bán đi được. Đành liều mua máy về làm bột để chờ sau bán nhưng có vẻ bấp bênh lắm”.

Không chỉ anh Khẩn, nhiều người dân xã Thượng Quận như đang “ngồi trên đống lửa” vì sắn dây đến ngày thu hoạch nhưng gần như không bán được. Nếu cùng kỳ năm ngoái, gia đình anh Khẩn xuất hàng chục tấn hàng từ mùng 5 Tết thì nay 200 hốc đều chưa dám dỡ vì không có thương lái đến mua. Chỉ độ nửa tháng nữa, nếu sắn không thu hoạch thì coi như bỏ đi hoặc mọc mầm, không làm bột được.

“Tầm này năm ngoái các thương lái ở Thái Bình đã đến lấy hàng đặt từ trước Tết. Đó đều là khách quen. Đây là thời điểm sắn làm bột có chất lượng ngon nhất. Nhưng năm nay, cố lắm cũng chỉ để thêm được chừng 15 ngày nữa là phải dỡ, để quá sắn mọc mầm hoặc bức lòng là bỏ đi”, anh Khẩn cho biết.


Ông Đỗ Văn Trí (thôn Quế Lĩnh) mừng như bắt được vàng vì bán được ruộng sắn với giá 7.000 đồng/kg

Gọi điện đi dăm bảy chỗ, cuối cùng chị Nguyễn Thị Biển ở thôn Bãi Mạc cũng bán được cho một thương lái ở Hưng Yên với giá 7.000 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái 2.000 đồng/kg. Chưa kể năm nay năng suất sắn giảm gần 1 tạ/sào so với năm trước. Vừa tìm được đầu ra, chị Biển đi thuê thêm 4 nhân công và 1 máy xúc để dỡ sắn. Ngày công thuê 300.000 đồng/người, chị Biển tính như vậy không có lãi. Nhưng thời điểm này chị bán rẻ còn hơn nóng ruột nhìn 200 hốc sắn có nguy cơ quá ngày thu hoạch.

Theo HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thượng Quận, đến thời điểm này mới có khoảng 5% diện tích sắn dây thu hoạch và tiêu thụ được, trong khi cùng kỳ năm ngoái đã là 40%. Năm nay tổng diện tích trồng sắn dây toàn xã là 100 ha, tổng sản lượng ước đạt khoảng 2.700 tấn, giảm 100 tấn so với năm 2020. Sắn dây của xã chủ yếu bán củ, một số ít làm bột vì không phải hộ nào cũng đáp ứng được yêu cầu sản xuất bột.


Với những ruộng sắn bán được, nông dân nhanh chóng thu hoạch để làm đất cho vụ trồng dưa

Mong mỏi thông thương

Thu mua sắn dây nhiều năm nhưng chưa năm nào ông Nguyễn Hữu Gọi thấy thị trường ảm đạm như năm nay, không còn cảnh tấp nập xe ra vào đóng hàng. Những năm trước xe từ các nơi khác thường về thẳng ruộng để chở hàng. Nhưng năm nay, ông Gọi phải dùng xe bò chở về nhà rồi thuê xe tải chở ra các điểm chốt để chuyển đi Quảng Ninh, Thái Bình. Chỉ cách đây vài ngày 6 tấn sắn phải dùng tới chục chuyến xe cải tiến vận chuyển đến 22 giờ mới hết.

Thế nhưng không phải ai cũng bán được. Có buổi tối, anh Bùi Văn Kỳ ở thôn Quế Lĩnh nghe cả chục cuộc điện thoại của thương lái hoãn không lấy hàng hoặc thay đổi giá. Thậm chí khi đã chốt đơn hàng đi, anh thuê máy xúc về dỡ, chỉ vừa được một nửa thì nhận được điện thoại phía bên thu mua báo ngừng dỡ vì xe không qua được chốt. Nếu may hốc nào chưa lộ củ thì có thể đắp đất, còn hốc nào lộ củ đành dỡ bán lẻ vì khi lộ củ mà không thu hoạch thì sắn hỏng sau 3 - 5 ngày. Giá bán chỉ 6.500 đồng/kg. Anh Kỳ mong mỏi sắn bán được bằng giá năm trước nhưng xem chừng khó khăn.

Hiện xã đã gửi báo cáo và đề xuất lên thị xã để hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vấn đề thông thương. Bởi nếu tình hình này vẫn tiếp tục, người nông dân sẽ phải chờ lâu hơn, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mà còn nhỡ thời vụ trồng dưa.


HẢI HÒA